Thương hiệu gạo A An chinh phục thị trường khó tính

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau sự kiện xuất khẩu thành công sang Nhật Bản, gạo A An sẽ tiếp tục góp mặt tại thị trường EU. Có thể thấy thương hiệu gạo Việt ngày càng có nhiều triển vọng và cơ hội tiến sâu vào các thị trường khó tính.

Thương hiệu gạo Việt đầu tiên chinh phục thị trường Nhật Bản

Cuối tháng 6/2022, Tập đoàn Tân Long thông báo gạo ST25 thương hiệu A An ra mắt thành công và chính thức được phân phối trên kệ hàng các siêu thị tại Nhật Bản. Đó không chỉ là tin vui đối với riêng một thương hiệu gạo Việt mà còn là dấu ấn khởi sắc khi giờ đây, gạo xuất khẩu đang trở thành câu chuyện của những nỗ lực đưa thương hiệu gạo Việt tiến ra thế giới.

Thương hiệu gạo A An chinh phục thị trường khó tính ảnh 1

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, đại diện Tập đoàn Tân Long, Ngân hàng Kiraboshi Nhật Bản và các đối tác tham dự sự kiện ra mắt gạo A An tại Nhật Bản

Sự kiện có sự chứng kiến của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, ngân hàng Kiraboshi Nhật Bản (đơn vị kết nối doanh nghiệp), đơn vị nhập khẩu Sun-Tommy và đơn vị phân phối Spice House. Đặc biệt hơn, đây cũng là thương hiệu gạo Việt đầu tiên được nhập khẩu vào Nhật Bản để phân phối đến người tiêu dùng.

Việc xuất khẩu thành công một thương hiệu gạo Việt Nam sang thị trường Nhật Bản là “một hành trình”, bởi quả thật đây là chặng đường không ít khó khăn. Các chính sách xuất khẩu, vấn đề kiểm định chất lượng và chi phí lớn là những trở ngại để các thương hiệu gạo Việt có thể tự tin xuất hiện tại thị trường cực kỳ khó tính như Nhật Bản.

Bên cạnh đó, gạo Việt lại từng bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Vì thế, gạo từ Việt Nam vào thị trường này sản lượng rất hạn chế và chủ yếu chỉ được sử dụng làm nguyên liệu để chế biến bánh hoặc tương miso.

Thương hiệu gạo A An chinh phục thị trường khó tính ảnh 2

Gạo ST25 A An vượt qua kiểm định hơn 450 tiêu chí về chất cấm để xuất khẩu thành công sang Nhật Bản

Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long, đơn vị đã đưa thành công gạo A An ST25 vào Nhật Bản - Gạo A An phải trải qua hơn 1 năm lựa chọn sản phẩm đạt yêu cầu về kỹ thuật và vượt qua đánh giá, phân tích kiểm định trên 450 tiêu chí dưới sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản để có thể chính thức xuất khẩu thành công vào thị trường này.

Đối với người tiêu dùng Nhật Bản, họ luôn đặt ra những yêu cầu rất cao về tính thẩm mỹ và cả chất lượng của loại gạo mà mình tin tưởng lựa chọn, sử dụng. Ngoài vấn đề về an toàn thực phẩm, gạo khi nấu phải đảm bảo được hương thơm tự nhiên, độ dẻo, vị ngọt, hạt cơm chắc. Việc này yêu cầu từ khâu chọn vùng đất để canh tác đến chọn giống, theo dõi từng kỹ thuật gieo trồng; từ thu hoạch đến đóng gói, bảo quản đều được kiểm soát chặt chẽ để giữ cho chất lượng hạt gạo luôn được đảm bảo.

