Rạn san hô lớn nhất thế giới ở quần đảo Solomon, rộng 34 mét và dài 32 mét, sinh vật khổng lồ này là một mạng lưới phức tạp gồm các polyp san hô—những sinh vật riêng lẻ nhỏ bé—đã phát triển trong khoảng thời gian ba thế kỷ. (Ảnh: Manu San Félix, National Geographic Pristine Seas) |
Nằm sâu trong lòng Thái Bình Dương, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rạn san hô lớn nhất từng được ghi nhận. Với chiều rộng ấn tượng 34m, chiều dài 32m và chiều cao 5,5m, sinh vật khổng lồ này sinh sống gần nhóm đảo Three Sisters ở quần đảo Solomon, có thể nhìn thấy từ không gian.
San hô, được xác định là Pavona clavus, là một cấu trúc đơn lẻ, độc lập, không giống như các mạng lưới trải rộng thường tạo thành rạn san hô. Các nhà khoa học ước tính nó có tuổi đời khoảng 300 năm, khiến nó trở thành một kỳ quan sinh học dài bằng kích thước của hai sân bóng rổ và là một bản ghi chép về nhiều thế kỷ của các điều kiện đại dương.
"Đây là một di tích thiên nhiên chứng kiến sự xuất hiện đầu tiên của những người châu Âu đến vùng biển này", San Félix, nhà quay phim dưới nước của National Geographic Pristine Seas, người đầu tiên phát hiện ra san hô khổng lồ này, cho biết.
Người dân địa phương không hề hay biết
Mặc dù có kích thước lớn, nhưng mãi đến nay rạn san hô này mới được biết đến, ngay cả người dân địa phương cũng không biết đến sự tồn tại của nó.
Rạn san hô này được phát hiện bởi một nhóm các nhà khoa học từ chương trình Pristine Seas, một chương trình thực hiện các dự án thăm dò và nghiên cứu để giúp bảo vệ các đại dương trên thế giới. Nhóm nghiên cứu đang nghiên cứu sức khỏe đại dương của khu vực trên tàu nghiên cứu Argo khi họ phát hiện ra cấu trúc khổng lồ này.
Ban đầu họ nghĩ rằng đó có thể đó là tàn dư của một vụ đắm tàu, nhưng khi kiểm tra kỹ hơn, họ phát hiện ra hệ sinh thái biển sống động được che chở giữa các rạn san hô màu vàng, xanh lam và đỏ. Tôm, cua và cá rạn san hô dựa vào quần thể san hô để trú ẩn và sinh sản.
Rạn san hô này lớn hơn khoảng ba lần so với kỷ lục trước đó. Nó được tạo thành từ một mạng lưới các polyp, là những sinh vật thân mềm nhỏ có họ với hải quỳ và sứa, đóng vai trò là khối xây dựng của san hô. Các polyp tạo nên san hô khổng lồ này đến từ ấu trùng định cư trên đáy biển rồi sinh sôi qua nhiều thế kỷ.
Enric Sala nhà thám hiểm thường trú của National Geographic và là người sáng lập Pristine Seas, cho biết: "Đây là một khám phá khoa học quan trọng".
Quần đảo Solomon, được biết đến là nơi có sự đa dạng san hô cao thứ hai trên thế giới, đi đầu trong công tác bảo tồn đại dương. Các rạn san hô trong khu vực là hệ sinh thái quan trọng hỗ trợ đa dạng sinh học biển và đóng vai trò như vùng đệm chống lại các cơn bão ven biển.
Những thay đổi do khí hậu gây ra đe dọa đến sự ổn định và sức khỏe của nhiều môi trường sống dưới biển, bao gồm cả rạn san hô. Axit hóa đại dương đã dẫn đến cái chết hàng loạt của san hô.
Ronnie Posala, viên chức Thủy sản, Bộ Thủy sản và Tài nguyên Biển quần đảo Solomon, cho biết: "Những khám phá như thế này nhắc nhở chúng ta về nhiệm vụ bảo vệ những kỳ quan thiên nhiên này, không chỉ vì giá trị sinh thái của chúng mà còn vì sinh kế và bản sắc văn hóa mà chúng mang lại".