Thủy tiên lưu luyến hương xưa

Thủy tiên lưu luyến hương xưa
TP - Thủy tiên được mệnh danh là nàng tiên dưới nước. Mùi hương thanh tao, quý phái của loài hoa xinh đẹp này khiến những người lưu luyến thú chơi xưa phải tìm về mỗi khi tết đến. Thú chơi này, ngày nay vẫn được giới trẻ tiếp nối bằng những kiểu cách tân kỳ, sáng tạo hơn.

> Tết, Tết, Tết!

Thủy tiên lưu luyến hương xưa ảnh 1

Thú chơi quý tộc

Ông Ngô Đức Biểu, 90 tuổi ở phố Châu Long (Hà Nội) cho biết, thú chơi này ảnh hưởng từ Trung Quốc. Trước đây mua hoa thủy tiên khá dễ, do những thương nhân Hoa kiều ở Hàng Buồm đưa về. Họ vận chuyển theo đường xe lửa, mỗi lắp (giống cái giọ đàn bằng tre nứa) đựng trên hai chục củ thủy tiên.

Trước tết một tháng nhóm thương nhân báo thủy tiên về, mọi người kéo đến chọn. Người sành chơi thủy tiên thoáng nhìn đã biết ngay củ nào là củ đơn, củ nào là củ kép. Mỗi nhà thường dùng ba củ thủy tiên cho ngày tết. Một củ để trên gian thờ, thờ tổ tiên, một củ để phòng khách, một củ để chơi.

Gần tết cứ tan việc ở cơ quan, Nguyễn Tiến Dũng lại về nhà bắt đầu gọt thủy tiên, có khi đến tận nửa đêm mới ngừng
Gần tết cứ tan việc ở cơ quan, Nguyễn Tiến Dũng lại về nhà bắt đầu gọt thủy tiên, có khi đến tận nửa đêm mới ngừng.

Thủy tiên đơn quý hơn thủy tiên kép, củ để chơi thường là củ kép. Củ đơn nở ra hoa 6 cánh, có nhụy vàng gợi hình ảnh chén ngọc đĩa vàng, còn củ kép các cánh hoa đều, không tạo thành hình cái đĩa nhưng lại có mùi thơm. Vì hình dáng không quyến rũ như hoa đơn song bù lại có hương thơm nên thuỷ tiên kép ướp trà rất ngon. Trà thủy tiên chỉ dùng để đãi thượng khách.

Thủy tiên còn quyến rũ ở bộ rễ trắng, sống ngâm mình trong nước, thế nên mới được mệnh danh “nàng tiên dưới nước”. Tùy hoàn cảnh mỗi người, thủy tiên được “nuôi” theo những cách khác nhau. Có người cho thủy tiên vào bát to, hoặc vào cốc, thậm chí vùi cát hoa vẫn nở, nhưng người sành chơi sẽ chọn bình pha lê trong vắt để khoe bộ rễ.

Khi chưa khoe sắc thủy tiên trông giống củ hành lớn. Ngày trước người ta dùng loại dao nhỏ xíu nhưng sắc như lưỡi mác để tỉa thủy tiên. Loại dao tỉa đặc biệt này chỉ có thợ Sinh Từ (phố Nguyễn Khuyến ngày nay) mới làm được. Người chơi dùng dao bóc màng ngoài củ ra, khía hõm vào, phải làm khéo léo, tỉ mẩn, nếu không sẽ chạm vào các giò hoa, gây hỏng. Chỉ có bậc phú quý gia tộc mới chơi thủy tiên. Một giò thủy tiên có giá cao gấp ba đến năm lần một cành đào đẹp.

