Tiềm năng phát triển du lịch, xã hội gắn với kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn

0:00 / 0:00
0:00
Trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn luôn xác định phát triển kinh tế cửa khẩu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, điều hành. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu.

Trong giai đoạn 2013 - 2022, ngân sách nhà nước đã bố trí trên 11.000 tỷ đồng để tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng yếu tại các khu vực cửa khẩu và thành phố Lạng Sơn, hoàn thành nhiều công trình hạ tầng quan trọng đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả như: Dự án đấu nối đường bộ tại các cặp cửa khẩu (Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, Nà Nưa - Nà Hoa, Bình Nghi - Bình Nhi Quan); Dự án Tòa nhà Trung tâm dịch vụ quốc tế cửa khẩu Hữu Nghị; Dự án nâng cấp Nhà kiểm soát liên hợp Cốc Nam; Trung tâm hội chợ thương mại; Dự án Tòa nhà cửa khẩu Hữu Nghị; Đường chuyên dụng vận tải hàng hóa qua mốc 1119-1120; Dự án cải tạo nâng cấp Tuyến đường Hữu Nghị - Bảo Lâm; Đường phục vụ xuất nhập khẩu, đấu nối từ cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng với Khu kiểm soát Khả Phong (Trung Quốc), hiện nay đang triển khai dự án tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng…

Tiềm năng phát triển du lịch, xã hội gắn với kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn ảnh 1

Tỉnh ủy- HĐND-UBND tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội gắn với cửa khẩu. Ảnh: Duy Chiến

Nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng

Tại các khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 dự án đầu tư kinh doanh bến bãi với số vốn đăng ký trên 3.000 tỷ đồng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu; trong đó có 11 dự án đầu tư kinh doanh kho, bãi tại 04 cửa khẩu thuộc Khu kinh tế cửa khẩu với tổng vốn đăng ký 1.800 tỷ đồng. Hầu hết các dự án đã đầu tư xây dựng và hoạt động ổn định, phát huy được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động thương mại dịch vụ, tạo sự sôi động trong hoạt động Khu kinh tế cửa khẩu, tăng thu ngân sách nhà nước.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TU, ngày 01/9/2021 về phát triển công nghiệp tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định “Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp...”; trong Khu kinh tế cửa khẩu hiện nay đã quy hoạch 06 cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp Quảng Lạc, Cụm công nghiệp Hợp Thành 1, Hợp Thành 2; Cụm công nghiệp địa phương số 2, Cụm công nghiệp huyện Văn Lãng và Cụm công nghiệp huyện Văn Lãng 2.

Tiềm năng phát triển du lịch, xã hội gắn với kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn ảnh 2

Lãnh đạo hai tỉnh, khu Lạng Sơn (Việt Nam)- Quảng Tây (Trung Quốc) gặp mặt, trao đổi hợp tác hữu nghị. Ảnh: Duy Chiến

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn 2013 - 2022 qua địa bàn tỉnh đạt 37.750 triệu USD, trong đó kim ngạnh xuất nhập khẩu qua Khu kinh tế cửa khẩu đạt trên 29.468 triệu USD, bằng 78% toàn tỉnh. Hoạt động xuất nhập cảnh diễn ra ngày càng sôi động, trong giai đoạn 2013 - 2022 có khoảng 19,7 triệu lượt người xuất nhập cảnh (bình quân mỗi năm có khoảng 1,3 triệu lượt người), tổng số phương tiện xuất nhập cảnh đạt trên 4,5 triệu lượt phương tiện.

Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Đại phương tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, tạo sự liên thông giữa các khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu với các khu vực liên quan để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành của các lực lượng chức năng và nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa. Đầu tư xây dựng hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và kết nối cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Tân Thanh; phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng); phối hợp với các bộ, ngành trung ương thực hiện đầu tư nâng cấp, sửa chữa các tuyến quốc lộ 4A, 4B, 3B, 31; đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét bổ sung cảng cạn Lạng Sơn và cảng cạn Tân Thanh tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng vào quy hoạch chi tiết hệ thống cảng cạn Việt Nam và Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bổ sung kế hoạch nâng cấp cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt hiện có, trong đó có tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng; mở rộng đường vận chuyển hàng hóa chuyên dụng tại khu vực mốc 1088/2-1089 cửa khẩu phụ Tân Thanh. Tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng thêm các tuyến ra cửa khẩu, các tuyến đường ngang đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng của Khu kinh tế cửa khẩu.

