Trào lưu âm nhạc 15 giây
Mạng xã hội TikTok du nhập vào Việt Nam đã tạo nên nhiều cơ hội cho những nhà sáng tạo nhạc. Các video trên TikTok thường có độ dài 15 giây, 30 giây hoặc một phút. Người dùng thể hiện sức sáng tạo thông qua những nội dung khác nhau và chèn nhạc nền với hầu hết là nhạc remix (phối lại). Nhiều ca khúc nhờ thế mà nổi tiếng.
“Ừ! Em xin lỗi” là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất thời gian qua trên TikTok. Ban đầu ca khúc không được chú ý bởi nội dung không đặc sắc nhưng nhờ những đoạn video ngắn trên nền tảng này, “Ừ! Em xin lỗi” nhanh chóng được nhiều người biết đến.
“Chạy về khóc với anh” được Erik phát hành cách đây khoảng 6 tháng nhưng không được khán giả đón nhận. Sau khi bản remix của anh lan truyền trên TikTok, ca khúc mới nổi tiếng. Kể từ đó, nam ca sĩ sử dụng luôn bản remix để đi diễn. Thiều Bảo Trâm ra mắt “Sau lưng anh có ai kìa” với phiên bản ballad ngọt ngào nhưng không gây được chú ý. Chỉ khi nữ ca sĩ tung thêm bản remix để phát hành ở TikTok, ca khúc mới được lan tỏa mạnh mẽ. Bản gốc “Yêu đừng sợ đau” của Ngô Lan Hương chỉ thu về gần 3 triệu lượt xem nhưng với bản remix đăng TikTok, ca khúc này thu về hơn 14 triệu lượt xem. Ca khúc “Hương” của Văn Mai Hương, “Đôi mi em đang u sầu” của Đông Nhi… cũng tương tự.
“2 phút hơn” của rapper Pháo ra đời từ năm 2019, tuy nhiên không để lại nhiều dấu ấn. Đến khi bản phối sôi động của KAIZ ra đời sau đó 1 năm, đã tạo nên một “làn sóng cover” (cover: làm mới lại) trên toàn thế giới thông qua TikTok, vô tình giúp ca khúc này trở nên nổi tiếng, được rất nhiều người trẻ và nghệ sĩ trên thế giới yêu thích.
Không chỉ “2 phút hơn”, nhiều ca khúc khác như “Kẻ cắp gặp bà già”, “See tình” (Hoàng Thùy Linh), “Chạy ngay đi” (Sơn Tùng), “Ngây thơ”, “Bên trên tầng lầu” (Tăng Duy Tân),... cũng lan tỏa mạnh mẽ đến các nước trong khu vực và trên thế giới thông qua những đoạn nhạc ngắn trên nền tảng TikTok.
Ca sĩ trẻ Hoàng Duyên thậm chí chọn TikTok là nền tảng đầu tiên để phát hành MV thay vì các trang nghe nhạc. Đầu tháng 3/2021, cô phát hành một nửa MV “Chàng trai sơ mi hồng” trên TikTok. Vài ngày sau đó, bản hoàn chỉnh mới được tung ra.
Cũng nhờ nền tảng TikTok, nhiều bản phối mới bỗng dưng nổi lên và trở thành xu hướng đã giúp cho âm nhạc của những nghệ sĩ đi theo dòng indie (nhạc được sản xuất độc lập) hay underground (không chính thống) dễ dàng tiếp cận nhiều đối tượng khán giả hơn.
“Đừng kỳ vọng âm nhạc chất lượng ở TikTok”
Âm nhạc được phổ biến trên TikTok chủ yếu là những đoạn điệp khúc hoặc câu hát ấn tượng được phối lại sôi động bằng cách thêm bớt một vài yếu tố trong bản nhạc gốc như tốc độ, âm độ, nhịp điệu… Nhưng cũng chính vì thế, những đoạn nhạc tạo xu hướng này đã vô tình “giết chết” bản gốc.
Việc phát hành MV trên TikTok khiến những đoạn hấp dẫn nhất của “Chàng trai sơ mi hồng” đã được Hoàng Duyên giới thiệu nên bản hoàn chỉnh ra mắt không còn gây bất ngờ với khán giả. Việc Erik đi diễn, chạy show bằng bản remix khiến không ai còn nhớ đến bản gốc của “Chạy về khóc với anh”. Thậm chí Erik còn bị chỉ trích nặng nề khi biểu diễn “bản TikTok” này ở sân khấu một cuộc thi Hoa hậu dẫn đến màn reo hò suồng sã, phản cảm của fan hâm mộ. Nhiều khán giả bày tỏ sự khó hiểu và ngán ngẩm khi một ca khúc buồn, đầy tâm trạng như “Sau lưng anh có ai kìa” của Thiều Bảo Trâm lại bỗng chốc biến thành bản nhạc sôi động để nhún nhảy. Một số phiên bản “Phố đã lên đèn” trên TikTok đã bị điều chỉnh âm thanh quá mức khiến khán giả không thể biết được chất giọng thật của ca sĩ thể hiện.
