Tiền trường leo thang - Kỳ 1: Phí nào cũng tăng

Tiền trường leo thang - Kỳ 1: Phí nào cũng tăng
Chưa tựu trường, chưa họp phụ huynh đầu năm học nhưng nhiều trường đã rục rịch thông báo tăng các khoản tiền trường: tiền sách vở, đồng phục, tiền ăn, phí bán trú, phí đưa đón...

Tiền trường leo thang - Kỳ 1: Phí nào cũng tăng

> Cấm thu tiền đóng góp cho trường

Chưa tựu trường, chưa họp phụ huynh đầu năm học nhưng nhiều trường đã rục rịch thông báo tăng các khoản tiền trường: tiền sách vở, đồng phục, tiền ăn, phí bán trú, phí đưa đón...

Đó là là những khoản tiền trường “sơ bộ” mà phụ huynh phải cáng đáng trước thềm năm học mới, trong tình hình giá cả leo thang.

Phụ huynh, học sinh chờ đợi mua đồng phục tại Trường THCS Bàn Cờ, Q.3, TP.HCM ngày 7-8. Ảnh: Lưu Trang
Phụ huynh, học sinh chờ đợi mua đồng phục tại Trường THCS Bàn Cờ, Q.3, TP.HCM ngày 7-8. Ảnh: Lưu Trang.

Chị H., phụ huynh Trường THCS Bàn Cờ, Q.3, TP.HCM, cứ băn khoăn mãi về chuyện có nên đóng tiền mua đồng phục cho con. Đứa con lớn của chị học lớp 11 một trường THPT ở quận 10. Nhà trường bán đồng phục với giá 250.000 đồng/bộ nhưng đồ cũ vẫn còn tốt và kiểu dáng không đổi nên chị quyết định cho con mặc lại đồ năm ngoái.

“Đứa nhỏ học lớp 9, mấy năm qua đồng phục của cháu là áo trắng quần xanh, phụ huynh tự sắm và trường phát phù hiệu. Năm nay trường lại yêu cầu mặc đồng phục có viền cổ, cà vạt, viền cổ tay áo... Mỗi bộ gần 300.000 đồng, tính ra tôi mua ba bộ cho con mặc trong một năm học cũng ngót nghét cả triệu, chưa kể đồ thể dục 105.000 đồng/bộ. Trường cũng cho phụ huynh tự may nhưng nếu tự may thì mẫu vải, kiểu dáng khó giống như quy định của trường” - chị nói.

Tiền triệu cho đồng phục

Chị H. băn khoăn bởi trước ngày tựu trường chị đã đóng tiền tạm thu ba tháng đầu năm học hết 1,5 triệu đồng (cơ sở vật chất, bảo hiểm y tế, phù hiệu, hồ sơ...) cho đứa con lớp 9. Chị thở dài: “Từ logo, đơn xin phép, sổ liên lạc, giấy bao vở, phiếu báo điểm, thư mời họp, túi đựng giấy kiểm tra... đều phải mua theo quy định của trường.

Ngày 11-8, con tập trung đến trường, tôi động viên con mặc tạm áo trắng quần xanh rồi từ từ mẹ tính. Biết con cũng buồn vì phải mặc lại đồ cũ nhưng đành vậy thôi”.

Tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Q.3, chị P.N., bước ra từ phòng bán đồng phục, vừa mở túi đựng đồng phục vừa than thở: “Cái áo sơmi đơn giản thế này cũng đã 105.000 đồng. Mà đâu phải chỉ mua một cái. Một bộ cả áo và quần tây là 235.000 đồng, tôi phải sắm cho con hai bộ để thay đổi”.

Trường THCS Ngô Tất Tố, Q.Phú Nhuận cũng tổ chức hai dãy bàn bán đồng phục gồm áo sơmi, quần tây và đồ thể dục, kèm thông báo rõ ràng: “phụ huynh có thể tự mua hoặc may đồng phục nhưng phải theo đúng quy cách của nhà trường”.

