Trả lời báo Tiền Phong, bà Đặng Thị Tuyết Em - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang nói: Khi có chủ trương của Chính phủ về quy hoạch, phát triển đảo Phú Quốc thành Trung tâm Du lịch - Nghỉ dưỡng chất lượng cao. Đặc biệt giai đoạn khi Quốc hội chuẩn bị thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đồng thời với việc xây dựng Đề án đặc khu hành chính - kinh tế Phú Quốc, tình hình giao dịch, chuyển nhượng đất đai tăng đột biến về số lượng cũng như giá cả. Bên cạnh đó, tình hình vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng cũng gia tăng; quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng của chính quyền địa phương từng lúc, từng nơi còn buông lỏng, thiếu kiên quyết trong việc phát hiện, xử lý, ngăn chặn vi phạm.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đã có nhiều công văn, chỉ thị nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, cũng như ngăn ngừa, xử lý các vi phạm phát sinh trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc. Ngoài ra, hàng tháng Thường trực Tỉnh ủy mời lãnh đạo huyện Phú Quốc cùng các ngành liên quan họp, báo cáo tình hình và đưa ra các biện pháp giải quyết, cũng như định hướng những việc làm tiếp theo. Đến nay những “vấn đề nóng” trên đảo như: Phân lô, bán nền đất nông nghiệp, các dự án “ma”, vấn đề bao chiếm đất nhà nước quản lý, đất rừng và các băng nhóm tội phạm… đã được giải quyết tạm ổn.
Trong khi đó, một cán bộ lãnh đạo huyện Phú Quốc cho biết: Nhằm lập lại UBND huyện đã thành lập “Tổ Kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính” chuyên “đánh” vào những sai phạm thuộc lĩnh vực đất đai, khoáng sản, xây dựng trái phép, cát “tặc”… Qua 5 tháng ra quân đã phát hiện trên 1.000 vụ vi phạm, xử lý hàng trăm vụ.
Về việc còn quá nhiều dự án “treo” làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cho biết: Đã thu hồi 11 dự án, lập Biên bản xử lý vi phạm hành chính hàng chục công ty do chậm triển khai các thủ tục đầu tư với tổng số tiền 500 triệu đồng; Thông báo yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ đầu tư với số tiền 31,2 tỷ đồng...