Kêu cứu khắp nơi
Chị Trần Thị Tình (38 tuổi) vợ thuyền trưởng Mạnh ngồi vót tre để đan loại thúng đi câu mực. Ngôi nhà nằm ở làng cát (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) treo 2 tấm bằng Tổ quốc ghi công và thờ một ngư dân đã mất tích ở Trường Sa. Chị Tình đang đứng ngồi không yên, vì 37 ngư dân đã trở về (5 ngư dân được thả về từ trước đó) chiếc tàu của gia đình đã bị Malaysia bắt giữ, nợ nần đang chồng chất: Nợ ngân hàng 3 tỷ, người thân 1 tỷ, vay thêm hơn 5 tỷ để gửi sang Malaysia chuộc người.
Thuyền trưởng Mạnh, chồng chị đã vào thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh vì kiệt quệ sức khỏe sau thời gian bị Cảnh sát Malaysia bắt giữ trái phép và cầm tù. Cùng bị bắt với anh Mạnh còn có 2 em trai là Trần Văn Sửu và Trần Văn Việt.
Về vụ việc trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn số 4216 gửi Bộ Ngoại giao và khẳng định: Trích xuất dữ liệu, tàu QNa 95005 TS thời điểm bị bắt đang hoạt động trong vùng ranh giới cho phép khai thác của Việt Nam. Gia đình thuyền trưởng Mạnh cho biết, đang làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, làm rõ vì sao tàu bị bắt ngay trong vùng biển Việt Nam? Bên cạnh đó là đơn tố cáo nhà tù Sabah giam cầm ngược đãi, vi phạm quyền con người.
Lão ngư dân Trần Văn Minh (74 tuổi), cha của thuyền trưởng Mạnh cho biết, nếu người anh trai là Trần Văn Nhân không bị mất tích khi đi câu mực vào năm 2001 thì có lẽ cả 4 anh em hôm đó đều có mặt trên tàu. “Anh chết không tìm thấy xác ở Trường Sa đã 20 năm rồi, nhưng mà nghiệp biển nên mấy đứa em vẫn chứ phải ra đó và tiếp tục theo nghề câu mực”, ông Minh cho biết.
“Cứu chồng em, tàu QNa 95005 TS gần đảo Công Đo, Trường Sa!”, chị Tình gọi điện khắp nơi, kêu cứu cho chồng và các ngư dân.
Nợ nần
Chị Tình kể, năm 2003 về làm dâu trong gia đình. Chồng chị từ năm 16 tuổi đã đi làm thuê trên các tàu cá. Năm 2015, gia đình dành dụm sắm được chiếc tàu câu mực trị giá 1,5 tỷ đồng dài 19 mét, sức chở 28 thúng đi câu ở Trường Sa. Năm 2019, nợ cũ chưa trả hết, gia đình phải bán chiếc tàu cũ với giá 750 triệu đồng để mua lại chiếc tàu có kích thước dài 21,7 mét, chở được 40 thúng câu để đánh bắt hiệu quả và an toàn hơn.
Sau 3 năm thay đổi tàu, chị mới cảm thấy “dễ thở” hơn một chút. Cậu con trai là Trần Tiểu Hùng, sinh năm 2003, trước khi ra Đà Nẵng học đại học, đã lắp đặt internet cho mẹ để nắm bắt tình hình thời tiết những nơi con tàu của gia đình đang đánh bắt thông qua nhiều kênh. Cứ 8 giờ tối, tiếng chị lại vang lên trên máy Icom: “Thông báo cho anh em về tình hình thời tiết”.
Chị Tình vẫn chưa hết lo lắng về tai họa của gia đình ảnh: Văn Chương |
Giờ thì con tàu cùng ngư lưới cụ và 30 tấn mực đánh bắt được, tổng trị giá 10 tỷ đồng đã bị phía Malaysia tịch thu. Chưa kể khoảng 8 tỷ đồng còn nợ ngân hàng, người thân, và tiền vay để nộp phạt, chuộc người.
Buổi chiều trên bờ biển của xã Bình Minh, chị Tình rưng rưng kể chuyện cậu con trai đang học ở Đà Nẵng vừa nhắn tin “bây giờ con chỉ ăn ngày 2 bữa, hết 30.000 đồng”...