Tương tự, nhiều trường ở TP.HCM đã thông báo về việc mua đồng phục để chuẩn bị cho ngày tựu trường. Những trường còn duy trì dạng đồng phục sơmi trắng - quần tây xanh ngày càng hiếm hoi, thay vào đó là đủ chủng loại, mẫu mã đồng phục bắt mắt và giá cả không hề rẻ so với thị trường.

Cũng không hiếm trường luân phiên thay đổi đồng phục theo kiểu “lớp 6 xanh dương, lớp 7 xanh lá, lớp 8 vàng, lớp 9 trắng” khiến phụ huynh phải chạy đua sắm sửa cho con mỗi năm mỗi khác”.

Ở bậc mầm non và tiểu học, phụ huynh cũng phải cắn răng đầu tư cho con bởi các bậc học này thường thay đổi đồng phục liên tục. Như tờ phiếu thông báo tiền đồng phục mà chị Mai Anh, phụ huynh một trường mầm non tư thục tại quận 7, vừa nhận được bao gồm: đồng phục 250.000 đồng/bộ, đồ thể dục 250.000 đồng/bộ, cặp 200.000 đồng, túi đựng đồ dơ 50.000 đồng, nón 50.000 đồng, phù hiệu 50.000 đồng...

Chị than thở: “Chưa kể các khoản tiền khác mà khai giảng xong mới đóng, hiện nay chỉ riêng cơ sở vật chất đã là 3 triệu đồng/năm, tiền đồng phục thì năm nào cũng phải chi đến chóng cả mặt...”.

Các loại phí rục rịch tăng

Giá điện, gas và giá xăng tăng trong thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các trường có tổ chức bán trú và đưa rước học sinh đầu năm học mới.

Ở bậc mầm non, các trường tư thục có lịch tựu trường sớm đã công bố thu các khoản tiền đầu năm, trong đó mức tiền ăn đã bắt đầu tăng từ 10-15%. Trường mầm non tư thục HP (Thủ Đức) thu mức tiền ăn 792.000 đồng/tháng cho lớp nhà trẻ và 840.000 đồng/tháng cho lớp mẫu giáo.

Trường mầm non BH (quận 7) công bố mức tiền ăn 40.000 đồng/ngày, bao gồm ba bữa chính (sáng - trưa - xế và một lần sữa tươi). Mức 40.000-45.000 đồng/ngày đang là mức tiền ăn phổ biến ở nhiều trường tư hiện nay, trong khi trường công vẫn “đánh vật” với mức thu trên dưới 30.000 đồng/ngày.

Tại quận Tân Bình, Tân Phú, một số trường phổ thông tư thục đã thông báo thu mức tiền ăn từ 100.000-120.000 đồng/ngày (ba bữa chính), tăng khoảng 10% so với năm học trước, tuy nhiên mức thu này được thông báo là không cố định đến suốt năm học. Một số trường tư có số lượng HS ít thì cho biết sẽ cố gắng giữ mức học phí và tiền ăn chỉ tăng đến 5% để giữ HS.

Thành viên hội đồng quản trị một trường quốc tế nhiều cấp học tại quận 7 cho biết: “Mức thu các trường quốc tế vốn đã cao nên dù mùa tựu trường rơi vào thời điểm vật giá tăng, chúng tôi cũng chỉ tăng các khoản phí trong mức từ 5-10%, tránh gây sốc cho phụ huynh”. Mặc dù vậy, trong thông báo tiền trường đầu năm của nhiều trường quốc tế, có thể thấy rõ nhiều mức phí “leo thang” so với năm ngoái, trong đó các khoản tiền ăn, tiền bán trú, cơ sở vật chất, đồng phục, xe đưa rước... đã tăng chóng mặt.

Không thể không tăng?

