>> Kỳ trước: Phấp phỏng chờ đợi
Cử nhân sinh học Nguyễn Thị Thu Lan (Bệnh viện Từ Dũ) đưa phôi vào máy hạ nhiệt độ xuống -150oC để bảo quản -Ảnh: TT |
Nhưng nếu sinh thường chỉ khoảng hơn tháng sau là đã có thể làm lại thụ tinh trong ống nghiệm.
Tôi thất vọng đến nỗi không thể quyết định được gì, bác sĩ Trân Hạnh đã quyết định giùm tôi là cho sinh thường.
Đêm dài trong đời
Tôi nằm lại bệnh viện gần một tháng. Mỗi ngày trôi qua với tôi là một ngày nặng nề. Mỗi ngày khoa dưỡng nhi cho người thân lên thăm bé một lần, mà cũng chỉ được ngó một cái rồi phải đi ra ngay để hạn chế nhiễm trùng. Mẹ không được đi thăm vì sợ bị sản hậu.
Tôi chỉ có mỗi việc ngóng chờ những thông tin ngắn ngủn, chung chung từ người nhà "hôm nay bé khá lên nhiều", "thấy bé trọng trọng lên được chút".
Tới ngày thứ sáu, tôi thấy mọi người xôn xao. Chẳng ai nói gì với tôi nhưng linh cảm cho thấy có chuyện chẳng lành. Tôi làm dữ, buộc mọi người phải cho biết. Một đứa bị nặng, đã phải cấp cứu từ sáng. Cho tới 12h khuya bé mất. Bé còn lại vẫn trong cơn nguy kịch.
Đêm hôm đó là một đêm dài nhất. Mọi người giấu hết dao, kéo, sợ tôi tự tử. Trước đó mấy ngày, trong lúc khám bệnh, tôi hỏi bác sĩ có thể uống thuốc để kích thích sữa nhiều hay không.
Một bác sĩ vô tình buột miệng nói với tôi rằng "con có sống đâu mà uống làm gì!". Tôi khóc ngất, huyết áp vọt lên, các cô nữ hộ sinh sảng hồn. Nói chung, đối với mọi người, chuyện tôi mất con chỉ là chuyện sớm muộn.
Sáng hôm sau chồng tôi đưa bé đi thiêu. Tôi bị cấm không được có mặt, không được nhìn mặt con lần cuối. Tôi nghe kể rằng anh nói một câu đứt ruột: "Anh không ngờ ở tuổi này có lúc phải ngồi ôm xác con ".
Sinh trong sự đau đớn tột cùng, cả thể xác lẫn tinh thần. Sinh mà rớt nước mắt nghĩ rằng chẳng nuôi được hai con. Hai con tôi được đưa ngay lên Khoa dưỡng nhi, đứa 1kg, đứa 1,1kg. Chẳng hề có tiếng khóc oe oe, chúng quá nhỏ để có thể khóc. |
Khoảng một ngày sau, bác sĩ Xuân quyết định thay máu cho bé còn lại. Những ngày tiếp theo đó, bé còn phải truyền máu thêm vài lần.
Nhóm máu của bé trùng nhóm máu ba, nhưng chồng tôi không đủ sức khỏe để cho máu. Bạn bè tôi đã rất nhiệt tình hiến máu cho bé.
Sau này tôi mới được nghe kể lại, có hôm gấp quá, bác sĩ Xuân đã lấy máu của chính ông để truyền cho con tôi.
Cho tới ngày thứ 26 bé vẫn trong tình trạng cấp cứu thường xuyên, vẫn chưa uống được sữa, dù qua đường ống đặt thẳng vào bao tử. Chịu không được, một buổi sáng tôi đóng vai người dì để qua khoa dưỡng nhi thăm con.
Tim đập thình thịch trong lồng ngực, tôi tự nhủ mình phải bình tĩnh. Thằng bé nhỏ xíu như con mèo con, mặt cau lại, da trán nhăn, da tay chân, đầu gối nhăn nheo, trên người đầy dây nhợ nối với các máy móc…
Tôi đứng áp mặt vào cửa kiếng nhìn con chăm chăm. Trong bụng đang nói những lời thầm thì, với một niềm tin mãnh liệt rằng con sẽ nghe được lời của tôi: "Cố lên, ráng lên con, con phải "chiến đấu" lên, phải giống mẹ nhe, phải sống với mẹ”.
Tôi không chịu xuất viện dù nhiều người khuyên nên về nhà. Môi trường bệnh viện không tốt, tinh thần, tâm trạng cũng không tốt. Nhưng tôi lại có niềm tin rằng tôi ở đây thì gần con hơn, nó sẽ nghe được mình hơn. Bất cứ lúc nào có thể, tôi đều hướng suy nghĩ của mình về con, "nói chuyện" với con, động viên con.
Một tháng sau khi sinh, bác sĩ Xuân nhắn tôi đến khoa dưỡng nhi. Chân tôi đi mà cứ khuỵu xuống vì đinh ninh sẽ nghe tin dữ bởi tối hôm trước bé bị một đợt ngưng thở, may mà cấp cứu kịp thời.
Ơn trời, không phải, bác sĩ Xuân chỉ khuyên tôi nên chuyển viện cho bé, vì điều bé cần hiện nay là môi trường sạch và sự chăm sóc chu đáo mà những cái đó một bệnh viện tư cao cấp có thể đáp ứng được.
Thủ tục được làm chỉ trong nửa tiếng. Đối với con tôi lúc đó từng phút đều rất quí giá. Khi đưa bé ra khỏi lồng ấp bệnh viện để sang lồng ấp của xe chuyển bệnh, một tiếng khóc oe oe yếu ớt phát ra. Lần đầu tiên tôi được nghe tiếng khóc của con mình. Cảm giác thật không thể diễn tả.
Triền miên trong bệnh viện
Chăm sóc một đứa bé sinh quá non như con tôi là quá trình hết sức gian truân, không thể diễn tả hết. Con tôi còn phải nằm bệnh viện tư thêm hai tháng nữa, gắn chặt với chiếc máy theo dõi nhịp tim, nhịp thở…
Những bé sinh non rất thường xuyên ngưng thở, phải cấp cứu kịp thời. Bé không biết bú, không biết nuốt. Bé còn có thể bị xuất huyết não, bị mất thính giác, bị bệnh võng mạc trẻ sinh non (ROP) có thể dẫn tới mù, bị chậm phát triển tâm thần, không đi đứng được…
Mọi cảm xúc của tôi gần như tê liệt vì đã quá ngưỡng. Mỗi ngày tôi đều đến bệnh viện ẵm con theo phương pháp kanguroo (phương pháp nuôi trẻ sinh non bằng cách địu bé trên ngực, cho người bé áp sát vào người của mẹ hoặc cha), thì thầm với con để truyền cho bé tình yêu thương. Đút cho bé từng giọt sữa để bé tập nuốt. Cho tới khi xuất viện, bé chỉ mới cân nặng 2,2kg.
Chặng đường gian nan sau đó còn dài. Mới ba tháng tuổi, tôi đã phải ẵm bé sang bệnh viện nhi ở Thái Lan để mổ mắt, vì bé bị ROP. Đi trong tình trạng hết sức căng thẳng vì bé vẫn còn quá yếu. Bác sĩ nói chỉ đến trễ một ngày nữa thôi là đôi mắt con tôi vĩnh viễn không cứu được. Thật sự là may mắn.
Mắt con tôi vẫn phải được khám theo dõi hằng tuần, sau đó cách tuần, vì võng mạc vẫn còn có thể bong bất cứ lúc nào. Mắt vừa tạm ổn thì đến chuyện tai.
Khi đo thính lực, bệnh viện Thái Lan cho biết bé chỉ nghe được ở 70 decibel trở lên. Bác sĩ an ủi tôi là có thể do thính giác bé chưa phát triển, chỉ có cách chờ đợi đến lúc bé chín tháng mới biết đích xác.
Thêm một nỗi lo quá lớn, vì nếu không nghe được đồng nghĩa sẽ không nói được. Tôi còn phải đi khám tâm lý cả mẹ lẫn con. Trải qua bao nhiêu biến cố như vậy, tôi không bị stress thì mới là lạ. Chồng tôi thường xuyên phải hứng chịu những phản ứng quá khích của tôi.
Rõ ràng bé phát triển chậm hơn những bé cùng tuổi. Tôi được bác sĩ khuyên cho con tập phục hồi chức năng ở Bệnh viện Nhi Đồng 1. Thăm khám ban đầu cho biết con tôi có dấu hiệu bại não nhẹ, tôi muốn rụng rời. Thôi thì cứ tập. Lại một cuộc chiến đấu khác.
Tập được khoảng tám tháng, người điều dưỡng bảo tôi bé không cần tập nữa, dù lúc ấy bé vẫn chưa biết đứng chững. Tôi thật sự lo sợ, cứ muốn đề nghị anh tập tiếp, anh cười trước sự lo lắng thái quá của tôi.
Trước khi chia tay, anh còn tặng tôi một câu quí giá: "Con chị phát triển tốt lắm. Một trăm đứa sinh non mới được một đứa bình thường như vậy". Về thính giác, thấy bé nhạy với tiếng động dù rất nhỏ. Tuy nhiên tôi cũng đưa bé đến Bệnh viện Tai mũi họng để khám cho chắc.
Sáu tháng tuổi, con tôi bắt đầu bị lé ở cả hai mắt. Đó là một trong những hậu quả của ROP. Lại phải đưa bé đi mổ ở Bệnh viện Mắt. Năm đầu tiên của con tôi là những tháng ngày triền miên trong bệnh viện.
Bé hầu như đã đi đủ các bệnh viện trong thành phố và thêm cả nước ngoài. Dù sao so với nhiều trẻ khác, con tôi vẫn còn may mắn. Và tôi biết con đường khó khăn sắp tới của tôi và con còn rất dài…
-----------------------
(Còn tiếp)
Theo Thanh Nhẫn
Tuổi trẻ