Thượng uý Công an kể chuyện phá án buôn người

Thượng uý Phạm Hồng Quân. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Thượng uý Phạm Hồng Quân. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TPO –Thượng uý Phạm Hồng Quân trực tiếp chỉ đạo và phối hợp đồng đội phá nhiều vụ án, đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em. Anh cũng tham gia phá vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại BV Phụ sản TƯ tháng 11-2011.

> Dũng cảm cứu tám người kẹt trong lũ quét

Thượng uý Phạm Hồng Quân. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Thượng uý Phạm Hồng Quân. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Học kinh tế, làm công an hình sự

Tốt nghiệp khoa Quản trị Kinh doanh tại Viện Đại học Mở Hà Nội năm 2002, với sự động viên của gia đình, năm 2003, Phạm Hồng Quân nộp hồ sơ và trúng tuyển vào ngành công an. Anh được phân về công tác tại Đội trọng án, Công an tỉnh Hà Tây cũ (nay là thành phố Hà Nội).

Phạm Hồng Quân tâm sự, có vụ án chỉ mất mấy ngày điều tra, song cũng có những vụ mất cả năm, hoặc kéo dài hàng năm trời (các đối tượng truy nã - PV).

Chẳng hạn, vụ án bắt cóc, giết trẻ em xảy ra tháng 11-2004 ở huyện Ứng Hoà (Hà Nội). Phạm Hồng Quân tham gia từ đầu vụ án này. Nạn nhân là cháu Nguyễn Thị Linh Chi (8 tuổi, học sinh lớp 2 trường Tiểu học xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa)

Sáu tháng điều tra, cơ quan công an mới bắt được hung thủ. Điều khiến cơ quan công an và người nhà nạn nhân bất ngờ là kẻ thủ ác Vũ Đức Trung (học sinh lớp 12, con hàng xóm nạn nhân).

Do thường xuyên nợ tiền lô đề, Trung lên kế hoạch bắt cóc, tống tiền rồi giết hại cháu Chi.

Ngày 26-11-2004, cháu Chi sang nhà Trung chơi. Lúc vắng vẻ, Trung đẩy cháu từ trên gác xép xuống đất. Sau đó, hắn dùng tay bóp miệng giết hại cháu Chi, giấu xác trên gác xép.

Đến 20h40 cùng ngày, hắn bán dây chuyền của Chi để mua thẻ điện thoại, rồi gọi điện tống tiền gia đình ông ngoại nạn nhân (dù đã vứt xác cháu bé xuống sông Đáy).

Sáu tháng sau, khi công an báo tin bắt được hung thủ, gia đình nạn nhân vô cùng bất ngờ, gục ngã trước nỗi đau quá lớn.

Phá án mua, bán người

Cuối tháng 3-2011, một phụ nữ trình báo con gái là V (SN 1997, ở Cầu Giấy, Hà Nội) bị một nhóm đối tượng lừa bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, tên tuổi các đối tượng liên quan chỉ là những “nickname” được sử dụng trên mạng internet.

Tổ trinh sát, trong đó có Thượng úy Phạm Hồng Quân, bắt tay vào việc rà soát, thu thập tài liệu. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, trong thời gian ngắn, tổ trinh sát lần ra nhóm thanh niên “nghiện net”, chuyên làm quen với nữ sinh trên mạng.

“Đây là việc không dễ dàng vì các đối tượng dùng tên giả Tý, Hoàng. Phải làm sao để lần ra đầu mối liên lạc của chúng rồi khéo léo tiếp cận, khiến các đối tượng cắn câu” - Thượng úy Quân chia sẻ.

Sau khi xác định thêm mắt xích tên Phương, Phòng Cảnh sát hình sự xác lập chuyên án trinh sát mang bí số 130P.

Một tháng sau, Thượng úy Quân đã làm rõ đối tượng tên thật là Nguyễn Dương Hoàng Phi (SN 1997, ở bãi rác Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội). Ngày 21-4-2011, cảnh sát bao vây nhà Phi, bắt khẩn cấp đối tượng.

Khai thác "nóng" trong đêm 21-4 - 2011, cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Hoàng (tên thật Vũ Văn Ca, SN 1989, ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Đây chính là đối tượng cấu kết với Phi lên kế hoạch lừa bán cháu V sang Trung Quốc.

