Thức ăn, vị thuốc chữa khản tiếng, mất tiếng

Thức ăn, vị thuốc chữa khản tiếng, mất tiếng
TP - Khản tiếng, mất tiếng là chứng bệnh hay xuất hiện trong các mùa thu, đông.  Tuy chỉ là “bệnh vặt”, nhưng có thể gây không ít rắc rối. Do đó, mỗi người đều nên biết cách sử dụng một số loại thức ăn, vị thuốc thông dụng, để dự phòng và chữa trị, mỗi khi cần thiết.
Thức ăn, vị thuốc chữa khản tiếng, mất tiếng ảnh 1
Núc nác

Theo y học hiện đại, mất tiếng và khản tiếng, đều do viêm thanh quản gây nên, chỉ có  khác biệt về mức độ: Mất tiếng là khản tiếng ở mức độ nặng.

Trong Đông y cổ đại, khản tiếng và mất tiếng được gọi chung là "hầu âm". Bệnh phát nhanh, mất tiếng đột ngột (cấp tính) gọi là "bạo âm", còn kéo dài lâu ngày (mạn tính) gọi là "cửu âm". Trong Đông y hiện đại,  khản tiếng  có tên là "Thanh á", còn mất tiếng gọi là "Thất âm". 

Mất tiếng có liên quan mật thiết tới chức năng của hai tạng Phế và Thận. Đông y cho rằng, Phế chủ khí, là động lực tạo ra âm thanh; Thận chủ nạp khí (giúp thở sâu) và là nguồn gốc của âm thanh.

Mất tiếng mới phát thuộc "thực chứng", liên quan chủ yếu tới tạng Phế; thường do ngoại cảm phong hàn hay phong nhiệt, hoặc đàm trọc úng trệ, gây bế tắc thanh khiếu, làm cho chức năng tuyên phát và túc giáng của tạng Phế bị rối loạn, mà gây nên bệnh.

Còn mất tiếng lâu ngày thuộc "Hư chứng", liên quan đến cả hai tạng Phế và Thận; thường do tinh khí bị thương tổn, phần âm của hai tạng Phế và Thận bị suy yếu,  khiến “hư hỏa” thiêu đốt cơ quan phát âm, mà dẫn tới hiện tượng tiếng nói bị khản hoặc hoàn toàn không thể phát ra âm thanh.

Trường hợp  bị mất tiếng,  có thể căn cứ vào những chứng trạng biểu hiện cụ thể, mà chọn dùng một số loại thức ăn, vị thuốc thông dụng, dễ kiếm dưới đây để chữa:

Dùng giá đỗ xanh:

Theo Đông y giá đỗ xanh có vị ngọt, tính hàn; Có tác dụng sinh tân (tăng dịch thể), nhuận phế, thanh nhiệt...

Có thể sử dụng chữa bỗng nhiên mất tiếng do "phong nhiệt" - biểu hiện bởi những chứng trạng kèm theo như đau họng, khát nước, ho, đờm vàng đặc; tắc mũi, mũi chảy nước đục; đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng.

Dùng giá đỗ xanh 300g - 500g, rửa sạch, giã nát, chế thêm chút nước đun sôi để nguội, chắt lấy nước, chia ra uống dần từng ít một. Kinh nghiệm cho thấy, khi mới bị mất tiếng, áp dụng ngay biện pháp này, chỉ một lúc sau tiếng nói đã trở lại bình thường.

Thức ăn, vị thuốc chữa khản tiếng, mất tiếng ảnh 2

Dùng trái sung:

Theo Đông y, trái sung có vị ngọt, tính mát. Khi họng bị đau, hái vài trái sung ăn là thấy bệnh giảm. Sách "Điền Nam bản thảo" nói: Trái sung chủ thanh lợi yết hầu, khai hung cách, tiêu viêm, hóa trệ. Còn sách Sách "Tiện dân đồ soạn" nói: Sung là vị thuốc chuyên trị các bệnh ở yết hầu (họng và thanh quản). Có thể sử dụng theo một số cách sau: 

1. Trái sung 30g, đường phèn lượng thích hợp; Sắc nước uống. Dùng chữa mất tiếng do viêm họng mạn tính.

2. Trái sung phơi khô, nghiền thành bột mịn. Ngày dùng 4-5 lần, mỗi lần lấy 2-3g ngậm và nuốt dần. Dùng chữa mất tiếng kèm theo họng đau nhói, do phong nhiệt.

3. Trái sung 15-20g, thái nhỏ, hãm nước sôi, uống thay trà trong ngày. Uống thường xuyên còn có tác dụng phòng viêm họng cấp và khản tiếng.

Dùng củ gừng:

Theo Đông y, gừng tươi có vị cay, tính ấm. Có tác dụng phát hãn giải biểu (giải cảm), ôn phế chỉ khái (ấm phổi, trừ ho), giải độc...

Đối với trường hợp mất tiếng do "phong hàn" - biểu hiện bởi những chứng trạng kèm theo như sợ lạnh, sốt nhẹ, không mồ hôi, đầu đầu, đau mình, mũi tắc, ho, đờm trong loãng, mũi chảy nước trong, rêu lưỡi trắng mỏng, có thể sử dụng theo một số hình thức như sau:

1. Gừng già 10g, đường đỏ lượng thích hợp. Gừng thái lát, sắc lấy nước, hòa đường đỏ vào uống.

2. Gừng già 10g, củ cải lượng thích hợp. Củ cải nấu sôi khoảng 3-5 phút, thêm gừng vào, lại nấu thêm 3-5 phút là được; Ăn củ cải và uống nước. Dùng chữa mất tiếng do nhiễm lạnh, viêm họng cấp có tác dụng tốt.

