Thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM: Bài toán cần cân nhắc

Thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM: Bài toán cần cân nhắc
“Nếu dự án được triển khai, tôi tin chắc sẽ giảm được ít nhất 40% lượng xe ô tô vào trung tâm thành phố và coi như mục đích của dự án đã thành công”

Đó là lời khẳng định của ông Lâm Thiếu Quân - Tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD - đơn vị nghiên cứu, đề xuất dự án) khi trao đổi với PV Bee về “Dự án thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm TPHCM”.

Thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM: Bài toán cần cân nhắc ảnh 1

Vùng thu phí (màu đỏ) mà ITD đề xuất lên UBND TPHCM

Thu phí nhằm hạn chế kẹt xe nội thành?

Ông Quân cho hay, mục đích cao nhất của dự án là nhằm hạn chế lượng xe ô tô vào trung tâm TP, qua đó giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô, đang ngày càng trở nên nỏng bỏng tại TPHCM.

Theo tính toán của ông Quân, hiện tại trên địa bàn TP có khoảng 500.000 xe ô tô (chưa kể xe ngoại tỉnh lưu thông vào TP hàng ngày), trong khi xe máy chiếm 5 triệu chiếc, chiếm trên 80% số xe hiện có trên địa bàn TPHCM.

Tuy nhiên, dù lượng xe ô tô chỉ chiếm tỷ lệ 5% nhưng lại chiếm 55% mặt đường và chỉ chở được 10% lượng khách. Ngược lại, xe máy dù chiếm 40% diện tích đường nhưng chuyên chở được khoảng trên 80% lượng khách hàng ngày.

Dự báo, hiện nay mức tăng trưởng hàng năm của xe hơi là 50.000 đến 60.000 chiếc, điều này đồng nghĩa việc đến năm 2018, lượng xe ô tô trên địa bàn TPHCM sẽ có là 800.000 chiếc, chưa kể các phương tiện khác tăng theo cấp số nhân.

Trong khi, xe buýt hiện nay mới chỉ đáp ứng 7% nhu cầu đi lại của người dân, nhưng hàng năm TP đã phải bù lỗ cho phương tiện vận tải hành khách công cộng này khoảng 1.000 tỷ đồng.

Mặt khác, hệ thống đường sắt đô thị đang còn nhiều năm nữa mới thành hiện thực. Còn việc mở rộng đường chưa chắc là giải pháp chống kẹt xe và còn rất tốn kém, ước tính chỉ cần cải tạo, mở rộng thêm 1 làn cho 30% tổng số đường hiện có đã chi hết 50.000 tỷ đồng. Nếu cấm xe máy thì trong lúc này là không thể do điều kiện ở các đô thị nước ta chưa cho phép mà phải vài chục năm sau, hơn nữa đây vẫn là phương tiện đặc trưng nhất của người dân nước ta khi di chuyển. Do đó, việc chọn ô tô là để thu phí là phương án khả dĩ nhất trong lúc này.

Ngoài ra, muốn giảm kẹt xe còn phải kết hợp đồng bộ 3 nhóm giải pháp: Nâng cao năng lực vận tải, giảm yếu tố đi lại không cần thiết và quy hoạch hạ tầng. Có như thế, vấn đề trên sẽ được giải quyết nhanh chóng, còn việc thu phí xe ô tô chỉ là một phần trong nhóm giải pháp ấy, ông Quân nhấn mạnh.

Được biết, dự án “Thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm TPHCM” nếu được áp dụng sẽ thu phí là 30.000 đồng/xe đối với xe ô tô 4 đến 7 chỗ và 50.000 đồng/xe với các loại ô tô khác (xe tải, xe khách…), miễn cho các loại xe công và xe buýt. Thời gian thu phí từ 6h sáng – 20h đêm mỗi ngày, trừ ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật.

Cũng theo đề án mà ITD đề xuất thì sẽ thiết lập 35 trạm thu phí tại các tuyến hành lang bao quanh khu vực nội thành, cụ thể là quận 1 và 3. Ngoài ra sẽ dùng thiết bị chuyên dụng (camera) để nhận dạng các loại xe. Việc thu phí theo phương thức 1 vòng, tức khi xe ô tô di chuyển vào 2 quận trên mới đóng tiền, khi đi ra không phải đóng.

Bên cạnh đó, các xe phải gắn thiết bị OBU (thẻ đọc), để khi qua trạm, hệ thống sẽ nhận diện, xử lý, phân tích số liệu trên xe và trực tiếp trừ tiền trong tài khoản ngân hàng của chủ xe.

Tổng vốn đầu tư cho dự án gần 1.200 tỉ đồng, trong đó chi phí mua sắm thiết bị hơn 1.000 tỉ đồng và sau 2 năm có thể thu hồi vốn. ITD đề xuất đầu tư theo phương thức BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành).

