Tình dục: Độc dược hay thần dược của cầu thủ?

Tình dục: Độc dược hay thần dược của cầu thủ?
Một trong những chủ đề thường gây nhiều tranh cãi nhất trong các sự kiện bóng đá lớn như World Cup hay EURO lại chẳng liên quan gì đến bóng đá. Không liên quan nhưng nó lại được cho là có tác động lớn đến chuyện thi đấu. Đó là vấn đề giải quyết nhu cầu sinh lý của các cầu thủ.

> EURO 2012: Dịch vụ sex trên khán đài VIP

Thời điểm này, EURO 2012 đã sắp khai cuộc và vấn đề “SEX” của cầu thủ lại được đem mổ xẻ dữ dội với 2 luồng luận điểm: Cấm sex hay thả sex trong EURO?

Bằng chứng đâu?

Tình dục: Độc dược hay thần dược của cầu thủ? ảnh 1
 

Trước thềm World Cup 1974, đội tuyển Brazil bị cấm trại trong một khu tập huấn vùng núi non hiểm trở ở ngoại ô Rio de Janeiro. Nội bất xuất ngoại bất nhập, họ không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tất nhiên bao gồm cả vợ và bạn gái (hay nói cách khác là “chuyện ấy”).

Chỉ thỉnh thoảng báo chí được vào thăm đội tuyển. Một trong những dịp ấy, trung vệ Luis Pereira túm một nhà báo lại và bày tỏ sự bức xúc: “Họ nói rằng phải làm thế này để chúng tôi vô địch thế giới? Vô địch thế giới bộ môn gì? Thủ dâm à?”.

Phải biết rằng với bất kỳ VĐV chuyên nghiệp nào, hàm lượng testoteron, hormone nam tính trong cơ thể cũng cao hơn người bình thường.

Hormone này quy định mức độ thành công trong thể thao, và cũng góp phần gia tăng luôn nhu cầu về... chuyện ấy. Nghĩa là, nếu cấm vận một VĐV, sẽ không có chuyện anh ta nhịn sex hoàn toàn, mà đành chọn giải pháp “bàn tay ta làm nên tất cả”.

Khoa học chứng minh rằng quá trình xuất tinh khi “tự sướng” gây mệt mỏi và ức chế thần kinh nhiều hơn so với khi có “đối tác” đàng hoàng. Đơn giản là lúc đó quá trình thăng hoa bao gồm cả cảm xúc yêu đương.

Tóm lại, xét về mặt lý thuyết, cấm trại cầu thủ để họ phát sinh ức chế còn có hại hơn để họ được gặp vợ và bạn gái.

Đội tuyển Brazil nói không với sex kia cuối cùng đã không thể trở thành nhà vô địch thế giới. Họ trở thành nỗi thất vọng của World Cup 1974, khi chỉ cán đích ở vị trí thứ 4, thua cả Ba Lan trong trận tranh HCĐ.

Nhưng cũng không thể vì một trường hợp của Brazil mà kết luận rằng cho cầu thủ “thả phanh” là có lợi. Cũng trong chiến dịch chuẩn bị cho VCK năm ấy, Hà Lan cho cầu thủ tự do đi gặp bạn gái và vợ.

Kết quả là “Cơn lốc Cam”, với một thế hệ vàng của Johan Cruyff và HLV huyền thoại Rinus Michel, cũng chỉ về nhì, thua Đức tại chung kết. Thế quan điểm của nhà vô địch World Cup 1974 về sex như thế nào? Họ cũng là đội cấm sex, giống Brazil, rất kỳ lạ.

Gần như không thể tìm được bằng chứng để chứng minh sex có lợi hay có hại cho cầu thủ trước những trận đánh lớn. Bởi chính đội tuyển Đức, đến EURO 1996, lại cho cầu thủ thả phanh, và lên ngôi vô địch.

HLV Berti Vogts, một HLV Đức điển hình với phương thức huấn luyện cứng nhắc, lại rất thoáng trong vấn đề này. Ông tuyên bố: thời điểm duy nhất ông cấm cầu thủ “gặp đối tác” hoặc “tự sướng” là... thời gian nghỉ giữa hiệp.

Rốt cục, sex trong bóng đá vẫn trở thành chủ đề tranh cãi cho tới tận hôm nay, và mỗi HLV hay cầu thủ tự chọn phương pháp riêng cho mình.

Sex không phải là thần dược nhưng sẽ lại là độc dược nếu thiếu nó. Trong thời buổi này, nếu sex không thể thiếu thì hãy để cầu thủ được thoải mái trong chừng mực hợp lý”, giáo sư Jean – Marcel Ferret, cựu bác sĩ ĐT Pháp.

Một giọt máu đào...

Maradona quan niệm rất thoáng về sex tại các giải đấu lớn
Maradona quan niệm rất thoáng về sex tại các giải đấu lớn.

... hơn ao nước lã. Quan niệm truyền thống phương Tây lại cho rằng 1 đơn vị tinh dịch bằng tới 40 đơn vị máu. Không cần tới các nhà khoa học, mỗi người trong chúng ta đều biết rằng việc “lên đỉnh” có tác động nhất định tới thể lực và thần kinh của con người. Thế mà chẳng nhẽ không có quy luật nào?

Quan niệm truyền thống, tất nhiên không ủng hộ việc quan hệ tình dục trước trận đấu. Nhưng trong nhiều thập kỷ qua, rất nhiều cuộc thử nghiệm khoa học đã được thực hiện, và không tìm được bằng chứng cho thấy sự liên quan giữa sex và khả năng thi đấu của các VĐV thể thao.

