Tiến sỹ Shantanu Jaradi, giám đốc trung tâm nha khoa Dentzz (Mumbai, Ấn Độ) cho biết:”Do tiểu đường và răng miệng có mối quan hệ với nhau nên khi đi khám nha khoa việc nói cho nha sỹ biết bạn bị tiểu đường và đang điều trị bằng thuốc gì rất quan trọng”.
Việc kiểm soát kém lượng đường glucose trong máu đồng nghĩa với việc cơ thể bạn không có khả năng chống lại các vi khuẩn xâm nhập lợi, từ đó gây ra viêm nhiễm và dẫn tới việc răng rụng. Ngoài ra, tiểu đường thường gây khô miệng. Điều này nghe tưởng chừng như là một vấn đề nhỏ không đáng quan tâm nhưng nó có thể dẫn tới thủng răng.
Một số lời khuyên sau được đưa ra để những bệnh nhân tiểu đường phòng tránh các bệnh về răng:
1. Vệ sinh răng miệng đúng cách. Nếu phát hiện vấn đề gì về răng miệng nên đi khám ngay để được lời khuyên của bác sỹ.
2. Duy trì lượng đường ở mức bình thường nhất có thể.
Người già có nguy cơ cao mắc các bệnh răng miệng và tiểu đường. |
3. Mỗi lần khám răng, hãy nói với nha sỹ mình có bị tiểu đường hay không. Nếu có, hãy đưa cho nha sỹ thông tin cụ thể về bệnh tình của mình như thông tin bác sỹ đang theo dõi tiểu đường, tên các loại thuốc đang điều trị, nhất là đối với các trường hợp bệnh răng miệng nặng thì có thể phải điều chỉnh lượng insulin.
4. Khi lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt, hãy hoãn việc chữa răng lại. Tuy nhiên nếu bị viêm răng nặng quá thì cũng phải đi chữa kịp thời.
5. Hãy nhớ những người bị tiểu đường thường chữa răng mất nhiều thời gian hơn những người khác. Vì thế hãy làm đúng theo chỉ dẫn của nha sĩ.
6. Đối với những người bị bệnh tiểu đường đang chỉnh răng (ví dụ như đeo niềng răng), nhất thiết phải liên hệ ngay với nha sỹ nếu dụng cụ niềng chọc vào lưỡi hay miệng gây xây xát.
Mai Khôi
Theo Health