Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) chủ trì Hội nghị. Đây là sự kiện được Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức hàng năm nhằm đánh giá kết quả công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng tạicác khu rừng đặc dụng, phòng hộ; bàn về các chính sách quản lý nhà nước và những nội dung cơ bản trong Luật Lâm nghiệp cần triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo nhằm quản lý tốt hơn hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ Việt Nam.
Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ, dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) hỗ trợ một phần tài chính cho việc tổ chức hội nghị này. Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan, tổ chức đến từ các Bộ Ngành Trung ương, UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT; các đơn vị thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, các Ban quản lý khu rừng đặc dụng, phòng hộ cả nước; các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, và các cơ quan truyền thông.
Theo ông Công, ngành lâm nghiệp Việt Nam nói chung và công tác bảo vệ rừng, nguồn tài nguyên thiên nhiên nói riêng đang đứng trướcbối cảnh có nhiều biến chuyển về thể chế, chính sách với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cả hệ thống chính trị, xã hội.
Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp
Ngày 15/11/2017, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật Lâm nghiệp. Đây là dấu mốc quan trọng, thể hiện sự nỗ lực của Ngành Lâm nghiệp được ghi nhận coi Lâm nghiệp là ngành Kinh tế kỹ thuật liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm Lâm nghiệp từ quản lý bảo vệ phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản.
Năm 2017, là năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng tại Quyết định số 886 (ngày 16/6/2017), trong đó mục tiêu đến năm 2020 giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5 đến 6,0%/năm; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%, diện tích rừng các loại đạt 14,4tr ha.
Ngày 10/5/2017, Thủ tướngđã phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý hệ thống khu bảo tồn và Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn linh trưởng tại Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030…
Do vậy, theo ông Công, hội nghị lần này sẽ tập trung vào các chủ đề trọng tâm, đặc biệt là những nội dung cơ bản trong Luật Lâm nghiệp liên quan đến công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ.Triển khai những chủ trương chính sách mới của Thủ tướng có tác động trực tiếp đến công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ
Cùng đó, một số vấn đề về hoạt động du lịch sinh thái, cơ chế tự chủ tài chínhtrong rừng đặc dụng, phòng hộ với sự tham gia của người dân địa phương;trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về giám sát đa dạng sinh học rừng, hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu để hỗ trợ việc ban hành các chính sách trong tương lai… Thiết lập mối liên hệ giữa hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ Việt Nam, nhằm nâng cao chất lượng trong quản lý và thực hiện các hoạt động có hiệu quả.
Hội nghị là cơ hội để các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trao đổi,góp ý đối với những chính sách mới để ban hành, đồng thời đề ra những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn quản lý, đưa ra những giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm quản lý bền vững hệ thống rừng đặc dụng.
Ngoài ra, Hội nghị lần này cũng là lần đầu tiên tổ chức với sự tham gia của các Ban quản lý khu rừng phòng hộ kể từ khi cơ cấu lại chức năng nhiệm vụ và quyền hạn mới của Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ.
Dự kiến ngày 2/12, Hội nghị sẽ đi thực tế tại Vườn Quốc gia Bạch Mã để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái rừng giữa các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và khu rừng phòng hộ.