Thuốc nam phòng trị bệnh quai bị

Thuốc nam phòng trị bệnh quai bị
TP - Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus. Virus gây bệnh quai bị được  Johnson và Goodpasture phát hiện năm 1934 và được y học xếp vào nhóm Paramyxovirus.

Từ năm 1967, sau khi khoa học tìm ra được vaccine phòng ngừa quai bị, bệnh  không còn là thứ dịch bệnh có tính toàn cầu như trong quá khứ, tuy nhiên hàng năm vẫn có một tỷ lệ nhất định bệnh nhân bị mắc bệnh này.

Thuốc nam phòng trị bệnh quai bị ảnh 1
Thổ phục linh

Bệnh quai bị lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành, qua hơi thở, các hạt nước bọt,  bát đũa, thức ăn có chứa virut ... nên bệnh nhân cần cách ly để tránh lây lan. Quai bị có thể xuất hiện ở mọi nơi, từ thành thị cho tới nông thôn, và dễ bùng phát thành dịch ở những nơi tập trung đông người, như nhà trẻ, trại trẻ mồ côi, trường học...

Bệnh quai bị có thể xuất hiện quanh năm, nhưng hay gặp nhất trong mùa đông  xuân và  thường lên tới cao điểm trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng  5.

Bệnh hay gặp nhất ở trẻ nhỏ từ 5-9 tuổi. Còn gặp ở tuổi vị thành niên, người đã trưởng thành thì bệnh tình thường nghiêm trọng hơn.  Tỷ lệ mắc bệnh ở bé trai cao hơn bé gái;  Hiếm khi gặp ở trẻ dưới 2 năm tuổi. Bé trai trên 12 tuổi bị quai bị, cần hết sức cảnh giác với các biến chứng ở tinh hoàn, dẫn tới vô sinh.

Khi mắc bệnh, ban đầu bệnh nhân cảm thấy đau và sưng ở góc hàm. Thông thường, khởi đầu chỉ một bên hàm sưng đau, sau đó mới lan sang hàm kia; nhưng có những trường hợp ngay từ đầu cả hai hàm đều bị sưng đau.

Vị trí sưng đau tập trung ở dưới dái tai, vùng sưng đau không có  ranh giới rõ ràng, màu sắc da vẫn  bình thường, không nóng đỏ, có tính đàn hồi; Đau cục bộ hoặc  ấn thấy đau. Khi há miệng, nhai, nuốt thì đau tăng lên; Có thể kèm theo phát sốt, buồn nôn, chán ăn, buồn ngủ ...

Quai bị nói chung là một bệnh lành tính, nhưng cũng có trường hợp ngoài hiện tượng gây sưng đau tuyến nước bọt, virut quai bị còn gây tổn thương một số bộ phận khác của cơ thể, nhưng các tổn thương đó thường có triệu chứng không điển hình và diễn biến lành tính.

Biến chứng nguy hại, hay gặp nhất là viêm tinh hoàn; Thường gặp  ở bé trai trên 12 tuổi, hiếm gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 năm tuổi và người lớn trên 40 tuổi. Biến chứng xuất hiện sau khi sưng tuyến mang tai 1-2 tuần: Tinh hoàn đau và sưng to gấp 3-4 lần kích thước lúc bình thường.

Thường sưng 1 bên, cũng có thể sưng cả 2 bên, khoảng sau 2 tuần thì hết sưng. Nhưng phải sau 2 tháng mới đánh giá được tinh hoàn có teo hay không. Tỷ lệ teo tinh hoàn do quai bị là 30-40%. Nếu bị teo cả 2 tinh hoàn thì khả năng vô sinh rất cao.

Tây y  hiện tại vẫn chưa có loại thuốc đặc hiệu điều trị quai bị. Dùng kháng sinh không có tác dụng. Biện pháp chủ yếu là cách ly bệnh nhân (tối thiểu 2 tuần), cho bệnh nhân nghỉ ngơi, ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu, hạn chế đi lại và vận động mạnh,  nhất là đối với thanh niên  đang trong thời gian sốt và sưng tuyến nước bọt (4-5 ngày đầu). Ngoài ra, Tây  y thường áp dụng một số biện pháp “đối chứng trị liệu”, để chữa triệu chứng, như chườm nóng, dùng thuốc an thần, giảm đau, chống viêm...

Bệnh quai bị, trong Đông y gọi là “trá tai”; Được xếp vào Nhi khoa, do trẻ nhỏ thường hay bị mắc. Theo Đông y, “trá tai” là một loại bệnh có tính thời khí (phát tác theo mùa), do “phong ôn tà độc” gây nên. “Phong ôn tà độc” từ mũi, miệng xâm phạm chủ yếu vào kinh thiếu dương đảm, uất kết lại, hóa thành hỏa độc, mà gây nên bệnh, dẫn tới các triệu chứng phát sốt, mang tai sưng đau ...

Thiếu dương là đường kinh có vị trí “bán biểu bán lý” (trung gian, ở giữa phần ngoài (biểu) và phần trong (lý) cơ thể) và có quan  hệ mật thiết với kinh can. Từ kinh thiếu dương, nếu tà độc ngoại xuất (chuyển ra phía ngoài) sẽ thành “biểu chứng” (bệnh phát ở bì phu, phần ngoài cơ thể, thể bệnh nhẹ);

Nếu nội nhập (đi vào bên trong) sẽ thành “lý chứng”, phát tác ở bên trong, tương đối nặng; Nếu bệnh tà từ kinh đảm truyền sang kinh can, sẽ gây biến chứng ở tinh hoàn (vì đường tuần hành của kinh can vòng qua tinh hoàn): Nếu nhiệt tà nhập vào tâm bào, sẽ dẫn tới một thể bệnh nặng, với các triệu chứng như kinh quyết (co giật), hôn mê ...

