Ba tổ công tác của VN lên đường vào tối qua gồm: đoàn đi Tusinia làm nhiệm vụ tiền phương do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng làm trưởng đoàn, đoàn đi Ai Cập do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa làm trưởng đoàn, đoàn đi Malta do Trưởng phòng Quản lý lao động ngoài nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hải làm trưởng đoàn.
Đêm 28 - 2, chuyên cơ Boeing 777 tiếp tế khoảng 10 tấn lương thực, thực phẩm lên đường sang Ai Cập đón 400 lao động Việt Nam về nước. Trong đó, công ty Vinamec có 198 lao động, Nexco 102 người và công ty Sông Đà 7 người. Số còn lại Đại sứ quán Việt Nam tại Cairo (Ai Cập) sẽ phối hợp các công ty, ban, ngành tiếp tục đưa họ sớm trở về.
Đại sứ quán cũng cho biết, tất cả cán bộ nhân viên gồm 6 người, cùng một số sinh viên VN tình nguyện cũng như các công nhân ở Cairo đều được huy động để hỗ trợ lao động sơ tán từ Libya về sân bay quốc tế Cairo. Đại sứ quán cử người cung cấp lương thực tối thiểu và nước uống cho các lao động đang chờ quá cảnh về nước, thường xuyên có mặt ở đây để lo các thủ tục cần thiết.
Lao động Việt Nam làm việc cho chủ thầu nước ngoài tại vùng Tripoli sẽ di tản chủ yếu sang Tunisia, Malta, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria; số lao động làm việc tại vùng Benghazi sẽ di tản sang Ai Cập, Hy Lạp và một số ít sang và đảo Síp.
Theo báo cáo của Ban Quản lý lao động tại Libya, tính đến tối qua, khoảng 2.000 lao động đang còn ở lại sâu trong đất liền Libya và sẽ được sơ tán khỏi đất nước Bắc Phi này trong vài ngày tới.
Cửa khẩu Salum trong những ngày qua đã đón 853 lao động Việt Nam sơ tán từ Libya sang. Trong số này có nhiều người bị mất hộ chiếu hoặc giấy tờ tuỳ thân. Nhưng cho đến nay không có trường hợp nào không được giải quyết hoặc không được quá cảnh. Đây là cửa khẩu duy nhất nối giữa Ai Cập và Libya mà lao động Việt Nam quá cảnh.
Lúc 6 giờ chiều tối qua (giờ Việt Nam), 25 lao động của công ty Glotech của Việt Nam cử đi đã về tới cửa khẩu Salum an toàn. Tất cả đều khỏe mạnh và vui mừng sau 5 tiếng đồng hồ di chuyển từ Libya về cửa khẩu Salum.
Dự kiến hôm nay, có thêm 270 lao động Việt Nam và sau đó một ngày có thêm 900 người từ Lybia về nước theo đường hàng không.
Đến cuối ngày 28 - 2, 8.200 lao động Việt Nam đã có kế hoạch di dời, trong đó 5.200 người đã di chuyển được đến các nước lân cận Libya.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập cho biết có 307 lao động đầu tiên lên chuyên cơ từ Cairo về nước. Tổ chức Di trú của Liên Hợp Quốc cho biết, sẽ đưa số lao động còn lại về nước sau chuyến chuyên cơ này. Thủ tục quá cảnh từ Libya vào Ai Cập qua cửa khẩu Salum 2 ngày nay khá thuận lợi.
Số lao động chưa được chủ sử dụng lao động di tản hiện tập trung tại Benghazi và một số thành phố phía đông Libya (thành phố Al Qubah và thành phố Darnah) đã có thể mua được thức ăn, vì thành phố này hiện do phe biểu tình kiểm soát (phe biểu tình đã thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời để điều hành hoạt động) nên các cửa hàng bán lương thực, thực phẩm đã mở cửa trở lại.
V.Việt
Tổng hợp