Tình nghĩa chung cư

0:00 / 0:00
0:00
TP - Xưa nay người ta thường nói về “tình làng, nghĩa xóm”, nhưng trong đại dịch COVID-19 mới thấm thía thêm “tình căn hộ, nghĩa chung cư”.

Thông thường, người ở chung cư rất ít giao lưu với nhau, tòa nào đi cầu thang tòa ấy. Dân sống chung cư đa phần là công chức, cán bộ, đi làm việc tối ngày, ở nhà chỉ có ông bà già, trẻ con. Có người đến ở, bán nhà đi, suốt thời gian ấy chẳng ai biết.

Rồi đột ngột đại dịch COVID-19 xảy ra tại TPHCM, làm thay đổi tất cả. Chung cư trở thành pháo đài, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Ngay cả bảo vệ cũng 3 tháng trời ăn ở tại chỗ, những chị lao công 120 ngày không về nhà, nói gì những người sống trong chung cư. Tất cả đều không bước chân ra khỏi cổng bảo vệ.

Những tháng ngày giãn cách đã khiến cộng đồng chung cư của chúng tôi trở thành một khối “thống nhất” cả ý chí lẫn hành động.

Chưa bao giờ mà người ta lại vào trang mạng xã hội của chung cư nhiều như thế, thậm chí chẳng kém gì đọc báo. Người bác sĩ sống trong chung cư đã đi chống dịch suốt hơn 100 ngày chưa về nhà, nhưng anh vẫn cập nhật hướng dẫn mọi người đề cao cảnh giác, lúc bị F0 thì phải làm gì. Anh luôn dặn dò: “Mọi người không được chủ quan, đây là một dịch bệnh hết sức nguy hiểm”.

Có hai vợ chồng F0, được đưa vào bệnh viện dã chiến. Họ gửi hai đứa con lại cho toàn bộ chung cư chăm sóc. Đứa lớn mới 12 tuổi. Mỗi ngày, bảo vệ đưa cơm lên cho các cháu. Bỗng một hôm, đứa lớn sốt, mọi người xôn xao và mời y tế vào xét nghiệm. Hai cháu đều từ F1 chuyển thành F0 nhí. Hai bé rời chung cư vào viện dã chiến trong màu áo xanh, trước con mắt lo lắng dõi theo từ tất cả các căn hộ.

Chưa bao giờ chung cư lại đoàn kết như thế. Chỉ sau vài ngày kêu gọi, một phòng “cấp cứu” mi-ni đã được hoàn thành với máy thở, các loại thuốc thiết yếu, hàng chục bình oxy được đặt ngay tại tầng trệt. Khi F0 đột ngột trở nặng, ngay lập tức được đưa xuống phòng cộng đồng xử lý, hoặc bình oxy được đưa lên tận căn hộ.

Một chị bán thịt tại chợ, nay “thất nghiệp” về nhà, đã sáng kiến mua máy móc về chế biến thịt và bán cho người trong chung cư. Vài cô cậu sinh viên săn tìm hoa quả để bán với giá rẻ hơn thị trường. Những vỉ thuốc giảm sốt, những vỉ C, các thùng khẩu trang, nước xịt khuẩn… ai mua được gì thì liên hệ mua, rồi chia sẻ cho người trong chung cư với giá “bình ổn”. Nghe tiếng bấm chuông, hàng đã treo ở cửa, nhưng không thấy người giao. Đó là nguyên tắc giãn cách.

Chưa bao giờ mà cả chung cư cùng biết hôm nay ăn gì và cùng nhau ăn một món. Số là để giải cứu dưa hấu, giải cứu tôm, giải cứu gà… phải có một số lượng nhất định (cỡ từ 500 kg trở lên) thì hàng từ tỉnh mới chuyển lên được. Vậy là lại đồng lòng cùng giải cứu giúp nông dân.

Với những F0 nhẹ điều trị tại nhà, ban đầu cư dân không ít e ngại. Thậm chí có ý kiến nên lắp camera theo dõi. Nhưng rồi, mọi người đều tin tưởng lẫn nhau. Hầu như tòa nhà nào cũng có căn hộ F0, chúng tôi đã sống chung với dịch bệnh như thế. Nhưng không một tiếng cãi vã, chê trách, hay giận hờn. Khi chị tổ phó trở thành F0, chị đã nhận được những món quà nho nhỏ từ các cháu bé, người già động viên.

Sự việc bất ngờ là một chị người Philippines đột ngột qua đời trong những ngày dịch căng thẳng (chị mất vì bệnh thường, không nhiễm COVID-19). Tổ dân phố tới nơi, người chồng nói: “Chúng tôi qua Việt Nam làm thuê, đã tiêu hết tiền, trong thẻ tiết kiệm chỉ còn 5 triệu mà dịch vụ mai táng đòi 65 triệu”. Trong một đêm, gia đình người Philippines đã nhận đủ số tiền mai táng cho người xấu số từ sự đóng góp của mọi người.

Ngày 1/10/2021 đánh dấu việc mọi người được ra khỏi nhà nếu có thẻ xanh và được đi làm những công việc cần thiết. Nhiều người nói rằng: “Chúng ta thật may mắn vì không có ai thiệt mạng vì COVID-19. Những gia đình đi điều trị cũng đã trở về đầy đủ”.

Nhưng nhiều người cũng bảo ban nhau: Đừng chủ quan, hãy tiếp tục cuộc chiến chống COVID-19 trong một giai đoạn mới, mở cửa kinh tế. Hãy giữ cho niềm vui và sự yêu thương luôn tràn ngập trong chung cư của chúng ta.

MỚI - NÓNG