3. Gừng già 10g, bạc hà 5g. Gừng thái lát, thêm 500ml nước, nấu lấy nước, cho bạc hà vào nấu thêm 3-5 phút là được.  Chia ra uống trong ngày, uống ấm.

4. Gừng tươi 10g, cành lá tía tô  10g, hành 5 cây (liền cả củ và rễ). Tất cả rửa sạch, sắc lấy nước uống. 

Bạng đại hải (hạt lười ươi)

"Bạng đại hải" là hạt cây "Lười ươi", loài cây mọc hoang khắp nước ta, thường được khai thác ở Biên Hoà, Bà Rịa, Bình Định, Bình Thuận, ... Còn gọi là "đười ươi", "sam rang", "som vang", "đại hải"...  Tên khoa học  là Sterculia lychnophora Hance; thuộc họ Trôm (Sterculiaceae).

Theo Đông y, bạng đại hải có vị ngọt, tính hàn; Có tác dụng thanh phế lợi hầu (mát phổi, thông thanh quản), thanh tràng thông tiện, ...  Có thể sử dụng chữa mất tiếng theo một số hình thức:

1. Bạng đại hải 3 trái, hãm nước sôi uống trong ngày; liên tục 7 ngày là 1 liệu trình. Có tác dụng chữa mất tiếng, khản tiếng do "phong nhiệt", kèm theo sốt, họng đau, miệng khát, tâm phiền, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng.

2. Bạng đại hải 5 trái, ngâm nước cho nở ra; nấu sôi rồi thêm lượng đường trắng thích hợp. Có tác dụng thanh nhiệt nhuận phế, lợi hầu giải độc. Cũng chữa mất tiếng, khản tiếng  do phong nhiệt.

3. Bạng đại hải 2 trái, mật ong lượng thích hợp, cho vào cốc, hãm nước sôi 3-5 phút; chia ra uống trong ngày. Có tác dụng chữa mất tiếng, kèm theo họng sưng đau, ho khan, đại tiện bí kết.

4. Bạng đại hải 5 trái, lá tía tô 3g, cam thảo 3g. Thêm 600ml nước, uống thay trà trong ngày. Chữa khản tiếng cả hai thể phong hàn và phong nhiệt.

Mộc hồ điệp (Hạt núc nác)

"Mộc hồ điệp" là hạt cây núc nác; loài cây mọc hoang và được trồng khắp cả ở miền Bắc và miền Nam nước ta. Cây còn có tên là "so đo thuyền", "lin may", k'nốc... Tên khoa học là Oroxylum indicum (L.); Thuộc họ Chùm ớt (Bignoniaceae).

Mộc hồ điệp vị hơi đắng, ngọt, tính mát. Có tác dụng thanh phế tiêu viêm, lợi yết hầu, ...  Có thể sử dụng theo một số hình thức sau:

1. Mộc hồ điệp 10g, bạc hà 3g, huyền sâm 10g, mạch đông 10g, mật ong 20g. Các vị thuốc thêm nước đun sôi nhỏ lửa 15 phút, chắt lấy nước, hòa mật ong vào, đun sôi lại là được. Chia ra nhiều lần uống, uống ấm. Có tác dụng chữa mất tiếng do phong nhiệt.

2. Mộc hồ điệp 6g, đông qua nhân (hạt bí đao) 10g, thêm chút đường trắng, sắc nước uống. Có tác dụng chữa mất tiếng do phong nhiệt, viêm họng mạn.

3. Mộc hồ điệp 20g, thiền y (xác ve sầu) 20g; Dùng 1.200ml nước sôi hãm trong 30 phút, uống thay trà trong ngày. Thích hợp với trường hợp mất tiếng do phong nhiệt.

Dùng Kha tử:

"Kha tử" là  qủa cây kha tử, còn gọi là "cây chiêu liêu", loài cây mọc hoang ở nhiều tỉnh phía Nam nước ta, có tên khoa học là Terminalia chebula Retz. Thuộc họ Bàng (Combretaceae).

Theo Đông y, kha tử vị đắng, chua, chát, tính bình. Có tác dụng thanh phế lợi hầu khai âm, chỉ khái bình suyễn, lại có thể sáp trường chỉ tả (chữa tiêu chảy)... Với những trường hợp mất tiếng lâu ngày, có thể sử dụng:

1. Lấy thịt quả kha tử giã giập, rồi ngậm. Có tác dụng chữa mất tiếng kèm theo đau cổ họng, ho,  Thời trước, những người hát rong thường dùng thịt qủa kha tử, ngào với mật ong và ô mai, ngậm cho trong tiếng và tránh được khô cổ. Kinh nghiệm này hiện nay vẫn được một số ca sĩ áp dụng.

2. Đẳng sâm 20g, kha tử 10g, gạo tẻ (sao cháy vàng) 30g, nấu nước uống thay trà trong ngày. Dùng chữa mất tiếng lâu ngày do phế tỳ khí hư.

3. Kha tử 5g, cát cánh 3g, chích cam thảo (cam thảo nướng) 5g; Thêm 200ml nước, sắc còn 100ml; Chia 2 lần uống trong ngày, vào sáng sớm và chiều tối.  Dùng chữa mất tiếng do phế thận âm hư, hư hỏa bốc lên thiêu đốt thanh quản.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn tái diễn tại Huế, nguy cơ ngập úng và sạt lở
Mưa lớn tái diễn tại Huế, nguy cơ ngập úng và sạt lở
TPO - Theo dự báo, từ ngày 22 đến 24/11, tại Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) có mưa, mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to; tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 500mm, gây khả năng xuất hiện một đợt lũ, nguy cơ ngập lụt, ngập úng kéo dài và trượt lở đất ở các địa phương.