Thủy tiên lưu luyến hương xưa ảnh 3

Thân sinh ra cụ Ngô Đức Biểu là cụ Ngô Đức Tiêu nổi tiếng sành chơi thủy tiên ở Hà Nội. Thời còn làm Thứ trưởng Bộ Nông Trường quốc doanh, thiếu tướng Đặng Kim Giang chính là “khách hàng” thân thiết của cụ Ngô Đức Tiêu. Tết năm nào thiếu tướng cũng nhờ cụ Tiêu gọt thủy tiên giúp. Trong ký ức của cụ Biểu, người sành chơi thủy tiên ở Hà Nội xưa chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Ngoài cụ Ngô Đức Tiêu, cha cụ Biểu, còn có bà Nguyễn Thị Liên ở đầu phố Châu Long. Nhiều người mê thú chơi này nên dịp xuân về lại có cuộc thi hoa thủy tiên, xem ai gọt thủy tiên đẹp, hãm được hoa đến đúng giao thừa mới nở. Giò thủy tiên nào chiến thắng sẽ được công kênh trên chiếc kiệu có lọng che rước về nhà, nổ bánh pháo chúc mừng.

Phần thưởng dành cho chủ nhân sở hữu “hoa hậu” thủy tiên cũng giản dị, có khi chỉ là chiếc hộp khảm cành lan và dòng chữ “vương giả chi hương” (Mùi hương của các bậc vương giả). Có năm cụ Ngô Đức Tiêu đã giành giải quán quân ở đền Bạch Mã, nhận được chiếc hộp quý. Trải qua bao cơn biến loạn nhưng cụ vẫn giữ được “báu vật”, lưu truyền cho đời con cháu.

Ông Ngô Đức Cường, con trai cụ Ngô Đức Biểu, cháu cụ Ngô Đức Tiêu, hiện nay đang giữ chiếc hộp như niềm tự hào. Đã ba đời gia tộc họ Ngô phải lòng “nàng tiên dưới nước”.

Củ Thủy tiên
Củ Thủy tiên.

Tre già măng mọc

Xưa, thủy tiên là thú chơi vương giả vì muốn chơi phải bỏ tiền bạc, thời gian, công sức, chỉ những người không phải “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” mới dám đụng vào. Nghề gọt thủy tiên cũng kỳ công. Mùa đông rét căm, phải ngâm tay trong nước lạnh, cầm dao tỉa tỉ mẩn như người ta khắc bút.

Tỉa thủy tiên trong nước sẽ giúp nhìn rõ hơn và tránh được nhựa vây vào. Mỗi ngày mất chừng 3, 4 tiếng cặm cụi tỉa cũng chỉ tách ra được một chút. Khoảng vài ngày mới xong một củ thủy tiên. Lúc này tay người gọt đã tím bầm.

Thủy tiên tỉa xong được đặt vào chõ, làm bằng xi măng, mang ra sân, đợi sương xuống. Sáng nào ngủ dậy, người chơi cũng ra xem thủy tiên đâm chồi thế nào. Khi có gió mùa đông bắc lạnh tràn về, họ lại mang thủy tiên đi “tránh nạn”.

Tất cả các công đoạn: Gọt, hãm, cắm thủy tiên đều dùng nước mưa, không dùng nước máy. Người sành chơi có những bí quyết riêng để buộc thủy tiên nở theo ý mình. Giời nồm hoa nở nhanh, lòng trắng trứng sẽ giúp hoa ngưng tốc độ. Trời lạnh, “chữa bệnh” nở muộn bằng cách để giò hoa ở nơi ấm áp.

Hiện nay hoa thủy tiên ở Hà Nội vẫn được mang từ Trung Quốc về. Nhịp sống gấp khiến thủy tiên cũng mang dáng dấp hiện đại và không được nâng niu như xưa. Mỗi giò thuỷ tiên được bán ở chợ Hoàng Hoa Thám có giá khoảng 300 ngàn. Chịu khó tìm tận gốc sẽ mua được giá rẻ hơn, như tại làng hoa Nghi Tàm chỉ khoảng 200 ngàn đồng một giò, so với phong lan vẫn thua xa về khoản xa xỉ.

Mua thủy tiên không khó nhưng chọn được thủy tiên đẹp lại khó: “Thủy tiên bây giờ cứ lên thẳng tít, lá nhỏ. Ngày xưa lá mọc xung quanh, hoa ở giữa đẹp lắm, như cái mũ ông công. Không phải lá ra lá, hoa ra hoa như thế này”, cụ Ngô Đức Biểu tiếc nhớ.