Tiềm năng phát triển du lịch, xã hội gắn với kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn ảnh 3

Giao thương qua lại biên giới ở Lạng Sơn rất tấp nập. Ảnh: Duy Chiến

Phát triển Văn hóa- du lịch

Với lợi thế là tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc, những năm qua, Lạng Sơn luôn chú trọng phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, thương mại, đặc biệt là các hoạt động hợp tác phát triển du lịch với nước bạn.

Theo báo cáo, hiện nay, du khách Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số khách du lịch quốc tế của tỉnh. Từ đầu năm đến tháng 9/2023, tổng lượng khách đến Lạng Sơn đạt gần 3,5 triệu lượt, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu từ du lịch ước đạt gần 2.800 tỷ đồng.

Trong đó, lưu lượng khách đến từ Trung Quốc chiếm khoảng 80%. Hằng ngày, tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đón từ 5.000 – 6.000 lượt khách, những đợt cao điểm có thể lên tới 8.000 lượt khách/ ngày. Với lợi thế về giao thông đường bộ, đường sắt, cùng 2 cửa khẩu quốc tế (Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Ga đường sắt Quốc tế Đồng Đăng); 2 cửa khẩu quốc gia (Tân Thanh và Chi Ma) và 10 lối mở biên giới với Trung Quốc, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã và đang chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch tại các khu vực cửa khẩu ngày một hiện đại và đồng bộ hơn. Xây dựng, hoàn thiện các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trọng yếu tại khu vực cửa khẩu và thành phố Lạng Sơn. Từ đó, có nhiều công trình quan trọng đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả như: Trung tâm Dịch vụ Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, đường Pác Luống – Tân Thanh, cổng cửa khẩu và nhà Kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Cốc Nam (năm 2013); đường Na Sầm – Na Hình; Tòa nhà Cửa khẩu Hữu Nghị …

Tiềm năng phát triển du lịch, xã hội gắn với kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn ảnh 4

Du khách Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu Hữu Nghị thăm quan Lạng Sơn. Ảnh: Duy Chiến

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lạng Sơn chú trọng xây dựng và công nhận các điểm du lịch, tại khu vực biên giới trở thành các điểm du lịch của tỉnh như: điểm du lịch thương mại chợ cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng); điểm du lịch Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị; Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng (Cao Lộc)… Ngoài ra, những năm qua, ngành du lịch đã xây dựng các tour du lịch gắn với vùng biên giới được nhiều du khách lựa chọn như: tour Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị – đền Mẫu Đồng Đăng – chợ cửa khẩu Tân Thanh – thành phố Lạng Sơn.

Song song với việc đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, Lạng Sơn đã phối hợp với Quảng Tây (Trung Quốc) duy trì các sản phẩm du lịch trong nhiều năm qua. Tuyến du lịch Lạng Sơn – Nam Ninh; tour Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị – Bằng Tường (Trung Quốc)…

Ngoài ra, hoạt động Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt – Trung được diễn ra thường niên từ năm 2010 đến nay cũng là điểm nổi bật trong việc thu hút khách du lịch giữa hai bên. Để có được những bước phát triển về du lịch biên giới, công tác phối hợp quản lý lữ hành giữa Lạng Sơn và Quảng Tây được lãnh đạo hai bên quan tâm. Hằng năm, chính quyền Lạng Sơn và Quảng Tây đã tổ chức các cuộc hội đàm trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại… trong đó có lĩnh vực du lịch. Theo đó, thời gian qua, công tác phối hợp, tham gia xúc tiến du lịch giữa hai bên được tăng cường…

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.