Thuế nhập khẩu linh kiện về 0% - ôtô lắp ráp hy vọng giảm giá

Chính phủ sẽ ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ôtô 0% cho 5 năm 2018-2022 với điều kiện hãng phải đạt sản lượng theo quy định.

Hôm 16/11, Chính phủ ban hành Nghị định 125/2017 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016 về biểu thuế xuất, nhập khẩu hàng hóa. Văn bản này có thêm điều khoản quy định về "Thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ôtô nhập khẩu theo chương trình ưu đãi thuế".

Các hãng lắp ráp xe trong nước sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu linh kiện là 0% nếu đạt được sản lượng quy định theo bảng dưới đây, áp dụng cho xe con dưới 9 chỗ. Đây là đề xuất mà Bộ Tài chính đã trình chính phủ từ tháng 8. Nghị định này áp dụng cho khoảng 30 bộ linh kiện chính, mã hải quan từ 98.49.11 đến 98.49.40.

Chú thích:
GĐ 1: giai đoạn 1 - từ 1/1 đến 30/6. Giai đoạn 1 năm 2018 tính ngay từ thời điểm Nghị định này có hiệu lực, tức từ 16/11/2017 đến 30/6/2018.
GĐ 2: giai đoạn 2 - từ 1/7 đến 31/12.

Thuế nhập khẩu linh kiện về 0% - ôtô lắp ráp hy vọng giảm giá ảnh 1 Sản lượng tối thiểu cần đạt của hãng, áp dụng cho xe con dưới 9 chỗ, động cơ 2.5 trở xuống.

Trong giai đoạn một, tức nửa đầu 2018 tới đây, các hãng sản xuất xe con (dưới 9 chỗ, động cơ 2.5 trở xuống) muốn được ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện 0% phải đảm bảo hai điều kiện sản lượng chung từ 8.000 xe trở lên và một mẫu xe cam kết phải từ 3.000 xe trở lên.

Ví dụ tổng các mẫu xe lắp ráp của Toyota (Vios, Innova, Altis, Camry) phải đạt sản lượng tối thiểu 8.000 xe. Bên cạnh đó, mẫu xe cam kết tiềm năng nhất là Vios phải đạt 3.000 xe. Nếu Vios đạt, linh kiện của cả bốn dòng xe lắp ráp đều được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% chứ không chỉ riêng linh kiện dành cho Vios.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng ban kế hoạch chiến lược Toyota Việt Nam cho biết, con số này không khó để đạt được. Nếu một xe bán khoảng 500 chiếc mỗi tháng, thì lượng xe cần sản xuất tối thiểu trong một giai đoạn 6 tháng đã là 3.000 chiếc. Ba hãng tiềm năng nhất chắc chắn đạt là Trường Hải, Hyundai Thành Công và Toyota. Honda cũng có thể đạt được nhờ có City.

Đại diện của Hyundai, Trường Hải cũng đánh giá Nghị định này là cần thiết để không tạo ra sự chênh lệch giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu trong bối cảnh xe nhập khẩu từ ASEAN được hưởng thuế nhập khẩu nguyên chiếc 0% từ 2018. Tuy vậy các chuyên gia cũng cho rằng quy định này gây khó cho các hãng nhỏ, dập tắt hy vọng muốn lắp ráp xe ở Việt Nam. Những cái tên như Suzuki, Mitsubishi vốn có thị phần khiêm tốn, doanh số không cao để sản xuất tới 3.000 xe trong 6 tháng.

"Xe lắp ráp của các hãng này sẽ khó lòng cạnh tranh với các ông lớn. Khi không thể cạnh tranh, buộc phải chuyển sang nhập khẩu", ông Tuấn phân tích. Các hãng nhỏ cũng cho rằng, lẽ ra tất cả các mẫu xe lắp ráp của các hãng đều phải được hưởng ưu đãi này, chứ không phải có điều kiện về sản lượng.

"Nghị định này sẽ khiến hãng lớn càng mạnh lên, hãng nhỏ càng yếu thế", một giám đốc trong ngành lo ngại.

Ông Tuấn cho rằng Việt Nam bây giờ mới áp dụng miễn thuế linh kiện là đã muộn. Chính sách này nên được tiến hành từ 5-10 năm trước, để tạo lợi thế cho xe lắp ráp chứ không phải đến khi xe nhập khẩu hưởng thuế 0% thì xe lắp ráp mới chạy theo.

Nghị định 125/2017 sẽ chi phối kế hoạch sản phẩm của các hãng lắp ráp. Theo đó, mẫu xe cam kết phải là xe con dưới 9 chỗ, dung tích động cơ 2.5 lít trở xuống và mức tiêu hao nhiên liệu dưới 7,5 lít/100 km. Xe động cơ dưới 2.5 thôi chưa đủ, còn phải đảm bảo mức tiêu hao nhiên liệu. Quy định này sẽ khiến các hãng tập trung vào một sản phẩm là xe cỡ nhỏ. Toyota là Vios, Hyundai Thành Công là i10, Trường Hải là Mazda3 và Honda là City.

Thuế nhập khẩu linh kiện về 0% - ôtô lắp ráp hy vọng giảm giá ảnh 2 Xe lắp ráp hưởng thuế nhập linh kiện 0% sẽ tạo thế cân bằng với xe nhập khẩu.
Các hãng cũng khẳng định Nghị định này có hiệu lực sẽ chưa thay đổi giá bán ngay lập tức. Trường Hải đã công bố giá cho 2018 với cách tính thuế nhập khẩu linh kiện về 0% từ cách đây một tuần. Trước đó Hyundai Thành Công cũng đặt giá mới cho i10 và xác nhận đây là giá trong 2018. Toyota thì thông báo luôn giá mới từ đầu tháng 11. Ông Tuấn cho biết linh kiện lắp xe của Toyota chủ yếu nhập từ ASEAN, vốn đã được hưởng ưu đãi thuế 0% từ trước, vì vậy sang 2018 một số linh kiện nhập từ ngoài khối về 0% cũng không giảm giá quá nhiều. Trong khi đó Hyundai Thành Công trong mức giá bán công bố trước đó chưa nói đến ảnh hưởng của thuế linh kiện về 0%, nhưng đại diện hãng cho rằng cuối 2017 đã giảm giá sâu, ăn vào lợi nhuận, phần giảm này sẽ dành cho thuế linh kiện trong 2018, vì vậy giá xe khó lòng giảm nữa. Honda nhiều khả năng sẽ được hưởng ưu đãi nhờ sản lượng của City, nhưng hãng này cũng chưa có động thái nào để công bố mức giá mới trong 2018. Trên lý thuyết, thuế nhập khẩu những linh kiện chính về 0% giúp toàn bộ linh kiện giảm 7-9% thuế, từ đó giảm giá khoảng 5%. Hãng sẽ tính toán các lợi ích khác cùng mức giảm này để đưa ra giá mới. Ngoài các mẫu xe con dưới 9 chỗ, mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0% cho linh kiện còn áp dụng với các nhóm xe khác gồm minibus, xe tải, xe khách và bus cỡ lớn. Điều kiện áp dụng cũng tương tự với những mức sản lượng tối thiểu cần đạt. Ford có thể không đạt sản lượng để miễn thuế ở hạng mục xe con, nhưng sẽ đạt ở minibus với chiếc Transit. Trường Hải và Hyundai Thành Công sẽ có nhiều lợi ích từ hai mặt hàng xe tải và xe bus. Các hãng này đều có thương hiệu xe thương mại riêng với thị phần chi phối. Các chuyên gia trong ngành tiết lộ xe thương mại mới là mảnh đất mang lại lợi nhuận lớn cho các hãng chứ không phải xe con. Cuộc chiến xe nhập khẩu trong ASEAN và lắp ráp sẽ về thế cân bằng hơn khi thuế linh kiện về 0%. Tuy vậy, các hãng xe nhập khẩu ngoài ASEAN lại lo ngại đây sẽ là chướng ngại vật lớn cho xe nhập. Một chuyên gia phân tích, các hãng xe sang nhập khẩu từ châu Âu, Nhật vẫn chịu thuế nhập khẩu cao tới 70%, trong khi đó Mercedes và BMW (Trường Hải) nếu đủ điều kiện lắp ráp với thuế linh kiện 0% tại Việt Nam sẽ tạo ra khoảng cách lớn về giá, các hãng lắp ráp sẽ hưởng lợi.
Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.