Thương vong do vướng điện trên đường: Tại dân?

Thương vong do vướng điện trên đường: Tại dân?
TP - Tại Đà Nẵng, trước vụ một sinh viên bị nguy kịch do dây điện đứt rơi trúng người đã có một trường hợp người đi đường tử vong do bị dây điện bất ngờ quấn phải.

Chết vì bị dây điện trói

Ngày 11-10, lãnh đạo Điện lực Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) đã thăm hỏi nạn nhân Bùi Tuệ Trung (18 tuổi, sinh viên năm thứ nhất ĐH Bách khoa Đà Nẵng) bị thương nặng do vướng dây điện “thòng lọng” trên đường ngày 10-10 (Tiền Phong đã đưa tin).

Tại hiện trường, dây điện được lắp từ công tơ bên phía đường đối diện (khoảng số nhà 351 Tôn Đức Thắng), kéo ngang qua trụ điện trước số nhà 376. Tại vị trí này có trụ điện, công tơ nhưng ngành điện và chủ hộ vẫn vắt dây điện ngang đường. Anh Nguyễn Sáu, thợ sửa xe máy trên đường Tôn Đức Thắng, cho biết: Hơn chục năm trước, do khu vực này điện còn yếu, trụ điện chưa nhiều nên để đấu điện, người dân phải bắc qua bên kia đường. Nhiều năm nay, trụ điện được bố trí dọc hai bên đường nhưng ngành điện không kiểm tra, hướng dẫn để người dân bắc lại.

Trước khi Trung bị vướng dây điện, ngày 23–9-2011, chị Võ Thị Ái Nhạn (27 tuổi, trú tổ 4B, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) chạy xe máy trên đường Trường Sa - đến địa phận phường Hòa Hải, bất ngờ bị dây điện rớt xuống hất văng chị xuống đường, tử vong tại chỗ. Theo Công an quận Ngũ Hành Sơn, sợi dây điện do một người dân làm nghề cơ khí kéo ngang từ nhà qua bên kia đường để hàn cửa cho một công trình. Do dây điện sà thấp, nên đụng phải xe trộn bê tông khiến dây điện rơi xuống đường.

Hiện ở nhiều tuyến đường như Hoàng Văn Thụ, Hùng Vương, Tôn Đức Thắng… các loại “rác trời” (dây điện, cáp viễn thông) giăng ngang lòng đường khiến người qua lại nơm nớp lo sợ. Anh Trần Mạnh Hải (36 tuổi, trú đường Phan Thanh), nói: chẳng khác nào họ để thòng lọng giữa đường và “treo cổ” bất cứ ai.

Ngành điện không thể thoái trách nhiệm

Ông Lê Văn Thuận, GĐ Điện lực Liên Chiểu, cho hay: Đoạn dây điện khiến sinh viên Trung gặp nạn là của hộ gia đình bà Mai Thị Kim (tổ 36, Hòa Minh), hợp đồng mua bán điện từ năm 2002. Theo quy định, ngành điện chỉ quản lý đến công tơ, còn từ công tơ đến gia đình là phần của các hộ hợp đồng mua điện. Trong trường hợp này chịu trách nhiệm chính là chủ hộ Mai Thị Kim.

Tuy nhiên, theo luật sư Đỗ Pháp - Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp (Đà Nẵng): Quy định này chưa hợp lý. Bởi lẽ, nếu công tơ được đặt trong nhà là chuyện khác, còn công tơ buộc phải mắc ở ngoài đường và người dân bất khả kháng phải kéo điện thì sẽ rất khó quy trách nhiệm. Ở đây phải có cả trách nhiệm liên đới của ngành điện trong công tác quản lý an toàn lưới điện trên địa bàn.

Theo ông Thuận: đơn vị có khoảng 40.000 khách hàng mua điện nên rất khó kiểm tra, xử lý hết các trường hợp đấu nối không phù hợp. Trường hợp bà Kim mắc kéo dây điện ở độ cao đảm bảo quy định (6–7m so với mặt đường). Xảy ra sự cố trên là khó lường trước. Hiện có khoảng 30% trong tổng số khách hàng đã được đưa công tơ điện vào nhà. Để đưa công tơ điện vào nhà, ngành điện phải đầu tư ít nhất 2 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, việc dẫn điện từ công tơ vào nhà chủ yếu do các hộ tự hợp đồng, thuê mướn các đơn vị sửa chữa điện tư nhân. Ngành điện chỉ tư vấn các loại dây điện phù hợp và sẽ lắp ráp nếu có yêu cầu. Tuy nhiên, phần lớn khách hàng không lựa chọn phương án này vì tiêu chuẩn dây điện của ngành yêu cầu chất lượng và giá thành cao.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG