Tiễn đưa già làng huyền thoại Ama Rin về nơi an nghỉ cuối cùng

Tiễn đưa già làng huyền thoại Ama Rin về nơi an nghỉ cuối cùng
TPO - Sáng 28-12, sau khi làm lễ tại nhà thờ Chính tòa Buôn Ma Thuột, linh cữu cụ Ama Rin được đưa tiễn về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tiễn đưa già làng huyền thoại Ama Rin về nơi an nghỉ cuối cùng

TPO - Sáng 28-12, sau khi làm lễ tại nhà thờ Chính tòa Buôn Ma Thuột, linh cữu cụ Ama Rin được đưa tiễn về nơi an nghỉ cuối cùng.

Ama Rin là già làng nổi tiếng của buôn Akô Dhông trù phú được hàng nghìn người tiễn đưa về với ông bà, tổ tiên tại nghĩa trang buôn Akô Dhông, cuối đường Trần Nhật Duật nội thành Buôn Ma Thuột.

Nghi lễ an táng theo truyền thống người Ê Đê
Nghi lễ an táng theo truyền thống người Ê Đê.

Trước đó, tối 24-12, ông đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 82 do tuổi già sức yếu. Ông có 10 người con (4 trai, 6 gái), 23 cháu và 4 chắt. Con trai thứ hai của cụ Ama Rin- ông Y Bliu Arul đang là Phó GĐ Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk, còn con trai thứ sáu là ca sĩ Y Jack , nhiều người con khác cũng học cao, thành đạt.

Già làng Amah Rin tên thật là Y Diêm Niê (SN 1931, dân tộc Ê Đê, quê quán ở huyện Ma Đ’rắk, Đắk Lắk). Năm 19 tuổi, ông bị thực dân Pháp bắt làm nô dịch ở các đồn điền cà phê tại Đắk Lắk. Không chấp nhận cảnh mất tự do, ông cùng nhiều dân làng ra đi tìm miền đất hứa và lập ra buôn Akô Dhông cách đây hơn nửa thế kỷ. Ông cũng là người Ê Đê đầu tiên trên cao nguyên Đắk Lắk biết trồng cà phê và hướng dẫn cho bà con trong các buôn lân cận cùng làm.

Hàng nghìn người dân đến tiễn đưa ông về với tổ tiên
Hàng nghìn người dân đến tiễn đưa ông về với tổ tiên.

Ở buôn Akô Dhông, những nét văn hóa đặc trưng của người Ê-đê được giữ gìn khá nguyên vẹn với những nếp nhà dài, rượu cần, chiêng ché và đặc biệt là bến nước vẫn xanh tươi rừng đầu nguồn. Nhiều gia đình vẫn giữ một ngôi nhà dài truyền thống bên cạnh ngôi nhà xây theo lối kiến trúc của người Kinh và sắm được ô tô đời mới. Akô Dhông cũng là một địa chỉ được nhiều du khách biết đến và tham quan mỗi khi ghé thăm TP Buôn Ma Thuột.

Theo đó, già làng Amah Rin là nhân vật được rất nhiều người biết đến thông qua các sách vở và tài liệu về văn hóa Tây Nguyên. Ông nói thành thục tiếng Kinh, tiếng Pháp và từng đi đến nước trên thế giới như Pháp, Ý, Tây Ban Nha… học hỏi được nhiều điều mới mẻ, tiên tiến.

Hạ huyệt tại nghĩa trang Akô Dhông
Hạ huyệt tại nghĩa trang Akô Dhông.

Trong suốt 5 ngày sau khi ông mất, đông đảo người dân, các cơ quan ban ngành của tỉnh Đắk Lắk đã đến thăm viếng, chia buồn. Ban Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên có trụ sở trên cùng trục đường Trần Nhật Duật với buôn Akô Dhông cũng đã đến đặt vòng hoa kính viếng.

HTN-Lê Kiến

Theo Viết
MỚI - NÓNG