Triển vọng đến với quốc tế của gạo Việt chất lượng cao

Thương hiệu gạo A An chinh phục thị trường khó tính ảnh 3

Tập đoàn Tân Long đang tích cực phát triển cánh đồng lớn thông qua mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cùng các Hợp tác xã kiểu mới

Một tin vui khác là gạo A An ST25 vừa qua cũng đã xuất hiện trong bữa ăn của Văn phòng Nội các Nhật Bản. Đây không chỉ là thành quả của riêng A An mà còn là thành công trong nỗ lực của các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Nhật Bản; doanh nghiệp chuyên cung cấp suất ăn tại các trường học, cơ quan công sở Nikokutrust và mối quan hệ tốt đẹp giữa A An với các đối tác Nhật Bản thông qua sự xúc tiến của Ngân hàng Kiraboshi.

Từ 100 tấn gạo đầu tiên, Tập đoàn Tân Long đang chuẩn bị kế hoạch tiếp tục xuất khẩu những lô hàng gạo ST25 mang thương hiệu A An tiếp theo vào Nhật Bản vào đầu năm 2023 với mức giá cao hơn gạo Thái Lan, thuộc phân khúc cao cấp bậc nhất thị trường này, sản lượng từ 100 - 200 tấn/chuyến và đều đặn trong năm.

“Thay vì đặt kỳ vọng quá lớn vào số lượng, chúng tôi muốn duy trì thị trường thật tốt vì chất lượng là cốt lõi và là yếu tố quan trọng nhất. Về phía đối tác tại Nhật Bản, gạo khi đã đưa vào thị trường phải được lưu trữ trong kho mát để bảo quản chất lượng. Về phía công ty, sản lượng xuất khẩu càng lớn đồng nghĩa với việc chuẩn bị và kiểm định chất lượng cho từng khâu trong toàn chuỗi từ nguồn đầu vào lúa gạo, sản xuất chế biến càng phải được đảm bảo trong quy mô lớn”, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long chia sẻ thêm.

Để đảm bảo chất lượng gạo đáp ứng được các thị trường xuất khẩu khó tính, Tập đoàn Tân Long cho biết đã, đang và sẽ đầu tư vào phát triển các cánh đồng lớn thông qua mối liên kết sản xuất - tiêu thụ với các hợp tác xã.

Tân Long cũng hoàn thiện và mở rộng hệ thống các nhà máy chế biến công nghệ cao, trong đó có nhà máy gạo Hạnh Phúc (Tri Tôn - An Giang) với quy mô lớn nhất và hiện đại nhất châu Á. Đó là điều kiện để đảm bảo được chất lượng sản phẩm luôn được kiểm soát, đáp ứng khả năng lưu trữ và sản xuất gạo quy mô lớn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh Nhật Bản, gạo ST24 A An cũng được xuất thành công sang thị trường Thụy Điển vào đầu năm 2022.

Đại diện Tập đoàn Tân Long cũng cho biết thêm, sắp tới thương hiệu gạo A An sẽ tiếp tục đưa gạo ST25 lúa tôm tham dự hội chợ tại Paris (Pháp) vào tháng 10 sắp tới, đồng thời tiếp tục làm việc với các đơn vị phân phối bán lẻ để có những chương trình xúc tiến, tạo tiền đề để sản phẩm gạo chất lượng cao tiến sâu hơn vào các thị trường cao cấp quốc tế bằng chính thương hiệu Việt Nam.

Bên cạnh Nhật Bản, gạo ST24 A An cũng được xuất thành công sang thị trường Thụy Điển vào đầu năm 2022. Đại diện Tập đoàn Tân Long cũng cho biết thêm, thương hiệu gạo A An sẽ tiếp tục đưa gạo ST25 lúa tôm tham dự hội chợ tại Paris (Pháp) vào tháng 10 sắp tới, đồng thời tiếp tục làm việc với các đơn vị phân phối bán lẻ để có những chương trình xúc tiến, tạo tiền đề để sản phẩm gạo chất lượng cao tiến sâu hơn vào các thị trường cao cấp quốc tế bằng chính thương hiệu Việt Nam.

MỚI - NÓNG