“Anh ơi, anh có thể quay video trận đấu không? Một chút thôi cũng được”.
Dòng tin nhắn được gửi từ Trần Vân Pháp, chàng trai tôi quen bên Campuchia đợt SEA Games 32. Nhìn thấy ảnh tôi ở Mỹ Đình trên facebook, trong trận ra quân AFC Champions League của Hà Nội FC gặp Pohang Steelers (ngày 20/9), cậu lập tức nhắn tin, giọng điệu gần như van vỉ.
Không muốn Pháp thất vọng, tôi gửi ảnh kèm clip ngắn. Chỉ vài giây, nhưng chừng đó là đủ để Pháp sung sướng. “Đã quá anh ơi. Tự hào Việt Nam”, cậu nhắn lại. Và tôi có thể hình dung ra vẻ mặt rạng rỡ của Pháp khi ấy. Cậu mê bóng đá lắm, và nồng nàn tình yêu Việt Nam.
Đội bóng Bãi Cải, với đội trưởng Trần Vân Pháp mặc áo số 10 |
Tôi biết Pháp vào tháng 4/2023 trong trận ra quân của U22 Việt Nam ở SEA Games 32 trên đất Campuchia. Lúc đó cậu cùng bạn bè đang tập trung bên ngoài sân Prince. Sau nhiều ngày chuẩn bị, từ việc lên kế hoạch mua đồng phục áo đỏ sao vàng, tìm kiếm vé đến thu xếp công việc, cuối cùng tất cả đã ở đây, háo hức chờ giây phút được vào sân cổ vũ đội bóng cố hương.
Pháp sinh ra tại Campuchia, rất lâu sau khi ông bà cậu cư ngụ ở Arey Khsath. Nơi đây có một cộng đồng theo Đạo Thiên chúa người Việt gắn bó. Họ sinh sống, làm việc, và với những người thuộc thế hệ thứ nhất, thứ hai sinh ra ở Campuchia như Pháp, đều lớn lên cùng nhau, giao tiếp bằng thứ tiếng Việt thành thạo.
Theo lời Pháp, người Việt định cư tại đây hẳn có lý do. Hơn mười năm trước, chính trên dòng Mekong này họ đã vớt được hai bức tượng đồng Đức Mẹ, sau đó mang về thờ ở Giáo xứ Nữ vương Hòa Bình, họ đạo Arey Ksath. Đó là duyên lành, cũng nhấn mạnh sự an ổn, linh thiêng của Bãi Cải.
Nghe nói tôi là phóng viên báo Tiền Phong từ Việt Nam sang, họ hỏi đủ thứ, cố gắng tìm kiếm nhiều thông tin về quê hương nhất có thể. Rồi những bạn trẻ đáng yêu này hẹn tôi nhất định phải qua Arey Khsath chơi. “Tụi em có một bất ngờ dành cho anh”, họ nói.
Đội Bãi Cải ăn mừng chức vô địch Cúp Tứ hùng |
Từ trung tâm Phnom Penh, bắt chuyến phà ở bến Kampong Chamlong, băng qua đoạn sông Mekong có chiều ngang tới gần 2km, tiếp tục đi thêm một chặng tuktuk là đã tới Arey Khsath. Người Việt định cư tại đây nhiều năm và họ gọi là Bãi Cải. Tại sao lại là Bãi Cải thì không ai biết, kể cả những người nhiều tuổi nhất trong ngôi làng mang phong cách miền Tây Nam Bộ.
Theo lời Pháp, người Việt định cư tại đây hẳn có lý do. Hơn mười năm trước, chính trên dòng Mekong này họ đã vớt được hai bức tượng đồng Đức Mẹ, sau đó mang về thờ ở Giáo xứ Nữ vương Hòa Bình, họ đạo Arey Ksath. Đó là duyên lành, cũng nhấn mạnh sự an ổn, linh thiêng của Bãi Cải.
Và “món quà” các bạn trẻ Bãi Cải dành cho tôi chính là giải bóng đá Tứ hùng đang được tổ chức. Giải mỗi năm mới có một lần với sự tranh tài của 4 đội thuộc 4 hội Đạo. Phần thưởng không có tiền, chỉ có Cúp và huy chương, nhưng tất cả đều ngóng chờ, coi đó là niềm vinh dự khi được tham gia.
