Dù thuế hay giá sữa nhập khẩu tăng, người tiêu dùng vẫn chưa từ bỏ tâm lý sính hàng ngoại Ảnh: Hồng Vĩnh |
Trong công văn, Bộ Tài chính đề nghị các bộ phải có ý kiến phản hồi trước ngày 24/2, để chính thức có công văn báo cáo Chính phủ. Như vậy là chỉ còn bốn ngày để các bộ tranh luận, trong bốn ngày đó lại có tới hai ngày nghỉ là Thứ Bảy và Chủ nhật.
Điều chỉnh thuế theo đúng cam kết WTO
Trong văn bản mới nhất gửi cho các bộ Công Thương, KH&ĐT; NN&PTNT, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, do ngành chăn nuôi của nước ta mới chỉ cung cấp được 20 phần trăm nhu cầu sản xuất, còn lại phải nhập nguyên liệu chế biến (bao gồm sữa bột và sữa tươi) từ bên ngoài. Từ nhận định này, theo Bộ Tài chính, sản phẩm cạnh tranh với sữa tươi trong nước là sữa tươi chưa chế biến và sữa tươi uống liền nhập ngoại.
Do vậy, Bộ Tài chính chỉ thống nhất việc điều chỉnh thuế trở lại theo đúng cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đối với sữa tươi nhập. Còn sữa bột vẫn giữ nguyên mức thuế, tức chỉ bằng một nửa so với cam kết WTO mà chúng ta áp dụng từ tháng 10/2007 đến nay.
Trong công văn, Bộ Tài chính đưa ra số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan về nhập sữa vào Việt Nam. Theo đó, kim ngạch nhập sữa tươi năm 2008 chỉ 5,2 triệu USD, trong khi sữa bột là gần 320 triệu USD. Như vậy, sữa tươi nhập khẩu chỉ chiếm hơn một phần trăm kim ngạch nhập khẩu sữa.
Giải thích về tỷ lệ quá nhỏ này, theo ông Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH- CN & MT của Quốc hội, sữa bò tươi khó có thể nhập vào Việt Nam vì không thể vận chuyển được. Thời gian bảo quản loại sữa này chỉ trong hai ngày ở nhiệt độ 2- 4 độ C. Đối với sữa tươi thanh trùng cũng chỉ bảo quản được trong năm ngày ở nhiệt độ 6- 12 độ C.
Với thời gian hạn hẹp như vậy thì không thể vận chuyển sữa tươi bằng đường thuỷ. Cách duy nhất đưa vào Việt Nam là vận chuyển qua đường hàng không, nhưng doanh nghiệp không thể chịu được mức phí năm USD/kg. Hơn nữa, sữa tươi nhập về thực chất là sữa tiệt trùng, được xử lý ở nhiệt độ cao nên khả năng dinh dưỡng thấp không thể cạnh tranh với sữa bò tươi trong nước.
Chính từ thực tế này, các doanh nghiệp không hề mặn mà trong việc nhập khẩu sữa tươi. Sản phẩm mà các doanh nghiệp đang hưởng siêu lợi nhuận là sữa bột. Sữa bột gầy được nhập về để hoàn nguyên thành sữa nước và bán lẫn lộn bằng giá với sữa bò tươi trong nước.
Sữa bột nguyên kem được bổ sung vi lượng, khoáng chất rồi đóng hộp. Nhà nước muốn điều tiết thì phải đánh vào chỗ này, nhưng không hiểu vì lý do gì Bộ Tài chính lại bỏ qua.
Điều chỉnh thuế- ai được lợi?
“Nếu kiến nghị của chúng tôi không được thực thi, người tiêu dùng Việt Nam đến bao giờ mới được sử dụng sữa tốt nhất là sữa bò tươi. Mục tiêu đưa vùng nguyên liệu sữa trong nước chiếm 40 phần trăm thị phần cũng không thể thực thi” - Ông Nguyễn Xuân Dương nói. |
Theo ông Nguyễn Xuân Dương- Cục phó Cục Chăn nuôi Bộ NN&PTNT, chính sách thuế đối với sữa nhập hiện nay đang có lợi cho doanh nghiệp chế biến, kinh doanh.
“Chúng tôi không bảo hộ nông dân mà chúng tôi chỉ đi tìm sự công bằng”- Ông Dương nói. Cuối năm 2007, khi lạm phát tăng cao, để bình ổn thị trường, Nhà nước chấp nhận mất nguồn thu để giảm thuế nhập khẩu sữa. Hy vọng khi Nhà nước thất thu một phần, người tiêu dùng được uống sữa giá rẻ. Vậy nhưng chính sách này không thu được hiệu quả. Hơn một năm nay, chả doanh nghiệp sữa nào chịu giảm giá bán.
Khi giá nguyên liệu tăng thì doanh nghiệp không giảm giá là chuyện đương nhiên. Còn hiện tại giá nguyên liệu giảm còn một nửa, giá một lít sữa hoàn nguyên về Việt Nam chỉ còn trên dưới 4.000 đồng (lúc cao điểm là trên 8.000 đồng/lít), các doanh nghiệp vẫn không có động tĩnh gì, thậm chí còn dọa tăng giá tiếp. Đó là chưa kể đến việc sữa bột hoàn nguyên chất lượng thấp hơn nhiều so với sữa bò tươi trong nước. Như vậy, người tiêu dùng thiệt đơn thiệt kép khi mua sữa giá cao nhưng chất lượng thấp.
Nông dân sản xuất nguyên liệu sữa bò tươi thì bị sữa bột nhập ngoại ép đến chân tường, đến nỗi phải đổ sữa xuống mương. Các doanh nghiệp chế biến ép giá nông dân từ hơn 8.000 đồng/kg sữa tươi xuống còn dưới 7.000 đồng/lít và bây giờ là 5.000- 6.000 đồng/lít. Đã thế họ còn phải bán chịu, cả tháng sau mới lấy được tiền.
Ông Nguyễn Đăng Vang bức xúc: “Chúng ta không thể hy sinh mãi quyền lợi của hàng chục triệu người tiêu dùng, của hơn 20 vạn nông dân nuôi bò để cho vài chục doanh nghiệp sữa trục lợi”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú giãi bày, bây giờ doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường thì phải để cho thị trường điều tiết. Quyền của người tiêu dùng ở đây là có mua sản phẩm hay không.
Thế nhưng, tăng thuế nhập khẩu sữa tươi, các doanh nghiệp kinh doanh sữa bột càng mừng, đồng nghĩa với việc khuyến khích họ nhập sữa bột về hoàn nguyên. Động thái này cũng khiến một số ít doanh nghiệp đang đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trong nước để lấy sữa bò tươi xem lại chính sách của mình, chuyển hướng sang nhập khẩu sữa bột để hoàn nguyên. Nông dân nuôi bò trong nước thêm một lần khốn đốn.
Có hay không việc dàn xếp để doanh nghiệp hưởng lợi? Ông Nguyễn Đăng Vang nói: “Tôi nghĩ rất khó. Còn nếu đúng như vậy thì việc này rất nghiêm trọng”. Chúng tôi cũng không tin rằng một vài doanh nghiệp có thể lobby được chính sách bởi các cơ quan nhà nước phải vì lợi ích chung của quốc gia mà đưa ra quyết sách của mình.
Thu hồi lợi nhuận của doanh nghiệp nếu... Trả lời Tiền Phong ngày 20/2, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho biết, sở dĩ Bộ Tài chính chưa nhất trí với đề nghị tăng thuế nhập khẩu sữa bột theo đề xuất trước đó của Bộ NN&PTNT là vì tăng thuế nhập khẩu sữa trong bối cảnh này sẽ làm tăng giá sữa và làm khó cho người tiêu dùng. Mức thuế này hiện đang là 10 - 15 phần trăm. Thay vào đó, Bộ Tài chính sẽ xem xét tăng thuế trở lại đối với các mặt hàng thuộc nhóm sữa tươi chưa chế biến hoặc sữa tươi uống liền từ 5 phần trăm lên 15 phần trăm. Ông Thỏa cho hay, đến thời điểm này, Cục vẫn đang chờ kết quả báo cáo của đoàn công tác đi kháo sát thị trường nắm tình hình giá sữa. Việc kiểm tra sẽ dựa trên mấy yếu tố như doanh nghiệp có đăng ký tăng giá hay không; các yếu tố hình thành giá có được kiểm soát. “Nếu thấy giá sữa bất hợp lý, chúng tôi sẽ kiến nghị ngay cơ quan thuế thu hồi lợi nhuận”- Ông Thỏa nhấn mạnh. |