Tín dụng chính sách góp phần thúc đẩy Kiên Giang giàu mạnh toàn diện

0:00 / 0:00
0:00
Bộ mặt nông thôn Kiên Giang thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo tại vùng đồng bào dân tộc Khmer trên vành đai biên giới được giảm sâu.
Tín dụng chính sách góp phần thúc đẩy Kiên Giang giàu mạnh toàn diện ảnh 1

Điểm giao dịch của NHCSXH tại phường An Hòa, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Một trong những thành tựu nổi bật mà Kiên Giang đạt được trên con đường phấn đấu thành tỉnh giàu mạnh toàn diện ở khu vực Nam Bộ, là thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thực tế ngày nay, bộ mặt nông thôn Kiên Giang thay đổi rõ nét, khoác lên mình “chiếc áo mới”, với nền kinh tế đồng đều; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo tại vùng đồng bào dân tộc Khmer trên vành đai biên giới được giảm sâu.

Thành tựu này không chỉ góp phần giúp mỗi làng quê trên mảnh đất tận cùng phía Tây nam của tổ quốc thực sự trở thành những “miền quê đáng sống”, mà còn ghi nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng các ban ngành, đoàn thể và sự tham gia nhiệt tình của mọi tầng lớp Nhân dân, thông qua việc triển khai thực hiện những chính sách, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước liên quan đến công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, trong đó trọng tâm là Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư TW Đảng ban hành ngày 22/11/2014 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.

Tập trung nguồn lực, nguồn vốn về một đầu mối

Điểm nổi bật trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 ở tỉnh Kiên Giang là tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn vào cuộc tích cực huy động mọi nguồn lực tài chính, tập trung huy động các nguồn vốn chính sách để giúp dân giảm nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.

Ngành tài chính tỉnh đã căn cứ tình hình ngân sách của địa phương, tham mưu đúng và kịp thời, giúp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã ưu tiên bổ sung nguồn vốn chuyển sang Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tăng thêm thế và lực hoạt động, nhất là chủ động được nguồn vốn hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Số tiền 492 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách của Nhà nước do UBND tỉnh, huyện chuyển sang ủy thác cho NHCSXH, tăng 470 tỷ đồng so với năm 2014 để cho vay tới các đối tượng chính sách đặc thù ở những vùng đặc biệt khó khăn, đã thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình triển khai Chỉ thị và có ý nghĩa thiết thực; tập trung các nguồn lực tài chính về một đầu mối, góp phần nâng tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH tỉnh Kiên Giang đến 30/4/2024 lên 6.103 tỷ đồng, tăng 3.926 tỷ đồng so với 10 năm trước.

Cùng đó, tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn địa bàn cũng đạt đến đích 6.000 tỷ đồng; rồi cả nguồn vốn do đích thân hệ thống NHCSXH huy động tại cộng đồng dân cư cũng tăng trưởng đáng kể, chiếm 9,8% tổng nguồn vốn chính sách.

Đổi mới quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách

Cùng với việc tiếp nhận, huy động, tạo lập nguồn vốn lớn từ nhiều kênh, NHCSXH tỉnh Kiên Giang đã kiên trì, năng động trong việc thực hiện quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách.

Đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách đã trưởng thành từ cuộc hành trình vì an sinh và công bằng xã hội, hiện nay đa phần có trình độ đại học, trên đại học có đủ năng lực chuyên sâu một công việc và biết nhiều việc.

Họ luôn gắn bó với quê hương, tận tâm với người nghèo, bền bỉ khơi thông dòng vốn tín dụng ưu đãi chảy đều đặn về khắp làng quê trên biên ải, ngoài đảo vắng. Đồng thời, đã luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với hệ thống hội đoàn thể nhận ủy thác cấp xã, và mạng lưới Tổ tiết kiệm vay vốn để thực hiện cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, tác dụng của việc đổi mới phương thức cấp tín dụng đã kịp thời nắm bắt nhu cầu vay vốn từng đối tượng thụ hưởng, đồng thời giúp hộ nghèo, đồng bào DTTS dễ dàng tiếp cận tới tín dụng chính sách, giảm thời gian đi lại, tạo lòng tin của khách hàng. Rõ ràng trên mảnh đất biên giới Kiên Giang không có hộ nghèo nào có nhu cầu, có đủ điều kiện không vay được vốn tín dụng chính sách và không ai bị bỏ lại phía sau.

Từ ngoài đảo xa đến miền biên ải, người nghèo đã được tiếp cận thuận lợi với đồng vốn tín dụng chính sách.

Giang Thành từng là huyện nghèo, dân Khmer nghèo đông, đường sá cách trở, nhưng giờ đây đã có nhiều đổi thay, diện mạo ngày càng khang trang, khởi sắc, đặc biệt là sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức và ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo.

Bí thư Huyện ủy huyện Giang Thành, ông Ong Văn Ngay cho biết: Trong các chương trình dự án, giải pháp thực hiện công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở vùng biên giới Giang Thành, thì không gì sánh bằng việc tập trung nguồn vốn chính sách đầu tư làm động lực chính góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân.

“Việc đưa Chỉ thị 40 của Đảng vào cuộc sống được xem là khâu đột phá cho nguồn vốn chính sách tăng trưởng nhanh và hiệu ứng của đồng vốn vay cũng phát huy hiệu quả. Thế nên người dân được hưởng lợi nhiều trong quá trình giảm nghèo nhanh, làm giàu chính đáng”, Bí thư Huyện ủy sôi nổi chia sẻ.

Cũng như vậy, ở xã đảo Thổ Châu, giáp ranh hải phận quốc tế, nằm trong quần đảo Thổ Châu, các hộ ngư dân nghèo được vay vốn của NHCSXH thành phố Phú Quốc thuận tiện, đầu tư sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng đánh bắt hải sản, cải thiện cuộc sống.

Gia đình chị Nguyễn Thị Diễm, ngụ ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh, khởi nghiệp bằng 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi đã thâm canh 200m2 rau sạch, nuôi vỗ béo đàn lợn thịt 10 con, thu lợi hàng năm tới 100 triệu đồng, “đổi vận” cuộc đời.

Hiệu quả, hiệu lực đồng vốn nhân văn

Hiệu quả và ảnh hưởng từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã được lãnh đạo và Nhân dân vùng đất bên bờ biển tây ghi nhận, tin tưởng.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Kiên Giang, ông Đoàn Công Thiệt chia sẻ: Nhiều năm liền, nhất là sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Đảng, đơn vị luôn làm tròn nhiệm vụ tiên phong, góp phần tích cực thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, an ninh xã hội của địa phương. Cụ thể, đã giúp cho 402.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi của Nhà nước, hỗ trợ hơn 58.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho trên 46.000 lao động, trong đó có 463 người vay vốn đi lao động xuất khẩu có thời hạn ở nước ngoài; gần 18.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 283.000 công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn, trên 5.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ dân bị ngập lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Phát huy thành tích đạt được, khắc phục khó khăn vướng mắc, từ hôm nay, ngày mai và trên dặm đường dài NHCSXH Kiên Giang, với sự bền bỉ, tận tâm, trọn vẹn đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách, tiếp tục thực hiện sâu rộng Chỉ thị 40, tập trung huy động nguồn lực, nguồn vốn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, tham gia trực tiếp đầu tư các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm của địa phương, chung sức góp phần tạo đà đẩy vùng đất tận cùng phía Tây Nam của Tổ quốc vươn mình, trở thành tỉnh giàu mạnh toàn diện.

Theo Báo Tin tức
MỚI - NÓNG