Một số hiệu trưởng trường tiểu học tại Gò Vấp cho biết sẽ tổ chức lấy ý kiến phụ huynh về việc tăng tiền ăn sao cho đảm bảo chất lượng, trong điều kiện các cơ sở cung cấp thực phẩm và suất ăn công nghiệp đang đồng loạt đòi lên giá.

Cô P.B., đại diện ban giám hiệu một trường tiểu học tại quận 5, phân trần: “Năm ngoái nhà trường thu mức tiền ăn bán trú là 18.000 đồng và phải chật vật bù qua bù lại mới cầm cự nổi cho tới hè. Năm nay tình hình vật giá tăng nên khoản tiền này chắc chắn không đủ và phải tăng thêm. Nhà trường sẽ tổ chức họp phụ huynh đầu năm học để xin thêm 2.000 đồng/ngày/HS. Nếu tăng quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng tới phụ huynh nên chỉ dám tăng trong mức ít ỏi như vậy”.

Phó hiệu trưởng phụ trách bán trú một trường tại Q.8 thì than thở: “Đơn vị cung cấp thức ăn đòi tăng giá từ cuối tháng 3 nhưng trường vẫn cầm cự, không thu thêm. Đến năm học mới này thì đơn giá thực phẩm đã tăng thêm 10% nên chắc chắn phải tham khảo ý kiến phụ huynh để tăng mức thu tiền ăn, tất cả cũng vì chất lượng bữa ăn của học trò chứ không thể để bữa ăn nghèo nàn quá”.

Về vấn đề thay đổi đồng phục, ông Nguyễn Đặng Hương, hiệu trưởng Trường THCS Bàn Cờ, giải thích: “Năm nay trường tổ chức học hai buổi/ngày nên chúng tôi thiết kế áo trắng có viền cổ và viền tay để tránh dơ áo vì HS sinh hoạt cả ngày ở trường và vì trường mới xây, có thêm hơn 400 chỗ học bán trú, HS bán trú thì mang đồng phục màu vàng để phân biệt.

Phụ huynh có thể may thêm viền vào áo trắng hoặc may ở ngoài chứ không nhất thiết mua tại trường. Những khoản tiền còn lại đều là thu hộ, chi hộ (như bảo hiểm, hồ sơ, phù hiệu...), chỉ có điều năm ngoái chúng tôi thu theo tháng, đầu năm nay thu gộp ba tháng nên một số phụ huynh gặp khó khăn, nhất là những phụ huynh có hai con đều đi học”.

Để xảy ra lạm thu, chủ tịch quận huyện chịu trách nhiệm

Sở GD-ĐT Hà Nội đang cùng Sở Tài chính Hà Nội xây dựng danh mục các khoản thu khác ngoài học phí, bao gồm thu hộ, thu theo thỏa thuận và thu tự nguyện. Quy định về danh mục và mức trần các khoản thu sẽ được xây dựng trên nguyên tắc lấy thu bù chi. Các khoản thu hộ chỉ triển khai với những khoản thu có văn bản quy định của Nhà nước như bảo hiểm y tế, quỹ Đoàn, Đội... Khoản thu bắt buộc nhằm phục vụ trực tiếp cho việc sinh hoạt, học tập của học sinh gồm tiền ăn, tiền phục vụ bán trú...

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, khẳng định chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thu sai, lạm thu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Trong khi đó, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng vừa có văn bản hướng dẫn việc chuẩn bị cho năm học mới 2012-2013 bậc tiểu học. Sở nhấn mạnh việc nhà trường không tùy tiện thay đổi đồng phục hằng năm hoặc thêm bớt các chi tiết làm khó khăn cho HS. Về các khoản thu đầu năm học, sở yêu cầu niêm yết công khai trên giấy A3, cỡ chữ 16 để phụ huynh tiếp cận rõ, trong đó phải ghi rõ các khoản thu hộ, chi hộ như tiền cơ sở vật chất, bảo hiểm, tiền ăn...

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.