Sau hai ngày tiếp tục đấu tranh và câu nhử nhóm những kẻ buôn người bên kia biên giới, tổ công tác Đội 12 phục kích hai "tú bà" đang trở lại Việt Nam “ăn hàng”, là Lê Thị Toan (SN 1989, ở Thường Tín, Hà Nội) và Bùi Bích Tường (SN 1972, ở Hạ Hòa, Phú Thọ).

Ngay sau đó, Thượng úy Quân và đồng đội liên lạc, hướng dẫn nạn nhân xác định vị trí đang ở, đồng thời phối hợp với Interpol và Cảnh sát Trung Quốc tổ chức giải cứu thành công.

Đặt tên mình cho cháu bé bị bắt cóc

Tham gia khám phá nhiều vụ án buôn bán phụ nữ và trẻ em, Thượng uý Quân chia sẻ, tính mạng con người luôn phải đặt lên hàng đầu, do đó, vụ nào liên quan đến bắt cóc đều phải dốc hết sức điều tra.

Dư luận cả nước hẳn vẫn chưa quên vụ án bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày 3-11-2011. Nạn nhân là cháu Phạm Văn Trường (sau đổi tên thành Phạm Trường Hà), vừa được ba ngày tuổi, con anh Phạm Xuân Chiều, chị Trần Thị Thơm.

“Hồi đó, tôi vừa kết thúc tuần trăng mật, mới đi làm được hai ngày thì nhận lệnh của đơn vị tham gia điều tra vụ án. Tôi cùng một đồng nghiệp vội đến bệnh viện lấy lời khai, thu thập chứng cứ” – Thượng uý Quân nhớ lại.

“Ban Giám đốc Công an, rồi Trưởng phòng gọi điện chỉ đạo, thúc giục điều tra. Cả đêm hôm đó, tôi thức trắng làm việc” – anh Quân cho biết.

Sau cuộc họp ở Quận Hoàn Kiếm, rồi họp ở Phòng hình sự, ban chuyên án được lập ra, đội 12 làm chủ công, Thượng uý Quân trực tiếp tham gia phá án.

Khoảng 70 trinh sát tinh nhuệ thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự và Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia thành nhiều mũi đi các tỉnh, xới tung những nơi nghi vấn, đặc biệt chú ý trường hợp những cháu bé vừa được đưa về gia đình từ bệnh viện, hoặc những phụ nữ có bầu nhưng không sinh được con…

Trong lúc đang tích cực điều tra, anh Nguyễn Xuân Việt – lái xe của hãng taxi Tuấn Linh - cung cấp thông tin về nghi can bắt cóc cháu Trường. Ngay sau đó, lực lượng điều tra phối hợp với công an quận Đông Anh giải cứu thành công cháu bé, trả lại gia đình. Kẻ gây án là Nguyễn Thị Lệ bị bắt.

Một vụ án khác mà theo chia sẻ của Thượng uý Quân khiến cả đời anh không quên, là giải cứu cháu bé bị bắt cóc từ TP Hồ Chí Minh đưa ra Hà Nội. Theo "lịch trình", cháu bé này sau đó bị bán sang Trung Quốc.

Giải cứu được cháu bé mới 10 ngày tuổi, tổ công tác phải đưa cháu vào Bệnh viện Nhi Trung ương để các bác sĩ chăm sóc.

Trong lúc làm thủ tục nhập viện, vì không ai biết tên cháu, lại đang lúc vội vàng nên anh em quyết định đặt tên là Phạm Hồng Quân – cùng tên với Thượng uý Quân.

Sau đó, cháu bé được đưa về làng trẻ S.O.S để nuôi dưỡng. “Chắc chắn sau này, cháu bé lớn lên sẽ tìm hiểu về nguồn gốc cái tên của mình. Chỉ thế thôi, tôi cũng vui lắm rồi” – Thượng uý Quân xúc động.

Với những chiến công đạt được trong công tác, Thượng uý Phạm Hồng Quân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; một bằng khen của UBND TP Hà Nội; được Giám đốc Công an thành phố Hà Nội công nhận Người tốt, việc tốt quý II, quý III-2011; là một trong 10 Gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc năm 2011; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2011; Đảng viên trẻ tiêu biểu Thủ đô 2012.

Đặc biệt, Thượng uý Quân là một trong 20 gương mặt được Bộ Công an tuyên dương: “Thanh niên Công an tiêu biểu làm theo lời Bác: Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” năm 2012 vào ngày 17 và 18-8.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.