Theo GS.TS Trần Quỵ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, trong tủ thuốc gia đình ngày Tết, tối thiểu phải có những loại thuốc dưới đây:
1. Thuốc về đường tiêu hoá
Trong ngày Tết, việc ăn uống thường bị đảo lộn, không theo một giờ giấc, chế độ nào, điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến đường tiêu hoá của bạn.
Cùng một lúc, ăn quá nhiều loại thức ăn, kẹo bánh, nước ngọt, rượu bia… có thể khiến bạn bị đầy hơi, táo bón, tiêu chảy. Nếu không có thuốc hỗ trợ, bạn sẽ rất khó chịu.
Do vậy, nên dự trữ một ít thuốc trị đầy hơi, khó tiêu, thuốc tiêu chảy trong tủ thuốc gia đình đề phòng những tình huống do ăn uống.
2. Orezon
Ngày Tết, rất hay xảy ra tình trạng bị ngộ độc thực phẩm do ăn phải thức ăn ôi thiu, ăn nhiều loại thức ăn… Ở mức độ nhẹ, người bệnh sẽ bị đi ngoài phân lỏng và khi số thức ăn đó được tiêu hoá hết sẽ không còn bị đi ngoài. Tuy nhiên, nếu bị đi ngoài nhiều, người bệnh sẽ bị mất nước, do vậy, cần được bù lượng nước đã mất bằng orezon.
Cần dự phòng nhiều thuốc orezon đề phòng trong gia đình có nhiều người bị tiêu chảy (do nhiều nguyên nhân, kể cả do ngộ độc thức ăn hay do các nguyên nhân khác).
Khi pha orezon phải theo đúng tỉ lệ hướng dẫn ghi trên thuốc tránh tình trạng pha đặc hay loãng đều làm giảm tác dụng của thuốc. Cần lưu ý đến hạn sử dụng trước khi dùng thuốc.
3. Thuốc cảm
Khi bị nhức đầu, sổ mũi mà không có thuốc uống bạn sẽ rất khó chịu. Trong khi đó, ngày Tết, mọi người thường chủ quan đi chơi không đội mũ nón, che khẩu trang… nên rất dễ bị cảm. Cần uống thuốc ngay khi mới có dấu hiệu cảm để bệnh không bị nặng hơn.
4. Những loại thuốc khác
Ngoài những thuốc kể trên, bạn cũng nên dự trữ một vài miếng Urgo phòng khi chế biến thức ăn bị đứt tay; bông băng, dung dịch muối loãng để rửa vết thương, vitaminC…
Ngoài ra, bạn cũng có thể dự trữ một số loại thực phẩm nhưng lại có công dụng rất tốt trong điều trị một số bệnh hay gặp. Gừng có tác dụng chữa cảm lạnh rất tốt. Sau khi bị nhiễm lạnh được uống một ly trà gừng nóng sẽ rất tốt cho bạn. Tỏi và gừng cũng có tác dụng tốt trong điều trị rối loạn tiêu hoá do ăn uống.
Còn với những người bị một số bệnh mãn tính: tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp… luôn cần phải dự trữ sẵn thuốc. Tuy đã có thuốc dự phòng nhưng người bệnh cần lưu ý, không được “dễ dãi” trong ăn uống, ăn quá nhiều kẹo bánh, uống rượu bia… khiến huyết áp, đường huyết bị lên đột ngột rất khó kiểm soát.
Theo Tuổi trẻ/Dân Trí