Báo chí Trung Quốc mô tả cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến ngày 16/11 (giờ Trung Quốc) giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden đã diễn ra “thẳng thắn, xây dựng, thực chất và hiệu quả”. Một quan chức Trung Quốc cho biết, cuộc gặp diễn ra lâu hơn dự kiến và hai bên đã thảo luận hàng loạt vấn đề, từ Đài Loan đến thương mại, Triều Tiên, Afghanistan và Iran.
“Trách nhiệm của chúng ta trên cương vị lãnh đạo đất nước là phải bảo đảm rằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc không dẫn đến xung đột, dù cố ý hay vô ý”, Reuters dẫn lời ông Biden trong cuộc gặp. “Đơn giản thôi, hãy cạnh tranh thẳng thắn”, nhà lãnh đạo Mỹ nói. Tổng thống Biden cho biết sẽ giải quyết những vấn đề Mỹ quan tâm, như nhân quyền và các vấn đề khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Gọi ông Biden là một “người bạn cũ”, ông Tập nói rằng, hai bên cần tăng cường trao đổi và hợp tác để giải quyết những thách thức chung. “Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường trao đổi và hợp tác”, ông Tập nói qua phiên dịch.
Không có ý nào trong bản thông cáo về cuộc gặp mà hai bên đưa ra cho thấy hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã dịu giọng trong bất kỳ căng thẳng nào, nhất là trong vấn đề Đài Loan, và cũng chưa có kết quả cụ thể nào được công bố. “Có vẻ họ đã trao đổi quan điểm về mọi thứ, nhưng không công bố quyết định hay chính sách nào. Có thể điều đó sẽ được thông báo trong những ngày tới. Nếu không, cuộc gặp này sẽ chỉ mang ý nghĩa diễn giải lập trường cơ bản của hai bên. Họ đồng ý với nhau rằng, quan hệ song phương Mỹ - Trung cần có sự ổn định, nhưng họ không thống nhất về cách đạt được điều đó”, ông Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington, nói với Reuters.
Sau cuộc gặp, một quan chức cấp cao Mỹ nói với báo giới rằng, mục đích của Mỹ trong cuộc trao đổi này không nhất định là giảm căng thẳng, và đó cũng không phải kết quả cần đạt được. “Chúng tôi không chờ đợi một sự đột phá. Không có bước đột phá nào để báo cáo”, vị quan chức nói.
Chỉ là khởi đầu
Báo chí Trung Quốc đưa tin, ông Tập bày tỏ hy vọng ông Biden thể hiện vai trò lãnh đạo chính trị bằng cách đưa chính sách của Mỹ với Trung Quốc trở lại quỹ đạo “hợp lý và thực tế”. Nhưng có vẻ Bắc Kinh không đưa ra động lực nào, mà chỉ có những cảnh báo đáng ngại. Ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu về châu Á dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và nay đang công tác tại Hội châu Á, nhấn mạnh rằng, phải mất 10 tháng để hai nhà lãnh đạo đồng ý gặp mặt, dù chỉ là trực tuyến, và sau này có thể còn những dịp gặp khác.
“Chúng ta nên nghĩ đây không chỉ là một cuộc thượng đỉnh duy nhất mà là một trong chuỗi hoạt động trao đổi quan trọng để có thể đưa quan hệ song phương theo hướng ổn định hơn, trong khi hai bên tiếp tục cạnh tranh”, ông Russel nói. “Hy vọng rằng phía Trung Quốc sẽ trao quyền cho các nhóm để họ tổ chức những cuộc đàm phán ở cấp thấp hơn. Đây chỉ là khởi đầu của một quá trình tìm ra hố sâu và điều đó đòi hỏi sự trao đổi thường xuyên giữa hai nhà lãnh đạo”, ông nhận xét.
Ông Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie - Thanh Hoa tại Bắc Kinh và là cựu quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cho rằng, dù cuộc gặp lần này giúp ổn định quan hệ trong tương lai gần, nhưng “những thách thức cấu trúc dài hạn trong quan hệ Mỹ - Trung chưa được giải quyết theo bất kỳ cách nào đáng kể”.
Ðối với vấn đề Ðài Loan, ông Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc sẽ có những biện pháp quyết định nếu các lực lượng đòi độc lập vượt qua vạch đỏ, nhưng cho rằng Mỹ và Trung Quốc “giống như hai con tàu không nên đâm vào nhau”.
Dù thiếu tiến triển rõ ràng nhưng một số nhà phân tích Trung Quốc vẫn đưa ra những đánh giá lạc quan. Ông Wang Huiyao, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hoá ở Bắc Kinh, cho rằng, cuộc gặp gửi đi những tín hiệu rất tích cực. “Tôi nghĩ sự kiện này sẽ chặn đà lao dốc trong quan hệ song phương và sẽ ổn định quan hệ Mỹ - Trung trong một thời gian”, ông Wang nói. Chuyên gia này cho rằng, cuộc gặp cũng sẽ giúp giảm căng thẳng ở eo biển Đài Loan.
Ông Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc ĐH Phúc Đán ở Thượng Hải, cho rằng, cuộc gặp tiếp tục xu thế tích cực để cải thiện quan hệ song phương, sau khi hai nhà lãnh đạo có cuộc điện đàm vào tháng 9. “Tôi nghĩ cả hai bên sẽ chuyển chú ý sang tăng cường hợp tác và quản lý hiệu quả hơn các khác biệt, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của xích mích đối với quan hệ song phương”, ông Wu nhận định.