Để chữa trị quai bị, Đông y chủ yếu sử dụng các vị thuốc có tác dụng “thanh nhiệt giải độc” (để giải trừ tà độc, lập lại cân bằng âm dương trong cơ thể) và “nhuyễn kiên tán kết” (để làm mềm, tiêu sưng thũng, giảm đau). Kinh nghiệm thực tế trên lâm sàng cho thấy, thuốc Đông y có tác dụng rút ngắn bệnh trình, cải thiện bệnh tình, giảm nhẹ các triệu chứng và phòng ngừa biến chứng rất tốt.

Trừ trường hợp có biến chứng tinh hoàn và “tà nhập tâm bào” (gây co giật, hôn mê...) cần kịp  thời đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa, đối với các trường hợp còn lại, trong điều kiện gia đình, tùy theo tình hình cụ thể, có thể chọn dùng một trong số các bài thuốc sau:

Bài thuốc cơ bản:

Phương thuốc 1: Kinh giới 12g, sài đất 22g, kim ngân 16g, thổ phục linh 12g, chỉ thiên 12g, sài hồ (có thể thay thế bằng cây lức) 12g, cam thảo 6g (có thể thay bằng cam thảo nam 8g), bạc hà 8g (cho vào sau). Tất cả các vị thuốc cho vào ấm đổ 600ml nước, sắc lấy 300ml, chia thành 3 phần uống trong ngày; uống liên tục đến khi khỏi hẳn.

Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ phong. Dùng trong trường hợp bệnh tình tương đối nhẹ, tà độc từ thiếu dương chuyển ra phần biểu, với những triệu chứng:  Sốt  nhẹ kèm theo sợ lạnh, đau đầu, ho nhẹ, đau vùng mang tai, khi há miệng và nuốt đau tăng; tiếp theo một hoặc hai tuyến mang tai sưng  đau, ranh giới không rõ ràng, hoặc kèm theo họng đỏ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác.

Phương thuốc 2: Hoàng cầm 6g, hoàng liên 3g, ngưu bàng tử 3g, huyền sâm 10g, cát cánh 3g, bạc hà 3g (cho vào sau), bạch cương tàm 6g, hạ khô thảo 10g, bồ công anh 10g, đại thanh diệp 10g, chi tử 6g. Sắc và uống giống Phương thuốc 1.

Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, nhuyễn kiên tán kết. Dùng trong trường hợp nhiệt tà ứ đọng ở phần lý, bên trong cơ thể, với các triệu chứng: Sốt cao phiền táo, đau đầu, miệng khát thích uống nước lạnh, kém ăn, mang tai sưng to, trướng đau, cứng, cự án (ấn đau); Khó nuốt; Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.

Thuốc bôi ngoài:

Hạt gấc 3-4 hạt, cói quai bị (hoặc chiếu rách) một nhúm - khoảng 5-6g. Tất cả đem đốt cháy thành than, nghiền thành bột mịn, trộn với chút dầu vừng thành cao lỏng, bôi vào chỗ sưng đau, ngày bôi  2-3 lần.

Dùng  hạt gấc mài với giấm thanh cho sền sệt mà bôi vào chỗ quai bị; mỗi ngày bôi 5-7 lần.

Dùng nước cốt đầu của miếng trầu, nhai với nhiều thuốc lào bôi vào chỗ quai bị - mỗi ngày bôi 5-7 lần; hoặc lấy bông thấm nước cốt thuốc đặt vào chỗ quai bị rồi băng cố định lại, bông khô lại thay miếng khác.

Trường  hợp tinh hoàn bị sưng đau: Dùng hạt thì là 40g (nếu có điều kiện dùng tiểu hồi 30g, tác dụng càng tốt), hạt quít 10g, muối ăn 10g. Cả ba thứ đem sao nóng, bọc vào gạc hoặc vải màn, chườm lên chỗ sưng đau.

Món ăn - bài thuốc:

Có tác dụng hỗ trợ trong quá trình điều trị  quai bị

Bài 1: Trứng gà 1 quả, xác rắn 1,5g. Xác rắn cắt nhỏ, trộn với trứng, rán chín ăn. Mỗi ngày ăn hai lần, liên tục cho đến khi bệnh đỡ thì ngừng.

Bài 2: Đậu xanh 100g, đậu tương 100g, đường đỏ 120g. Đậu xanh và đậu tương nấu với nước cho chín nhừ, sau đó cho đường vào trộn đều. Chia thành 2-3 lần ăn trong ngày; ăn liên liên tục cho đến khi bệnh đỡ thì ngừng.

Bài 3: Đậu xanh 100g, nõn bắp cải (phần lá non trong lõi) 30g,  gạo tẻ 50g. Nấu đậu xanh và gạo cho đến khi cháo gần chín thì cho nõn bắp cải vào, đun thêm khoảng 15-20 phút là được; chia thành 2-3 lần ăn trong ngày; ăn liên tục trong 4 ngày.

MỚI - NÓNG