Gần tết cứ tan việc ở cơ quan, Nguyễn Tiến Dũng lại về nhà bắt đầu gọt thủy tiên, có khi đến tận nửa đêm mới ngừng.

Chơi thoáng, tạo vẻ đẹp mới

Giới trẻ có cách làm thực dụng, nhanh hơn, song chất lượng giò thủy tiên cũng không đến mức thua kém. Họ lại tiếp thu kỹ thuật mới, cho ra những giò thủy tiên đầy sáng tạo.

Một số người có cách nhìn cởi mở như ông Nguyễn Đức Lưu, cựu Hiệu trưởng Trường cấp 3 Chu Văn An, một trong số ít những người còn giữ cách gọt thủy tiên theo nếp xưa lại cho rằng: “Lớp trẻ bây giờ gọt thuỷ tiên đơn giản hơn và cho kết quả nhanh hơn. Các cụ ngày xưa làm theo nhiều lớp, vừa làm vừa chơi, phải mất 5, 7 công đoạn mới cho ra một giò thủy tiên, giới trẻ phá vỡ những quy định, họ làm một nhát ăn ngay. Trước kia một giò thủy tiên từ củ đến khi thành hoa mất khoảng 20 ngày bây giờ có khi họ chỉ làm 10, 12 ngày thôi. Đương nhiên cách gọt như thế rất đau thủy tiên”.

Thủy tiên lưu luyến hương xưa ảnh 5

 

Lúc mới về hưu, giáo Lưu cũng gọt thủy tiên, mỗi tết ông làm khoảng hai chục củ cho những ai còn lưu luyến hương xưa tìm về. Gọt thủy tiên theo cách cũ, ngâm tay trong nước lạnh ở điều kiện mùa đông khắc nghiệt khiến huyết áp của ông tăng đột ngột, từ đó ông phải xa nghề. Tại làng hoa Nghi Tàm, ngoài giáo Lưu còn có một số bậc cao niên khác vẫn gìn giữ thú chơi này.

Theo lời cụ Hai Ninh, một người nức tiếng về hoa và cây cảnh ở làng Nghi Tàm thì rất nhiều người trẻ ở làng có thể gọt thủy tiên. Như trong đại gia đình của cụ, tất cả các cháu trai đều gọt được thủy tiên nhanh và đẹp. Mỗi tết, các cháu của cụ làm được vài trăm giò thủy tiên, vừa tặng, vừa bán. Khi chúng tôi hỏi chuyện gọt thủy tiên, chàng trai tên Mạnh cười tươi rói: “Gọt thủy tiên dễ thôi nên không biết nói thế nào”.

Anh Nguyễn Tiến Dũng, một kỹ sư nông nghiệp trẻ tuổi, cháu trai của cụ Hai Ninh cho biết: Ngày xưa các cụ có nhiều thời gian rảnh, nên tách từng tí, còn bây giờ lớp trẻ bận rộn, chỉ tranh thủ thời gian để làm. Gần tết cứ tan việc ở cơ quan, Nguyễn Tiến Dũng lại về nhà bắt đầu gọt thủy tiên, có khi đến tận nửa đêm mới ngừng. Xưa các cụ ủ thủy tiên bằng trấu để cho ra rễ nay những người trẻ như Dũng ủ bằng cát. Sau đó 1, 2 ngày mang ra gọt.

Người trẻ cũng không cần vừa gọt vừa ngâm tay trong nước như các cụ, bởi trước đó họ đã có cách làm củ thủy tiên tiêu bớt nhựa. Căn cứ vào thời tiết, nếu rét lạnh họ tiến hành gọt thẳng nhìn thấy nụ hoa luôn, nếu thời tiết ấm mới gọt dần như kiểu bóc từng lớp củ hành.

Cụ Hai Ninh tự hào vì cháu trai Nguyễn Tiến Dũng biết tạo thế cho thủy tiên. Bí quyết này Dũng học được nhờ xem sách Trung Quốc, không biết chữ Hoa nên anh mày mò tập tỉa theo hình ảnh minh hoạ, kết hợp với kiến thức của kỹ sư nông nghiệp, đã tạo ra những giò thủy tiên có vẻ đẹp mà lớp người đi trước cũng phải trầm trồ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.