Vấn đề có thể nằm ở tâm lý. Phát biểu của Luis Pereira năm 1974 có thể được nhìn nhận từ một khía cạnh khác: họ thi đấu tồi không phải vì không được thỏa mãn nhu cầu tính dục, mà vì ức chế tâm lý, khi mang cảm giác bị tù đày và tước mất những nhu cầu tối thiểu của con người.

20 năm sau, tại World Cup 1994, HLV Carlos Alberto Parreira đưa ra một giải pháp trung hòa cho ĐT Brazil.

Các tuyển thủ Selecao vẫn bị nhốt trong trung tâm huấn luyện, nhưng họ được cho một khoảng thời gian cố định ra ngoài hẹn hò cùng bạn gái.

Giới hạn được vạch ra rất rõ ràng, khi các tuyển thủ phải trở về trước 11 giờ đêm trong những ngày xả trại, nếu không thì khăn gói về lại CLB. Sự kết hợp cương-nhu ấy đã giúp Brazil thi đấu với tinh thần tốt nhất, và vô địch giải đấu tại Mỹ.

Một nạn nhân của chính sách gây ức chế tâm lý này là HLV Oleg Blokhin của Ukraine.

Tại World Cup 2006, ông này hứa rằng nếu các cầu thủ lọt vào tới bán kết, ông sẽ xóa bỏ hoàn toàn chính sách cấm sex. Theo Blokhin, đó là cách để ông tạo động lực cho cầu thủ. Động lực này sau đó mạnh tới mức... Ukraine bị loại ngay ở tứ kết, giúp cầu thủ đoàn tụ với vợ và bạn gái sớm hơn.

Cũng nhìn nhận từ góc độ đó, việc một số đội tuyển cho cầu thủ xả trại đi “trả bài” tự do, như Hà Lan năm 1974 hay Argentina năm 2010, cũng gây hại cho tâm lý của họ.

“Phụ nữ không hiểu gì về công việc này” – cựu danh thủ Josef Sabo của Ukraine nói – “Họ tưởng chúng ta đang phải làm những công việc nhẹ nhàng lắm. Ở cạnh họ suốt đêm chỉ khiến cho tâm lý thi đấu giảm sút”.

Ông có lý, khi người ta chứng kiến cách Argentina thi đấu bạc nhược trước Đức ở World Cup 2010. Năm đó, HLV Maradona cho cầu thủ tự do gặp gỡ vợ và bạn gái.

Cô bồ Irina quyết bám gót Ronaldo tới EURO 2012
Cô bồ Irina quyết bám gót Ronaldo tới EURO 2012.

Tại EURO 2012, vấn đề sex được đánh giá là thông thoáng nhất trong lịch sử cả vì yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Khách quan là Ba Lan và nhất là Ukraine đang “vẻ vang” với biệt danh “thánh đường tình dục của châu Âu”.

Với số lượng gái bán dâm đông đảo, có lẽ các cầu thủ sẽ dễ dàng tìm được đối tác để thỏa mãn.

Chủ quan là vì ngay chính bản thân các lãnh đạo đội tuyển cũng thoải mái hơn trong vấn đề để giới WAGs đi theo chồng và bạn trai. Ví dụ như trường hợp của ĐT Anh, Hà Lan, Italia hay Đức.

Cứng rắn quá cũng không tốt, mềm mỏng quá cũng không xong, “hãy điều độ trong mọi thứ” – lời khuyên của sư tổ ngành y nhân loại Hippocrates đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

QUAN ĐIỂM CỦA HỌ?

CHỐNG ĐỐI:

Giovanni Trapattoni:

Tình dục: Độc dược hay thần dược của cầu thủ? ảnh 4

“Tôi đã từng trải qua những giờ phút trước trận đấu với tư cách cả một cầu thủ lẫn HLV. Tôi thừa biết họ nghĩ gì trong đầu, toàn chuyện vẩn vơ. Cách tốt nhất là cứ cấm tiệt”.

Roy Hodgson:

Tình dục: Độc dược hay thần dược của cầu thủ? ảnh 5

“Làm thế nào tôi đưa được đội tuyển Thụy Sỹ lên vị trí thứ 3 trên BXH FIFA trong năm 1994? Rất đơn giản. Tôi tạo cho họ sự tập trung. Bằng cách cấm sex”.

Pedro Troglio (HLV Argentinos Juniors):

Tình dục: Độc dược hay thần dược của cầu thủ? ảnh 6

“Việc duy nhất cầu thủ cần làm ở nhà là ăn uống cho đủ chất, chứ không phải là làm chuyện hao phí sức khỏe”.

ỦNG HỘ:

Graeme Souness:

Tình dục: Độc dược hay thần dược của cầu thủ? ảnh 7

“Tôi tận hưởng sự sảng khoái cùng vợ cả đêm và buổi sáng trước ngày thi đấu. Chưa bao giờ điều đó ảnh hưởng đến phong độ thi đấu của tôi”.

Romario:

Tình dục: Độc dược hay thần dược của cầu thủ? ảnh 8

“Tiền đạo sẽ ghi bàn nhiều hơn nếu anh ta được quan hệ vào đêm trước khi thi đấu”.

Berti Vogts:

Tình dục: Độc dược hay thần dược của cầu thủ? ảnh 9

“Cầu thủ có thể làm bất cứ thứ gì họ thích. Thời điểm duy nhất tôi phải quy định ranh giới là trong giờ nghỉ giữa 2 hiệp”.

Vũ Linh
Theo bongdaplus.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG