Thủ tướng: Sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn để các hợp tác xã phát triển bền vững

TPO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) và pháp luật có liên quan (đất đai, thuế, tín dụng...), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để KTTT, HTX phát triển bền vững.

Sáng 22/12, phát biểu tại chỉ đạo tại Đại hội Liên minh HTX Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2020-2025), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhìn lại quá trình phát triển của khu vực KTTT, HTX thời gian qua, có thể nhận thấy nét văn hóa đặc trưng nhất đó là dân chủ và đồng thuận, tự nguyện, tự quyết, tự chịu trách nhiệm cùng góp sức, cùng hưởng lợi.

 Trong quá trình phát triển KTTT, HTX đang định hình một nét văn hóa mới, đó là văn hóa của sự hợp tác và chia sẻ để cùng phát triển. Từ truyền thống của dân tộc “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao” và “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi nhiều người”.

 Thủ tướng cho biết, trên thế giới, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là HTX là mô hình kinh tế phổ biến, mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc.

 Tại Mỹ, HTX vẫn giữ một vai trò quan trọng, khi có gần 50.000 HTX với khoảng 150 triệu thành viên, các HTX nông nghiệp đảm nhận gần 1/3 công việc thu hoạch, chế biến và thương mại nông nghiệp, tổng doanh thu vào khoảng 100 tỷ đô la Mỹ.

 Tại Canada khoảng 70% dân số là thành viên HTX, Hà Lan có 17 triệu dân nhưng có tới 30 triệu thành viên HTX, đóng góp 18% GDP; Nhật Bản có 65 triệu thành viên tham gia các HTX, doanh thu trên 145 tỷ USD…

 Người đứng đầu Chính phủ cho biết, giai đoạn 2016-2020, KTTT, HTX tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến đến cuối năm 2020, cả nước có trên 26.000 HTX (tăng 5.625 HTX so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân 3,6%/năm), 100 liên hiệp HTX và 119.000 THT, thu hút 8,1 triệu thành viên, chủ yếu là đại diện hộ cá thể, cá nhân ở địa bàn nông thôn…

 Khu vực KTTT, HTX đóng góp trực tiếp khoảng 4,8% GDP và gián tiếp trên 30% GDP cả nước thông qua giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Nhiều HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, điển hình như: HTX Lâm nghiệp công nghệ cao (tỉnh Phú Yên), HTX Nông nghiệp Phước Tín (tỉnh Quảng Ngãi), HTX bò sữa Tân Thông Hội (TPHCM), HTX Anh Đào (tỉnh Lâm Đồng)…

Thủ tướng: Sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn để các hợp tác xã phát triển bền vững ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập Hạng Nhì của Chủ tịch nước cho Liên minh HTX Việt Nam

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra rằng, khu vực KTTT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác.

Phần lớn HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; sự liên kết, hợp tác với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu…

 Theo Thủ tướng, những năm tới, chúng ta phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và khu vực về hiệp định thương mại tự do; vấn đề về sản phẩm an toàn, chất lượng, an ninh lương thực; cạnh tranh hàng hóa sẽ diễn ra rất gay gắt, cả thị trường trong nước và quốc tế, nhất là đối với những hộ kinh doanh cá thể.

 Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, cần đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của hệ thống Liên minh HTX các cấp, với chức năng là tổ chức đại diện cho hơn 8,1 triệu thành viên và hơn 30 triệu người lao động khu vực KTTT, HTX.

 Cùng đó, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển KTTT, HTX và pháp luật có liên quan (đất đai, thuế, tín dụng...), kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để KTTT, HTX phát triển bền vững.

Thủ tướng: Sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn để các hợp tác xã phát triển bền vững ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan triển lãm tại Đại hội

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư và cấp ủy, chính quyền địa phương phải xác định rõ phát triển KTTT, HTX là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị…

Trong giai đoạn tới, từng bước quản trị hiện đại, có khả năng cạnh tranh và thích nghi với thay đổi của thị trường; đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ quản trị HTX.

 “Đặc biệt là người đứng đầu HTX không chỉ cần có kiến thức, kỹ năng của một doanh nhân, mà còn phải có một trái tim cống hiến cho cộng đồng”, Thủ tướng nói và cho biết: HTX kiểu mới là một thiết chế kinh tế tiến bộ, tạo ra lợi ích, nâng cao thu nhập.

 Lưu ý về phát triển KTTT, HTX, THT sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng, địa phương, Thủ tướng cho biết, cần xây dựng quy hoạch sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ chủ lực cấp quốc gia, vùng, địa phương gắn với doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, hệ thống logistics và siêu thị; thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ HTX. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời các sai phạm trong hoạt động.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo tái đắc cử Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên minh HTX Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2020-2025) diễn ra trong 2 ngày 21-22/12. Đại hội đã bầu 154 Ủy viên BCH khoá VI. Ông Nguyễn Ngọc Bảo tái đắc cử chức danh Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khóa VI; các phó Chủ tịch là ông Nguyễn Văn Thịnh, Lê Văn Nghị và Nguyễn Mạnh Cường.

MỚI - NÓNG