Những năm gần đây, cùng với nhận thức bảo vệ môi trường ngày càng cao của xã hội, khái niệm “tín dụng xanh” đang dần trở nên quen thuộc. Tín dụng xanh được hiểu là việc các tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh mà không gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung.
Trên thế giới, xu hướng tăng trưởng tín dụng xanh đã phát triển từ lâu với các dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch nhằm hướng đến mục tiêu “kép” là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo về môi trường.
Tại Việt Nam, hoạt động “tín dụng xanh” cũng đang được quan tâm nhiều hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, nhất là khi Việt Nam được đánh giá một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tình trạng này.
Với người dân và các tổ chức doanh nghiệp, tín dụng xanh là giải pháp quan trọng, giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ đời sống và quy trình sản xuất đến môi trường và xã hội, góp phần vào quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế. Trong khi đó, về phía Ngân hàng, việc triển khai chương trình tín dụng xanh còn giúp Ngân hàng giảm thiểu các khoản nợ khó đòi, tăng cường mức độ ổn định tài chính và bảo vệ hình ảnh thương hiệu trên thị trường.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của tín dụng xanh trong phát triển kinh tế bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có định hướng phát triển tín dụng xanh - ngân hàng xanh.
Trong kế hoạch hành động của Chính phủ, các tổ chức tín dụng được xem là những mắt xích quan trọng. Theo chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các Ngân hàng Thương mại thúc đẩy cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về việc bảo vệ môi trường, khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường. Đầu năm 2017, NHNN cũng ban hành Chỉ thị 01/2017 tiếp tục nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
Số liệu của NHNN cho thấy, đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh (12 dự án xanh do NHNN xây dựng và ban hành từ năm 2015) đạt gần 500.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế), tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỉ trọng cao nhất 47%), tiếp đến là nông nghiệp xanh (chiếm trên 30%).
Là một trong những ngân hàng tiên phong thực hiện chương trình góp phần bảo vệ môi trường, Ngân hàng Bản Việt thường xuyên triển khai những chính sách ưu đãi trong việc cấp tín dụng xanh.
Mới đây, Ngân hàng Bản Việt đã hợp tác với Công ty quản lý quỹ ResponsAbility (Thụy Sĩ) triển khai chương trình “Tín dụng xanh” với lãi suất vay ưu đãi từ 8,9%/năm dành cho các dự án sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thân thiện với môi trường hoặc nhằm bảo vệ môi trường, xã hội.
Cụ thể, Ngân hàng Bản Việt dành riêng hạn mức 500 tỷ đồng để triển khai chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất từ 8,9%/ năm cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay vốn triển khai các dự án có yếu tố “xanh” từ vay ngắn hạn đến trung dài hạn như: bổ sung vốn cho hoạt động nuôi trồng có ứng dụng công nghệ/ mô hình theo hướng VietGAP, GlobalGAP, Hữu cơ, VietGAHP…; bổ sung vốn mua máy móc, dây chuyền sản xuất tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng điện mặt trời,...; máy móc hỗ trợ tạo ra năng lượng tái tạo…; bổ sung vốn lưu động, mua sắm đồ gia dụng dán nhãn tiết kiệm năng lượng, xe ô tô động cơ hybryd, xe ô tô điện…
“Việc hợp tác với Công ty quản lý quỹ ResponsAbility triển khai chương trình Tín dụng xanh lần này nhằm góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế thông qua hỗ trợ nguồn vốn cho các cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động “xanh”. Ngày nay đã có rất nhiều các tổ chức tín dụng chú trọng phát triển tín dụng xanh và xem đây là một hướng đi quan trọng của mình, trong đó có Bản Việt”, Ông Ngô Minh Sang, Thành viên Ban điều hành Ngân hàng Bản Việt cho hay.