Nhạc sĩ Hoàng Hà (1929-2013) có nhiều đóng góp lớn với nền âm nhạc nước nhà, là tác giả của những bài ca còn mãi với thời gian, trong đó nổi bật là bài hát Đất nước trọn niềm vui.
Tác phẩm Đất nước trọn niềm vui được nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác ngày 26/4/1975, vài ngày trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất.
Bản thảo các tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật của cố nhạc sĩ Hoàng Hà. |
Trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Hoàng Hà được trao nhiều giải thưởng, như giải B của Ủy ban Thiếu niên - Nhi Đồng (1982) về loạt ca khúc và nhạc dành cho lứa tuổi thiếu nhi, giải nhì của Hội nhạc sĩ Việt Nam (1997) với bài Mang theo mùa đông (phổ thơ Hoàng Quý), giải đặc biệt của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1999) với giao hưởng hợp xướng Côn Đảo, giải nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2002) với bài Tiếng rừng dương…
Đặc biệt, với hợp xướng Côn Đảo và các ca khúc Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Cùng hành quân giữa mùa xuân, Đất nước trọn niềm vui, Tiếng rừng dương, nhạc sĩ Hoàng Hà đã vinh dự được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 2017.
Ngoài ra ông còn là tác giả của nhiều ca khúc khác như Con mèo ra bờ sông (1967), Cho tôi đi làm mưa với (1971), Cùng múa hát mừng xuân, “Chú bộ đội” (1980), “Hoa lá mùa xuân”, “Tổ quốc tin yêu chúng em”… Những tác phẩm này của nhạc sĩ Hoàng Hà không chỉ là tác phẩm âm nhạc đơn thuần, mà còn là minh chứng về những thời khắc lịch sử của dân tộc, có giá trị, ý nghĩa trong đời sống tinh thần của nhân dân, chiến sĩ.
Cố nhạc sĩ Hoàng Hà. |
Một số tài liệu, bản thảo các tác phẩm của cố nhạc sĩ Hoàng Hà. |
Tại buổi tiếp nhận tài liệu của nhạc sĩ Hoàng Hà, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cũng có dịp giới thiệu về cuộc đời và tiểu sử của người nhạc sĩ tài danh này.
Nhạc sĩ Hoàng Hà tên thật là Hoàng Phi Hồng, sinh năm 1929 tại Hà Nội. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông thoát ly gia đình tham gia cách mạng, trở thành Tổng phụ trách thiếu niên toàn huyện Yên Lãng (tỉnh Phúc Yên, nay là tỉnh Vĩnh Phúc) rồi bắt đầu sáng tác nhạc với bút danh Hoàng Hà.
Năm 1962, dưới sự động viên của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Hoàng Hà ra Hà Nội theo học khoa sáng tác – lý luận hệ đại học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông về làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam với những cương vị công tác khác nhau. Năm 1985, ông chuyển vào Vũng Tàu và công tác tại Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến khi nghỉ hưu.
Ông Hoàng Cần, con trai cố nhạc sĩ Hoàng Hà, đại diện gia đình trao tặng những tài liệu của cố nhạc sĩ cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III Ảnh: Kiến Nghĩa. |
Trước khi diễn ra lễ giới thiệu, tiếp nhận trên, các cán bộ nghiệp vụ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã tiến hành khảo sát, làm việc cùng gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Hà để bảo quản, vận chuyển khối tài liệu được trao tặng về Trung tâm.
Đến nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã chỉnh lý, sắp xếp khoa học khối tài liệu của nhạc sĩ Hoàng Hà gồm 22 đơn vị bảo quản với gần 4.000 trang tài liệu, có thời gian từ năm 1957 đến 2006. Đó là những tài liệu về tiểu sử, quá trình sáng tác các ca khúc và các bản tổng phổ hợp xướng âm nhạc, hồi ký, thơ ca, thư từ… của nhạc sĩ.
Với khối tư liệu lớn này của cố nhạc sĩ Hoàng Hà, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tiếp tục thực hiện các hoạt động nghiệp vụ nhằm phát huy có hiệu quả giá trị của các tài liệu lưu trữ này để phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước.