> Quốc ca: 'Văn Cao có sửa thì sửa'
> Lý Nhã Kỳ đến Cannes và khoe váy áo
Hậu Cannes, Lý Nhã Kỳ tuyên bố sẽ đưa một số nhãn hiệu kim cương mới về Việt Nam (nên một báo giật tít “Chứng cứ khẳng định Lý Nhã Kỳ đi buôn ở Cannes”).
Khi đi nói xống áo khi về nói kim cương nhưng dù sao chắc còn hơn nói về nghệ thuật! (“Sắp tới tôi có một số dự án nghệ thuật” cũng là câu ưa thích của Lý Nhã Kỳ).
Chuyện cô lên truyền thông nước ngoài nói mình vẫn là “đại sứ du lịch”, theo Nhã Kỳ chẳng có gì sai trái vì đã ai thay cô đâu, tuy nhiên người phát ngôn Bộ VH-TT&DL đã lên tiếng phản bác. Giờ thì có lẽ Bộ đã hiểu “thả gà ra đuổi” là thế nào, “đại sứ hàng hiệu” là thế nào!
Bạn đọc Tiền Phong phản hồi khá đông sau bài báo “Văn Cao có sửa thì sửa” trên số báo ra ngày 6/6. Cá biệt có những ý kiến quyết liệt như: “Dù không muốn nhưng đường vinh quang vẫn có thể tiếp tục xây bằng xác quân thù, cho nên không sửa sang gì cả”.
Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Thực ra hồi thi Quốc ca mà để Tây chấm, tay bo hoàn toàn về nghệ thuật thì chưa chắc Văn Cao đã thắng đâu. Nhưng lại để dân chấm thì ai vượt được ông ấy! Vì Tây làm gì có kỷ niệm, có quá khứ, làm sao hiểu được cả một giai đoạn lịch sử trong khi “Tiến quân ca” đã ngấm vào máu của người dân Việt Nam, nhạc cử lên là nghẹn ngào”.
“La Marseillaise” lừng danh- Quốc ca của Pháp, nhiều câu có thể nói là sắt máu- nói đến lá cờ vấy máu, cắt cổ, kẻ thù và cái giá phải trả..v.v.. Dẫn chứng như vậy không phải để thanh minh cho “Tiến quân ca” bởi những người không thích “Đường vinh quang xây xác quân thù” hẳn có cái lý của họ, nhưng cứ tinh thần xét lại đó mà xử, e rằng phải sửa không chỉ Quốc ca! Phải thải loại khối thứ! “Tôi muốn viết những dòng thơ tươi xanh/Vẫn nóng viết những dòng thơ lửa cháy”.
Và ai cũng biết không phải thơ lửa cháy nào của Tố Hữu cũng đầy nghệ thuật. Đơn cử “Má hét lớn: Tụi bay đồ chó!/ Cướp nước tao, cắt cổ dân tao/ Tao già không sức cầm dao…” (“Bà má Hậu Giang”, một thời gian dài được dạy trong nhà trường).
Một phần đề thi văn tốt nghiệp năm nay na ná đề thi đại học khối D năm ngoái, đều phân tích tâm lý nhân vật Mỵ vợ A Phủ trong một cảnh huống. Về mô típ quen thuộc này, có một lý lẽ rằng: Đã có trong chương trình học thì cứ ra đề thôi, vì cũng chỉ có chừng ấy bài.
Học “Vợ chồng A Phủ”để hiểu thêm một mảng hiện thực miền núi trong giai đoạn lịch sử nhất định nhưng ưu ái quá, quả thực dễ gây ấn tượng chỉ vì vùng sâu vùng xa. Và áp đặt trong cảm thụ.
Đề thi thời chúng tôi thỉnh thoảng yêu cầu phân tích “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố và chúng tôi được dạy rằng: Không được quên nêu hạn chế của tác phẩm cũng là hạn chế của dòng văn học hiện thực phê phán, biểu hiện ở câu kết- chứng tỏ sự bi quan, bế tắc. Trong khi ngay từ hồi ấy đã thấy đó là câu kết đắt giá của “Tắt đèn”: “Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị”.
Thời đó, được quán triệt định hướng văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa nên có đứa còn đẩy sự việc xa hơn nữa: “Em tin rằng nếu được giác ngộ kịp thời, chị Dậu rất có thể trở thành một quần chúng tốt của Đảng, thậm chí hơn thế nữa”.
Giáo sư Bùi Duy Tân dạy văn học cổ ở Tổng hợp Văn thầy của chúng tôi, là người nổi tiếng ra đề không giống ai- nói là hóc cũng được mà dễ hơn ăn cũng được. Muôn năm cũ nhưng tha hồ tung tẩy. Ví dụ: “Nhân nghĩa và nhân nghĩa trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi”. Cái phần để sinh viên tha hồ khoe tài, thả cả hồn thời đại vào, chính là chữ “nhân nghĩa” thứ nhất trong đề bài.