Tìm kiếm cứu nạn SU30-MK2 và CASA-212: Chuyện bây giờ mới kể

Tàu tham gia tìm kiếm cứu nạn và cán bộ, chiến sĩ của Hải đoàn 38 BĐBP (ảnh nhỏ) xuất kích đi làm nhiệm vụ tìm kiếm tổ bay CASA-212.
Tàu tham gia tìm kiếm cứu nạn và cán bộ, chiến sĩ của Hải đoàn 38 BĐBP (ảnh nhỏ) xuất kích đi làm nhiệm vụ tìm kiếm tổ bay CASA-212.
TP - Cùng với các lực lượng trong và ngoài quân đội, những người lính ở Hải đoàn 38 Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã trải qua nhiều giờ sóng gió trong chiến dịch tìm kiếm cứu nạn tổ bay và hai chiếc máy bay  quân sự SU30-MK2 số hiệu 8585 và CASA-212 số hiệu 8983 của Quân chủng Phòng không - Không quân gặp nạn trên biển.

Hơn 200 giờ sóng gió

Chúng tôi đến Hải đoàn 38 BĐBP khi cán bộ, chiến sĩ Hải đội 1 thuộc Hải đoàn vừa tổ chức họp rút kinh nghiệm sau đợt công tác tham gia tìm kiếm cứu nạn các quân nhân trên 2 chiếc máy bay gặp nạn. Trên khuôn mặt các sĩ quan, chiến sĩ của tàu BP-299802 vẫn còn nguyên nét căng thẳng sau hải trình dài ngày trên biển.

Đại úy Hoàng Phùng Hiếu, thuyền trưởng tàu BP-299802 nhớ lại: Ngày 16/6, toàn tàu đang chuẩn bị bữa cơm chiều thì nhận lệnh điều động của Bộ Tư lệnh BĐBP khẩn trương cho tàu ra khu vực cách Nam - Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) khoảng 44 hải lý để tìm kiếm chiếc máy bay CASA-212 số hiệu 8983 thuộc Lữ đoàn Không quân Vận tải 918 trong khi bay tìm kiếm cứu nạn phi công Trần Quang Khải trên máy bay SU-30MK2 đã gặp sự cố bất ngờ. Tình huống khẩn cấp, ngay lập tức, đại úy Hiếu cho tàu nhổ neo...

Đến khu vực máy bay gặp nạn thì trời đã tối, các loại đèn pha có sẵn trên tàu được bật hết công suất, các anh còn dùng cả đèn pin để sục sạo tìm kiếm trên mặt biển. Cả đêm hôm đó, 11 cán bộ, chiến sĩ trên tàu không ngủ, cùng căng mắt, vạch màn đêm để tìm kiếm các quân nhân trong tổ bay CASA-212 . Những ngày tiếp đó, cả biên đội vẫn bám biển cùng các lực lượng tham gia tìm kiếm trên khắp vùng biển Vịnh Bắc bộ.

“Tính đến khi tìm được thi thể của các quân nhân cùng nhiều bộ phận của chiếc máy bay CASA-212 thì chúng tôi đã có gần 200 giờ vật lộn với sóng gió trên biển. Ai cũng mệt nhưng chúng tôi không hề nản chí, quyết tâm cao nhất tìm cho được đồng đội mình đang bị nạn”, đại úy Hoàng Phùng Hiếu nói.

Theo thượng tá Bùi Văn Quyết, Hải đội trưởng Hải đội 1, điều mà Ban Chỉ huy Hải đội lo lắng nhất trong suốt thời gian tham gia tìm kiếm cứu nạn là thời tiết diễn biến ngày càng xấu đi, gió giật mạnh cấp 5, cấp 6 tạo nên những con sóng cao từ 3-4m, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cán bộ chiến sĩ trên các tàu cũng như tầm nhìn của lái tàu. 

Có những hôm sóng to, anh em lái tàu phải thực hiện tư thế “xuống tấn” để điều khiển tàu. Việc điều khiển tàu đã khó, việc nấu ăn lại càng khó khăn hơn. Chiến sĩ nuôi quân của tàu cứ bắc nồi lên bếp lại bị sóng lớn hất đổ, không thể nào nấu được cơm cũng như thức ăn, cả tàu đành phải nhai mì tôm sống. Nhiều chiến sĩ đã có hàng ngàn giờ đi biển, dạn dày với sóng gió, sông nước nhưng cũng bị say sóng, nằm bẹp một chỗ.

Mệnh lệnh từ trái tim

Trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch tìm kiếm, nhiều sĩ quan chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ thuộc các kíp tàu chiến đấu đã không có thời gian nghỉ ngơi. Có chăng, các anh chỉ được nghỉ vài giờ khi tàu vào bờ tiếp nhiên liệu và nước ngọt tại căn cứ rồi lại ra khơi tham gia tìm kiếm. Trong số đó phải kể đến cán bộ chiến sĩ của Hải đội 2 BĐBP Nghệ An hay kíp tàu chiến đấu của Hải đội 1, Hải đoàn 38 BĐBP... 

Khi được hỏi, nhiều cán bộ chiến sĩ BĐBP đã khẳng định với chúng tôi rằng, việc tìm kiếm các đồng đội đang bị nạn trên biển là một nhiệm vụ quan trọng nhất trong lúc này. Họ luôn hiểu rằng, nếu chỉ chậm vài tiếng là có thể ảnh hưởng đến tính mạng của đồng đội mình. Chính vì vậy, cho dù có phải chịu đựng nhiều khó khăn, vất vả đến đâu các anh cũng cắn răng chịu đựng để mong tìm được đồng đội nhanh nhất. 

Đại tá Trịnh Thanh Hải, Chính ủy Hải đoàn 38 BĐBP cho biết, là đơn vị có nhiệm vụ cơ động chiến đấu trên biển của lực lượng BĐBP nên khi nhận nhiệm vụ lên đường tham gia tìm kiếm các quân nhân trên 2 chiếc máy bay bị mất tích, cán bộ chiến sĩ trên các tàu của Hải đoàn 38 đã nhanh chóng triển khai một cách nhanh nhất. Trong suốt thời gian các biên đội tham gia tìm kiếm cứu nạn, Đảng ủy, Chỉ huy Hải đoàn 38 đã thường xuyên theo sát để chỉ đạo, động viên cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch.

“Chúng tôi xác định nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị và là mệnh lệnh từ trái tim mỗi người lính. Nhờ làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nên cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua được những khó khăn trước mắt để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, đại tá Trịnh Thanh Hải nói.

Ngày 30/6, truy điệu 9 quân nhân phi hành đoàn Casa-212

Chiều tối và đêm 28/6, thi thể của 8 trong tổng số 9 thành viên phi hành đoàn CASA-212  đã được Tàu Bệnh viện và các tàu chuyên dùng của hải quân đưa về đất liền.

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết định nâng lương một lần đối với Đại tá Lê Kiêm Toàn và 8 đồng chí, mỗi đồng chí thăng một bậc quân hàm. Chủ tịch nước cũng đã quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất đối với từng thành viên của Phi hành đoàn CASA-212. Hiện Bộ Quốc phòng đang phối hợp với Bộ LĐ,TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 9 thành viên Phi hành đoàn máy bay CASA-212, thuộc Lữ đoàn 918 và Đại tá Trần Quang Khải, phi công lái máy bay SU 30-MK2 là liệt sỹ.

Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cũng ra thông báo về lễ viếng 9 quân nhân được tổ chức từ 7h đến 10h ngày 30/6 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ truy điệu được tổ chức từ 10h đến 11h  cùng ngày.                

Nguyễn Minh

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.