Việc chạy theo TikTok cũng khiến các ca sĩ lười hơn. Trước đây, khi ra mắt sản phẩm âm nhạc mới, họ thường chăm chỉ đầu tư chọn ca khúc, quay MV, đi diễn để quảng bá…. Một tác phẩm hoàn chỉnh có khi phải mất hàng năm trời. Nhưng ngày nay, nhiều ca sĩ trẻ lại chọn TikTok để giới thiệu sản phẩm, vừa nhanh lại không tốn kém. Ở đó họ chỉ mất 15 giây và cũng chỉ cần đầu tư 15 giây giai điệu bắt tai để thu hút khán giả. Dễ dãi, cẩu thả nên hậu quả là nhạc Việt đã xuất hiện thêm nhiều “thảm họa”.
Chibi Hoàng Yến bị gán cho “thảm họa âm nhạc” với “Ừ! Em xin lỗi!” dù ca khúc này gây hot trên TikTok |
Trong “Đôi mi em đang u sầu” của Đông Nhi, đoạn nhạc sôi động nhất thậm chí cũng được cố tình kéo dài 15 giây, vừa đủ thời lượng các video ngắn trên TikTok. “Tất cả đứng im” của Ngô Kiến Huy lặp đi lặp lại câu hát: “Tất cả đứng im, không được nhúc nhích” và bị chỉ trích nội dung vô nghĩa. “Sashimi” của Chi Pu với câu hát “Sashimi kimochi/ Đồ ăn phải ngon thì anh mới thèm/ Phải tươi thật tươi thì anh mới quay lại” cũng bị chê phản cảm. Phần điệp khúc của “Ừ! Em xin lỗi!” với ca từ: "Anh muốn chia tay á, không dễ đâu anh" và "Sit down, Sit down, Sit down…" không mang lại gì cho người nghe ngoài cảm giác đau đầu. Ca khúc “2,3 con mực” gây ám ảnh người dùng TikTok với đoạn nhạc "2, 3 con mực; Anh yêu em cực" với nhiều biến tướng vô duyên khi chế lời, tác giả thậm chí còn bị nghệ sĩ nước ngoài tố đạo nhạc phải lên tiếng xin lỗi.
Một điều nữa khiến giới chuyên môn lo ngại là phần lớn nội dung video trên TikTok không hề khớp với ý nghĩa bài hát. Đi kèm với các giai điệu là những hình ảnh nhảy nhót, lắc mông, lắc ngực… Nhiều bài hát có nội dung buồn hay nói về tình yêu gia đình, đất nước… nhưng lại được chèn vô tội vạ trong những video phản cảm.
Khi âm nhạc chạy theo xu hướng TikTok cũng đẩy các nghệ sĩ chân chính vào cuộc chơi không công bằng. Những người chỉn chu và chuyên nghiệp có thể bị loại khỏi cuộc chơi nếu bài hát của họ không bắt tai và không phù hợp để nhảy. Những tác phẩm có chất xám lại bị đánh bại bởi những đoạn nhạc được remix “bốc lửa”.
Ca sĩ Erik bị chỉ trích và phải xin lỗi khi biểu diễn “bản TikTok” của “Chạy về khóc với anh” dẫn đến màn reo hò phản cảm của fan. |
Nói đến vai trò của TikTok trong câu chuyện mang nhạc Việt ra thế giới, PGS.TS - nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường bày tỏ quan điểm với Tiền Phong: “Làm gì có chuyện đó! Khán giả quốc tế có thể lắc lư theo giai điệu hay lẩm nhẩm một vài ca từ nhưng liệu họ có biết đó là ca khúc của người Việt Nam? Hay được mấy người chịu tìm về bản gốc để nghe hết cả bài? Riêng việc cắt cúp mấy chục giây ra khỏi tổng thể một bài hát rồi chỉnh sửa và đưa đến cho khán giả là đã không ổn rồi. Điều đó cực kỳ nguy hiểm vì nó có thể thay đổi ý tưởng, tinh thần của cả ca khúc, khiến người ta hiểu sai về giá trị của nhạc Việt. Đó không phải là cách hiệu quả để quảng bá âm nhạc Việt Nam ra thế giới”,.
Ông cũng nhận định việc quảng bá sản phẩm là điều cần thiết, tuy nhiên người nghệ sĩ cần phải thông minh, tỉnh táo để đảm bảo tính trọn vẹn của sản phẩm gốc. Thay vì chạy theo những “cơn lốc” 15 giây hay 30 giây, nghệ sĩ cần tập trung vào chất lượng sản phẩm để chinh phục khán giả theo thời gian, khi đó họ sẽ tự tìm đến để lắng nghe, thưởng thức mà không cần phụ thuộc vào những chiêu trò gây sốc nào.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo cũng cho rằng chỉ nên xem TikTok là phương tiện quảng bá sản phẩm, không nên chọn nó làm môi trường chính để tạo xu hướng hay trào lưu trong nghệ thuật. “Tôi không dùng TikTok nhưng tôi nghĩ mỗi nền tảng, không gian đều có vai trò, nhiệm vụ của nó. Với nghệ sĩ, nó giúp họ bước đầu biết đến sản phẩm. Còn với khán giả thời nay, nó đơn thuần chỉ để giải trí, giúp họ thỏa mãn nhu cầu giết thời gian hoặc để thể hiện một góc xấu xí của bản thân mà thôi. Nó không nói lên bức tranh đầy đủ, trọn vẹn của nhạc Việt. Chúng ta không nên kỳ vọng sẽ tìm thấy giá trị âm nhạc hay cái gì to tát ở đó”.