Trong buổi chiều hè nắng cháy lên đến hơn 40 độ C, rất đông thanh niên tập trung ngoài sân bóng phía trước trường Công giáo La Salle. Trường này cung cấp giáo dục mẫu giáo và tiểu học miễn phí cho trẻ em nghèo, được điều hành bởi cha linh mục người Pháp. Sân thuộc khuôn viên trường thường được sử dụng làm nơi thỏa mãn đam mê bóng đá của thanh niên trong xóm. Nhìn những vạt cỏ um tùm đối nghịch với sân bóng trụi cỏ có thể thấy mức độ chơi bóng liên tục nơi đây. Và khác với ngày thường, vì là Cúp Tứ hùng nên sân được chỉnh trang lại một chút với cột gôn chắc chắn và vạch được rải lại bằng vôi.
Pháp là đội trưởng của FC Bãi Cải. Cậu nói rằng đội được thành lập rất lâu rồi và những cầu thủ hiện tại đều là lứa kế tục. Thành phần của đội cũng rất đa dạng. Người sửa máy lạnh, người sửa xe hoặc như Pháp làm thợ hồ (phu hồ). Anh em đến với nhau vì chung thú vui bóng đá, và sinh hoạt đều đặn mỗi tuần. Với giải Tứ hùng, đây có thể coi là danh hiệu lớn và quan trọng nhất, mà bất cứ ai cũng muốn trở thành nhà vô địch.
Pháp nói đúng, các cầu thủ đã thể hiện khát khao thông qua những pha bóng quyết liệt, cú sút quyết đoán trên các gương mặt ròng ròng mồ hôi. Tuy nhiên, vì đều người trong các hội đạo, thấm nhuần giáo lý, không hề có sự ác ý hay nảy sinh thái độ thắng bằng mọi giá. Các khán giả vây quanh cũng vậy, đều cổ vũ cuồng nhiệt cho cả 4 đội, theo cái cách đội nào vô địch họ cũng vui.
Tuy là Cúp Tứ hùng nhưng các đội không đá vòng tròn, mà tăng sự kịch tính bằng việc chia cặp loại trực tiếp. Đội Bãi Cải thắng 4-0 và giành quyền chơi chung kết. Là hai đội mạnh nhất, trận chung kết diễn ra căng thẳng như mong đợi nhưng không có bàn thắng nào được ghi. Kết quả này buộc hai đội phải đá luân lưu.
Ở cú sút quyết định, đứng trước chấm 11m của FC Bãi Cải là Văn Khang, người bình thường là thợ sửa xe. Liếc nhìn sang, va vào tôi là ánh mắt lo lắng của đội trưởng Vân Pháp cùng đôi bàn tay nắm chặt. Vào rồi! Một cú sút rất căng vào góc cao kéo theo thanh âm vỡ òa của cả sân bóng. Tất cả ùa vào ôm lấy người hùng khoác áo số 4, trước khi sung sướng đón chiếc Cúp từ cha linh mục.
Ngay lập tức là màn ăn mừng cuồng nhiệt trên sân, như thể các cầu thủ vừa vô địch World Cup vậy. Sau đó là màn rước Cúp quanh xóm đạo bằng xe máy. Một người hét lên với tôi, rằng mỗi khi đội tuyển Việt Nam chiến thắng, xem thông tin thấy bên Việt Nam “đi bão” vui lắm, ai cũng ham. Vậy nên ở Cúp Tứ hùng, tất cả ráng đoạt Cúp để “đi bão” cho đã. “Ở đây tiếng nói, phong tục, truyền thống đều như ở Việt Nam hết. Thêm đi bão đã 100% Việt Nam chưa anh?”, Pháp nói với sự hãnh diện không che giấu.
Cuối cùng, “những nhà vô địch” về xóm nướng cá, ăn uống vui vẻ đến tận đêm. Đưa tôi miếng cá thơm phức, Pháp nói chiếc Cúp rồi sẽ được để trang trọng trong nhà cha linh mục. Hiện tại đã có 4 chiếc và cậu cùng đồng đội quyết tâm mang về nhiều hơn nữa trong tương lai.
Nói về tương lai, Pháp cũng như nhiều người Việt khác cũng chưa biết mai này ra sao. Cậu cho biết sắp tới những người Việt tại đây sẽ bị di dời đi nơi khác. “Gia đình em đã mua đất tại Tây Ninh, nếu khó khăn quá sẽ về Việt Nam sinh sống”, chàng trai mới hơn 20 tuổi có gương mặt cương nghị chia sẻ, “Cuộc sống người Việt ở đây chẳng dễ dàng gì, nhưng không bao giờ em hối tiếc vì mình là người Việt. Trong em luôn tự hào là người Việt Nam”.
Nhiều tháng sau, Pháp nhắc lại niềm tự hào người Việt trong tin nhắn gửi tôi trên sân Mỹ Đình. Bất cứ lúc nào cậu vẫn dõi theo và bung tỏa niềm kiêu hãnh.