Sáng 16/1, tại buổi họp báo thông tin về kết quả công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ quý I/2025, đại diện Bộ Tư pháp cho biết năm qua công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Theo đó, các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện xong gần 620.700 việc (tăng trên 45.800 việc so với năm 2023 và cao hơn 0,63% so với chỉ tiêu được giao); thi hành xong hơn 116.500 tỷ đồng (tăng hơn 27.000 tỷ đồng so với năm 2023).
Bộ Tư pháp đã phối hợp xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Quy định số 183/2024 quy định bảo vệ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Công tác phối hợp với các bộ, ngành và cấp ủy địa phương tiếp tục được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án.
"Nhờ đó, kết quả thi hành án dân sự năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế", đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Thông tin về những nhiệm vụ trong quý I năm nay, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho hay, sẽ tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu được giao năm 2025. Trong đó tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đẩy mạnh thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh và Chánh văn phòng Bộ Đỗ Xuân Quý. |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ kịp thời thẩm định, đảm bảo chất lượng các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo đề nghị của các cơ quan. Nhất là các văn bản, đề án phục vụ sắp xếp tổ chức, bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo hành lang pháp lý để hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần "tinh, gọn, mạnh".
Hiện Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Ông Nguyễn Thanh Tịnh cho biết dự thảo luật được xây dựng với nhiều điểm mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy. "Một trong các mục tiêu khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật là việc ban hành văn bản đó phải giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra"- ông Tịnh nhấn mạnh.
Cũng trong năm 2025, Bộ Tư pháp sẽ rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đề xuất và triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với quy định, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.