Thủ tướng yêu cầu Bình Thuận thực hiện 5 giải pháp để phát triển kinh tế

TPO - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bình Thuận phải làm tốt 5 giải pháp, gồm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng chiến lược; xây dựng cơ chế, chính sách; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng để phát triển xanh, nhanh, bền vững.

Bình Thuận muốn lập khu kinh tế ven biển

Sáng 31/8, tại Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Thuận về tình hình phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong cho biết, 6 tháng đầu năm 2022 (GRDP) tăng 6,44%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách đạt khá, tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 13.503 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2022 thực hiện đạt 5.904 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong đề xuất với Thủ tướng, cho phép tỉnh được lập Đề án thành lập Khu công nghệ cao và Khu kinh tế ven biển.

Tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo chỉ đạo của Chính phủ. Từ năm 2021 đến nay, có 861 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 12.063,41 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 10.728 doanh nghiệp được thành lập, với tổng nguồn vốn đăng ký 126.944,927 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong cũng thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ và kết quả phát triển của tỉnh trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm lực, lợi thế. Việc thu hút các dự án đầu tư vẫn còn hạn chế; việc liên kết chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án trọng điểm chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra...

Ông Lê Tuấn Phong kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét, chỉ đạo giải quyết một số khó khăn, vướng mắc, đề xuất. Cụ thể, tiếp tục quan tâm hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối liên vùng (như nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 28, 28B, Quốc lộ 55, đường ĐT.711); xem xét, cho phép tỉnh được lập Đề án thành lập Khu công nghệ cao và Khu kinh tế ven biển.

Bình Thuận cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư nâng cấp sân bay Phú Quý.

Đồng thời xem xét, ban hành các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho điện gió ngoài khơi gắn với Chiến lược biển Việt Nam; xem xét phương án chuyển đổi mạnh mẽ, nâng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII; quan tâm chỉ đạo, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hồ La Ngà 3; Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư nâng cấp sân bay Phú Quý phục vụ yêu cầu tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ và tham gia xử lý một số tình huống phát sinh về quốc phòng an ninh trên biển…

Phải phát triển xanh, nhanh, bền vững

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, Bình Thuận đã biết tận dụng các tiềm năng, biến khó khăn thành lợi thế, biến thách thức thành cơ hội, lấy phát triển du lịch và công nghiệp năng lượng làm đột phá, xây dựng hệ thống thủy lợi bảo đảm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân làm nền tảng. Nhờ đó, Bình Thuận đã có sự phát triển vượt bậc, từng bước rút ngắn chênh lệch về trình độ phát triển với các tỉnh khu vực Duyên hải miền Trung và miền Đông Nam Bộ

Bên cạnh những thành tựu rất cơ bản đã đạt được, Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập của tỉnh. Những tiềm năng rất lớn chưa được phát huy hết, chưa trở thành động lực để phát triển nhanh, phát triển xanh, phát triển bền vững, sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ để tạo động lực phát triển.

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, Bình Thuận phải phát triển xanh, nhanh, bền vững.

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, Bình Thuận phải phát triển xanh, nhanh, bền vững. Để làm được điều này, phải làm tốt 5 giải pháp, gồm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng chiến lược; xây dựng cơ chế, chính sách; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, các giải pháp này phải phục vụ phát triển xanh, nhanh, bền vững.

Trước hết, Bình Thuận cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo dõi sát, nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn. Công tác chỉ đạo, điều hành phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải hết sức linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả, kịp thời. Đồng thời, xác định một số trọng tâm, trọng điểm; làm đến đâu thì phải dứt điểm đến đó, việc nào phải xong việc đó.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bình Thuận tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp trong thời gian tới.

“Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới tham quan Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí NovaWorld Phan Thiết. Dự án được Novaland đầu tư trên quy mô 1.000 ha, định hướng trở thành một điểm đến đặc sắc tại Việt Nam. Dự án đã được triển khai từ 2019, đến nay, đã đưa vào vận hành giai đoạn 1 với nhiều cụm tiện ích đa dạng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh dành những địa điểm, vị trí đẹp nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo việc làm, sinh kế cho người dân; tạo điều kiện cho người dân tích cực tham gia vào dự án và được hưởng lợi từ dự án theo định hướng của tỉnh.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị tỉnh Bình Thuận và nhà đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, tìm ra và khai thác, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh về thiên nhiên, văn hóa của khu vực Mũi Né, của Bình Thuận để phát triển du lịch so với các khu vực khác của Việt Nam và của thế giới.