Sáng 26/10, nhà văn Nguyễn Bình Phương đã có mặt ở Hàn Quốc để tham gia họp báo ra mắt Mình và họ (NXB Asia) phiên bản tiếng Hàn. Người chuyển ngữ tác phẩm là dịch giả Ha Jae-Hong, người đã dịch nhiều tiểu thuyết Việt Nam khác sang tiếng Hàn, trong đó có Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh.
Họp báo ra mắt Mình và họ phiên bản tiếng Hàn tại Hàn Quốc. |
Trang Naver của hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin: Mình và họ là một cuốn tiểu thuyết đặt câu hỏi về ý nghĩa của chiến tranh, vết thương và sự hòa giải thông qua hành trình khó khăn của nhân vật chính. Cuốn tiểu thuyết cũng mang đến cho độc giả trải nghiệm đọc độc đáo. Năm 2015, Mình và họ đã đoạt giải Tác phẩm xuất sắc nhất của Hội Nhà văn Hà Nội và năm 2020 nó được trao giải Nhất sáng tác về biên giới, biển đảo từ 1975 đến nay.
Khi mới ra đời, Mình và họ được Bảo Ninh gọi là "một kiệt tác khiến tôi ghen tỵ", còn nhà văn Uông Triều thì cho rằng nó xứng đáng được xếp ngang hàng với Nỗi buồn chiến tranh.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương (giữa) và các đồng nghiệp người Hàn trong buổi ra mắt sách sáng ngày 26/10. |
Tác phẩm đã được giới thiệu trong thế giới nói tiếng Anh, và cũng sẽ được xuất bản bằng tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Trung.
Nói thêm là trước đó, hai tiểu thuyết khác của Nguyễn Bình Phương cũng đã được dịch và giới thiệu ở Pháp gồm: Thoạt kỳ thuỷ (NXB Riveneuve) xuất bản năm 2014 và Trí nhớ suy tàn (NXB Riveneuve) xuất bản năm 2019.
Thoạt kỳ thủy và Trí nhớ suy tàn phiên bản tiếng Pháp. |
Mình và họ không phải là cuốn sách dễ đọc. Ngoài cấu trúc thời gian phi tuyến tính, nó còn khiến người đọc rối bời vì cách lồng ghép hai câu chuyện, đan xen giữa sống và chết, thực và hư, quá khứ và hiện tại. Giống như nhan đề, thế giới trong truyện cũng được phân tách thành hai nửa: mình và họ, lên và xuống (tên đầu tiên của tiểu thuyết là Xe lên xe xuống), trước và sau, bên trong và bên ngoài, bên này với bên kia... Mà đường biên của những sự phân tách này có khi chỉ mảnh như sợi tóc, rất khó phân định rạch ròi. Hơn nữa, tác giả cũng không đeo đuổi việc phân định: “làm sao để phân biệt được lên với xuống”, “làm sao để phân biệt được mình với họ?”.
Mình và họ bản tiếng Hàn. |
Trong bối cảnh phức tạp, vặn xoắn ấy, giữa đan xen những số phận bé như hạt vừng, tác giả đặt ra những câu hỏi lớn về nguồn gốc của cái ác, của chiến tranh, “bên trong một cái cây ở vùng này là gì” và “bên trong một con người có cái gì”...?
Điều thú vị là những nội dung đậm tính triết học này lại được truyền tải bằng thứ ngôn ngữ mê dụ của một nhà thơ. Song song với vai trò là nhà văn, Nguyễn Bình Phương đồng thời là nhà thơ, là tác giả duy nhất cho đến nay được nhận hai giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội trao tặng, một cho thơ và một cho văn.
Mình và họ được tái bản nhiều lần. |
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá: “Mình và họ là tác phẩm xuất sắc của nhà văn Nguyễn Bình Phương. Tác giả đã tái hiện lại cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 như sự kiện lịch sử bi tráng thông qua ký ức một người lính. Nhưng không chỉ có vậy. Cuộc chiến đó được nhà văn đặt trong khung cảnh con người hôm nay đang tìm về và tìm đi, đang trong những chuyến xe lên và xe xuống, nhằm thông qua đó đi tìm câu trả lời cho câu hỏi Mình và Họ ai là ai. Mình và Họ không chỉ là bên này bên kia biên giới mà còn trong mỗi con người, như một vấn đề triết học của Hiện hữu và Tha nhân.
Tác phẩm này đan xen nhiều thế giới, nhiều nhân vật, song trùng cả quá khứ và hiện tại, thực và ảo, chiến tranh và hòa bình. Nguyễn Bình Phương bắt người đọc đi vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm với sức mạnh của một nhà văn có tài kết cấu và sử dụng ngôn ngữ. Mình và họ của Nguyễn Bình Phương, như vậy là một tác phẩm buộc con người đối diện với vực sâu của đời sống và hố thẳm của chính mình trên những con đường quanh co của thực tại trong một thế giới của Mình và của Họ. Đây là một trong những tác phẩm văn học đáng đọc nhất hiện nay”.
(Trích Nguyễn Bình Phương, những mê lộ nghệ thuật – NXB Hội nhà văn).