'Tiên trách kỷ, hậu trách nhân'

TP - Không ít người nói những lùm xùm ở Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đủ thành chất liệu tốt cho một bộ phim truyền hình dài tập với tên “Chuyện ở hãng phim”.

Nhờ các nghệ sỹ làm cuộc “biểu tình” giăng băng rôn đủ màu, xanh, đỏ, đen khắp cơ sở số 4 Thụy Khuê (Hà Nội), phản đối việc họ bị đơn vị chủ quản Vivaso cắt lương, bảo hiểm mà không thông báo trước, dư luận mới có dịp trông lại cơ ngơi VFS: Nhìn Hãng phim mà tưởng dãy nhà hoang;  VFS ngoài miếng đất ra, còn gì? Nhìn tình trạng Hãng phim thế này đủ hiểu vì sao người dân không có phim hay để xem? Hoặc nói ngược lại, vì người dân không có phim hay để xem nên tình trạng của Hãng mới ra thế này.v.v… Khán giả đã bình luận về nội tình của Hãng phim theo lăng kính của họ. Hiếm khi  “thượng đế” nghiêm khắc với nghệ sỹ như thế.

Nhiều người đồng thanh quanh ồn ào: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Một vị lên tiếng: “Việc để hãng phim làm ăn thua lỗ, có phần lỗi từ chính các nghệ sỹ. Hãy thử nhìn lại xem họ đã điều hành một hãng phim thua lỗ trong nhiều năm như thế nào?”. Một bộ phận dư luận cũng cảnh báo rằng: Các nghệ sỹ đừng nhìn lại quá khứ quá nhiều. Bởi không có gì vĩnh viễn: “Trông ra thế giới mà xem, bao nhiêu thương hiệu một thời, giờ cũng mất tích đó thôi”.

Khi đạo diễn Quốc Tuấn, người có tên trong danh sách bị cắt lương, bảo hiểm chia sẻ: “Việc cắt bảo hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nghệ sỹ. Chúng tôi còn 10-20 năm để cống hiến cho hãng phim nhưng không biết tương lai sẽ đi về đâu”. Có khán giả bày tỏ quan điểm: “Là một người làm việc nghiêm túc tôi chưa bao giờ sợ bị đuổi, bị cắt lương. Nếu có thực lực, chỗ này làm không được mình xin nghỉ qua chỗ khác”.

Bỗng nhớ đến đạo diễn Phạm Hoàng Nam, anh từng là tay máy tài hoa của Hãng phim Giải Phóng nhưng vẫn quyết “dứt áo ra đi” với chia sẻ công khai, thẳng thắn: “Tôi không muốn mình thuộc dạng vô kỷ luật, ăn đồng lương mà không thực hiện đúng chức trách, không toàn tâm toàn ý cho công việc. Tôi cũng không muốn giả tạo và hai mặt, muốn tự làm chủ bản thân mình”. Ngay từ năm 2004, anh đã có dự cảm về sự phát triển của các hãng phim tư nhân: “Đứa trẻ suốt ngày được chăm sóc và quen bú mớm bầu sữa mẹ sẽ rất ngại và coi thường khi nhìn lũ trẻ khác phải tự bươn chải kiếm ăn, nhưng trong số đó sẽ có những đứa thực sự trưởng thành, tự lập và vững mạnh”.

Trở lại câu chuyện của Hãng phim. Việc ra đi hay ở lại là quyết định của mỗi nghệ sỹ. Nhưng dù đi hay ở thì chắc chắn vẫn cần thay đổi cách nhìn để hội nhập với cơ chế thị trường. Rất nhiều khán giả thắc mắc vì sao các nghệ sỹ không sử dụng biện pháp nào đó văn minh hơn để phản đối việc cắt lương, bảo hiểm, đòi lại quyền lợi cho mình, nhất thiết phải “bù lu bù loa” giăng băng rôn, biểu ngữ?

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.