Người ta thường nói đến tình bạn thủy chung kỳ lạ của họ, nhưng chẳng ai biết họ đã tâm sự với nhau những gì và đã cùng sáng tác các tác phẩm rung động lòng người như thế nào.
Hình ảnh hàng xóm lưu giữ lại chỉ là hàng sáng Đoàn Chuẩn đi bộ qua nhà Từ Linh rồi cả hai đến một quán cà phê bình dân ở phố Phan Bội Châu.
Bà Chuẩn cho biết: “Từ Linh rất ít nói. Đến nhà tôi, ông nhà tôi cứ nói, cứ đàn, cứ hát, còn ông ấy ngồi im, nghe, uống cà phê, rồi về”.
Bà Chuẩn bảo : “Ông ấy có biệt danh Tư Lì mà. Sau ông Chuẩn bảo cái tên này không hợp với nhạc nên ông Chuẩn đặt lại là Từ Linh”.
Người ta nói ông Chuẩn quý bạn, muốn bạn nổi tiếng như mình nên đề tên bạn vào làm đồng tác giả chứ nhạc và lời của ông Chuẩn cả. (?)
Lúc nhạc sĩ Đoàn Chuẩn còn sống, chúng tôi gặp, có hỏi, ông khi đó bị bệnh nên không còn nói được rõ lời nữa. Bà Đoàn Chuẩn bảo : “Tác phẩm phần lớn là của nhà tôi, ông Từ Linh chuyên về nhiếp ảnh”.
Những tác phẩm của Đoàn Chuẩn đều là nhạc tình, viết cho người con gái cụ thể mà ông yêu, không thể hai người đàn ông chung một tâm trạng như vậy được, không cùng chấp bút được ?
Sự thật về việc hai tác giả đồng sở hữu những bản tình ca rất riêng tư cho chị M, chị T … (Mà sau này người ta còn thấy ông Chuẩn vừa đàn vừa khóc) mãi mãi sẽ vẫn là câu hỏi.
Dường như cả hai ông thích để cho đời câu hỏi như vậy. Nhiều bản viết tay mới nhất của Đoàn Chuẩn (sau khi Từ Linh đã mất) vẫn đều ghi: nhạc Đoàn Chuẩn, lời Từ Linh.
Công việc sáng tác không chỉ là tác phẩm, không chỉ là nốt nhạc và câu chữ trong một bản nhạc, người nghệ sĩ cần một không gian sống và không gian làm việc thường trực, cần những mối chia sẻ về lý thuyết, những định hướng trong sáng tác, thậm chí đôi khi là cả cấu trúc, ngôn từ của một tác phẩm, hoặc về cách mà nghệ sĩ đưa tác phẩm đến với công chúng.
Những người có cá tính và thích sự riêng tư nhất, đôi khi lại là người có nhu cầu chia sẻ nhất. Chỉ có điều không phải với bất cứ ai anh ta cũng chia sẻ . Trường hợp các tác phẩm của Đoàn Chuẩn và Từ Linh, đóng góp của từng người đến đâu, câu hỏi này sẽ mãi mãi bí ẩn.
Anh An con trai ông Từ Linh nói: “Không có Từ Linh thì không có Đoàn Chuẩn. Hai ông đã là một rồi”. “Ban đầu ông Chuẩn chơi thân với bác tôi, sau chuyển qua thân với bố tôi”.
Những hình ảnh mà anh An nhớ mãi, đấy là trong bốn tháng bố anh ốm liệt giường, sáng nào ông Chuẩn cũng mang cháo sang cho bạn, ngồi nói chuyện cho ông Từ Linh nghe, ít nhất là hai tiếng, rồi mới về. Ông Từ Linh nằm trên giường, nói và viết đều khó khăn, bạn bè vốn không nhiều, chắc là ông đã rất vui.
Đoàn Chuẩn viết cáo phó đăng báo cho Từ Linh.
Anh An nhắc đến vòng hoa viếng bạn của Đoàn Chuẩn in dòng chữ : “Tạm biệt Từ Linh”.
Thường, người ta viếng đề là “vĩnh biệt”.
Từ Linh mất năm 1992, không lâu sau đó Đoàn Chuẩn bị tai biến, nói năng rất khó khăn và ông hầu như im lặng cho đến lúc qua đời.
Họ không chỉ là đồng tác giả trong âm nhạc. Gia đình Từ Linh còn giữ lại những giấy mời xem phim của rạp Đại Đồng trong đó đề giám đốc là Đoàn Chuẩn và phó giám đốc Từ Linh.
Đoàn Chuẩn quê ở Hải Phòng, gia đình có hãng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng đóng tại đó. Gia đình Từ Linh là nhà xuất nhập khẩu, có cơ sở ở thành phố cảng và cũng thường xuống Hải Phòng bằng xe hơi riêng.
Rạp Đại Đồng,Từ Linh đảm trách nhiều công việc. Đoàn Chuẩn với chiếc xe hơi sang nhất Bắc Kỳ, bản tính lãng mạn đa tình, không biết kinh doanh và có lẽ là chẳng biết làm việc gì ngoài sáng tác nhạc, ông thường chí thú với các tác phẩm. Bà Đoàn Chuẩn cũng nói như vậy.
Anh An: “Cụ tôi sinh năm 1926 tên thực là Hà Đình Thâu. Tham gia đội thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu. Cụ ít nói. Tôi nhớ năm 1979 cụ đi vào Sài Gòn, mua được đài băng cối đem ra. Hai cụ ngồi nghe với nhau, mấy bài liền, thích lắm”.
Nói về bố, anh An chỉ kết luận như sau : “Bố mình phải sống như thế nào đấy mới có một người bạn chung thủy như vậy”.
“Mình vẫn nhận tiền bản quyền tác phẩm. Bốn/sáu. Mình bốn bên bác Chuẩn sáu. Ba rem mà”.
Có thời gian anh An theo học ký xướng âm và đàn bên nhà cụ Chuẩn, nhưng sau không theo nghề. Lúc nhỏ cũng suốt ngày dò đài để nghe nhạc thế giới.
Anh An nói thêm: “Lúc gần mất bố tôi viết bằng tay trái cho tôi mấy lá thư, nhưng tôi đau xót quá, thắp hương xin cụ, rồi đốt. Suy nghĩ của cụ lúc đó rời rạc. Ý là cả đời cho các con, mặc dù có chuyện này chuyện nọ, nhưng lúc nào cũng nghĩ cho con. Cái này cái nọ, chỉ là phù phiếm, đại khái là những chuyện riêng tư của cụ ấy mà. Tôi thì chỉ muốn giữ lại những cái gì nó vui, nó đẹp, còn cái gì gợi cái đau thương, mình bỏ đi”.
Trần Nguyên Anh