Cú bắt tay nghìn tỷ của LienVietPostBank
Cuối tuần qua, sự kiện LienVietPostBank và Dai-ichi Life Việt Nam ký kết Hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền 15 năm được thị trường đặc biệt chú ý. Không chỉ bởi đây là sự kết hợp giữa hai thương hiệu danh tiếng trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm mà còn bởi đội ngũ tư vấn quốc tế hùng hậu tham gia thương vụ này.
Cụ thể, J.P. Morgan - định chế tài chính hàng đầu thế giới - là đơn vị tư vấn tài chính độc quyền cho LienVietPostBank, Linklaters tư vấn luật và Milliman là đơn vị tư vấn định giá. Linklaters là hãng luật hàng đầu thế giới, hiện cung cấp dịch vụ tư vấn luật trên 100 quốc gia, tham gia tư vấn luật cho nhiều giao dịch bancassurance tại khu vực châu Á. Trong khi đó, Milliman cũng là công ty hàng đầu thế giới về tư vấn định giá bảo hiểm nhân thọ, đã thực hiện nhiều hợp đồng tư vấn cho các giao dịch hợp tác bancassurance tại khu vực châu Á.
Giá trị thương vụ đến nay vẫn chưa được tiết lộ. Tuy vậy, với giá trị thương hiệu của LienVietPostBank, Dai–ichi Life cũng như nhìn vào danh sách đơn vị tư vấn và định giá - đều là các tổ chức tư vấn quốc tế hàng đầu thế giới - có thể thấy, đây chắc chắn là một thương vụ “khủng”, giá trị ước tính hàng nghìn tỷ đồng.
LienVietPostBank là cái tên hiếm hoi còn lại trong hệ thống ngân hàng chưa ký hợp đồng phân phối độc quyền bảo hiểm. Trong 9 tháng đầu năm nay, ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận lên tới 72% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành mục tiêu của cả năm, trong đó có đóng góp lớn từ mảng dịch vụ (tăng 43%).
Sức khỏe lành mạnh, tệp khách hàng bán lẻ chất lượng, mạng lưới chi nhánh rộng lớn cùng hệ thống ngân hàng số đang được phát triển mạnh… LienVietPostBank là ngân hàng được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm để mắt tới. Trong khi đó, Dai-ichi Life Việt Nam là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Việt Nam.
Cú bắt tay này được dự đoán sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên. Thực tế, trước khi ký hợp đồng bảo hiểm độc quyền, LienVietPostBank và Dai-ichi Life Việt Nam đã có 6 năm hợp tác, cung cấp dịch vụ tài chính cho gần 180.000 khách hàng với tổng doanh thu phí bảo hiểm lên tới hàng nghìn tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch mục tiêu ký kết ban đầu. LienVietPostBank cũng lọt vào top 9 ngân hàng có doanh số bancassurance lớn nhất hệ thống hiện nay.
Việc LienVietPostBank và Dai-ichi Life Việt Nam ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền khiến thị trường bancassuarance càng thêm sôi động. Tính đến đầu năm nay, trên thị trường đã có 61 hợp đồng hợp tác ngân hàng – bảo hiểm diễn ra. Trong đó có 40 hợp đồng hợp tác theo hình thức độc quyền và 21 hợp đồng hợp tác không độc quyền.
Trong những tháng đầu năm, thị trường tiếp tục chứng kiến thêm nhiều cú bắt tay giữa ngân hàng với bảo hiểm như: Agribank và FWD Việt Nam, Shinhan Life Việt Nam với Shinhan Việt Nam, VPBank và AIA gia hạn Thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thời hạn từ 15 năm lên 19 năm...
Trước đó, rất nhiều thương vụ bắt tay ngàn tỷ đã được ký kết: Vietinbank – Manulife, Vietcombank - FWD, ACB – Sunlife, Techcombank – Manulife, MSB – Prudential, VIB – Prudential, Sacombank – Daiichi Life…
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, các ngân hàng có lợi thế về mạng lưới, đội ngũ nhân viên am hiểu, ngân hàng số phát triển… rất phù hợp cho việc phân phối sản phẩm bảo hiểm nên bancassurance đang ngày càng bùng nổ. Sự hợp tác này mang lại lợi ích cho cả hai bên cũng như giúp cung cấp nhiều tiện ích đa dạng hơn cho khách hàng.
Dư địa tăng trưởng của Bancassurance tại Việt Nam vẫn còn rất lớn
Bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho hay, thời gian qua, hoạt động bancassurance tại Việt Nam đã phát triển một cách mạnh mẽ. Tính riêng nửa đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance của doanh nghiệp bảo hiểm đã chiếm tới 41% tổng doanh thu khai thác mới.
“Doanh thu bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng đã giúp ngành bảo hiểm duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định”, bà Phương cho biết.
Về phía ngân hàng, theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, thời gian qua, rất nhiều ngân hàng tích cực triển khai hoạt động bancassurance. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bancassurance tăng trưởng tới 23%. Doanh thu phí từ bancassurance hiện đang chiếm khoảng 5-10% tổng thu nhập hoạt động của mỗi ngân hàng.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường bancassurance Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng tích cực do tăng trưởng kinh tế giai từ nay tới năm 2025 tăng trung bình 6,5-7%/năm; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm của Việt Nam còn thấp (hiện đang là 2,7% và Chính phủ mong muốn nâng lên mức 3,5% vào năm 2025). Đặc biệt, mức độ bao phủ bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam còn rất thấp. Hiện chỉ khoảng 10% dân số Việt Nam mua bảo hiểm nhân thọ trong khi con số này tại Malaysia là 50%, tại Singapore là 80%.
Hiện nay, tỷ lệ khách hàng mua bảo hiểm tại ngân hàng cũng rất thấp, mới chiếm 5-8% lượng khách hàng của ngân hàng, đây cũng chính là dư địa để các ngân hàng tăng tốc trong lĩnh vực này. Với nền tảng số ngày càng cải thiện, các ngân hàng dễ dàng mở rộng kênh phân phối bảo hiểm hơn nữa, thông qua tệp khách hàng sẵn có. Với đà tăng tích cực từ đầu năm, thị trường bancassurance được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 30% trong năm nay.
Box: Ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, Tổng Giám đốc LienVietPostBank:
“Thông qua quan hệ hợp tác độc quyền với Dai-ichi Life Việt Nam, LienVietPostBank cam kết mang tới cho hàng triệu khách hàng những giải pháp bảo hiểm nhân thọ toàn diện, không chỉ được thiết kế phù hợp với nhu cầu của từng phân khúc khách hàng mà còn với một mức chi phí thật sự cạnh tranh trên thị trường và chất lượng dịch vụ tốt nhất nhờ sự đơn giản, nhanh chóng, tiện lợi trên nền tảng số”.