Nếu được triển khai áp dụng, việc lắp đặt các trạm và xử lý số liệu kỹ thuật sẽ hoàn chỉnh trong 6 tháng và vận hành thử trong 3 tháng tiếp theo, trước khi chính thức đi vào chính thức, ITD thông tin.

Băn khoăn về hình thức đầu tư

Về phương thức đầu tư mà ITD trình cho sở GTVT TP, lập tức sở đã “bác” ngay và quyết định chọn hình thức đầu tư BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).

Theo một vị lãnh đạo của Sở GTVT TP, sở dĩ chọn BOT do đây là hình thức đầu tư mà ITD đề xuất hoàn toàn mới nên việc vận hành quản lý sẽ rất khó khăn, trong khi, hệ thống trạm thu phí nhiều nên cần áp dụng hình thức đầu tư cũ nhằm đảm bảo việc vận hành trơn tru và quản lý chặt chẽ.

Mặt khác, các trạm thu phí đều được tổ chức theo mô hình trạm không dừng, các thiết bị vận hành đi kèm rất hiện đại, do đó, cần giao trực tiếp cho đơn vị đề xuất và làm chủ dự án sẽ tránh được rủi ro, vị lãnh đạo này lý giải.

Trong khi đó, ông Lâm Thiếu Quân – Tổng giám đốc ITD, cho rằng, tuy hình thức đầu tư trên là mới nhưng đơn vị trực tiếp xây dựng (ITD) luôn đảm bảo về mặt vận hành kỹ thuật. ITD sẽ đứng đằng sau như một đơn vị tư vấn và hỗ trợ tối đa đến khi hệ thống đi vào hoạt động ổn định.

Đặc biệt, việc xây dựng và chuyển giao cho TP quản lý sẽ tránh rườm rà trong quản lý. Khi TP trực tiếp quản lý nếu trong trường hợp cần điều chỉnh những vấn đề phát sinh khi vận hành trạm thu phí thì TP sẽ nhanh chóng tìm được giải pháp và đưa ra được quyết sách phù hợp. Trong khi, nếu ITD quản lý thì cũng phải bàn luận, thống nhất và chờ TP đưa ra chủ trương cuối cùng.

Mặt khác, số tiền thu phí sẽ được thu về trực tiếp cho ngân sách TP rồi mới hoàn trả lại chi phí cho nhà đầu tư. Số tiền này sẽ bổ sung vào ngân quỹ của TP, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án giao thông khác một cách nhanh chóng. Còn nếu ITD làm chủ thì việc thu chi sẽ “quay” rất nhiều vòng mới xung vào ngân quỹ TP.

Sở GTVT dự kiến thời gian bắt đầu thí điểm dự án là trong năm 2011 hoặc 2012. Dù nhận xét dự án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội như cải thiện ùn tắc, giảm kẹt xe, ô nhiễm, bổ sung nguồn thu cho ngân sách… nhưng Sở GTVT vẫn kiến nghị cần phải báo cáo, giải trình trước HĐND TP và các tổ chức chính trị, xã hội để có sự thống nhất và đồng thuận của dư luận. Bởi đây là dự án tác động lớn đến cuộc sống người dân, gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau.

Còn nhiều tranh cãi

PGS - TS Phạm Xuân Mai, Trưởng khoa kỹ thuật giao thông, trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, cho rằng, đề án mà ITD đưa ra với mục tiêu sẽ giảm được ít nhất 40% lượng xe ô tô vào trung tâm TP chưa chắc đã đúng, đâu mới chỉ là lý thuyết, thực tế giao thông các đô thị nước ta và đặc biệt tại TPHCM khác hẳn, không dễ thực hiện.

Cụ thể, việc thu phí trên nếu so với mức thu nhập của những người đi xe ô tô cũng chẳng đáng là bao. Trong khi nếu gửi xe ở ngoài vành đai để di chuyển bằng các phương tiện khác vào cũng không khả thi, bởi tại TPHCM chưa có bãi xe ngầm bên ngoài các vành đai thu phí để họ di chuyển vào TP, hơn nữa, hệ thống giao thông công cộng thay thế cũng chưa tốt, thực tế chỉ đáp ứng khoảng 7% nhu cầu đi lại của người dân hàng ngày. Do đó, họ sẵn sàng trả phí trên để đi ôtô vào trung tâm TP.

Ngoài ra, việc thu phí tại các cổng trên vô tình dẫn tới tình trạng kẹt xe tại các tuyến đường lân cận do lượng xe này sẽ né các cổng thu phí để đi vào, đặc biệt là các xe kinh doanh như taxi, xe vận tải hàng hóa nhỏ… Cần phải kết hợp các giải pháp đồng bộ trong việc phát triển giao thông mới mong kéo giảm ùn tắc giao thông, P.GS - TS Mai phân tích.

Trong khi đó, TS - KTS Ngô Viết Nam Sơn – chuyên gia phát triển giao thông, cho rằng, với mức chi phí bỏ ra như trên thì TP nên dành số tiền ấy vào việc phát triển giao thông công cộng và nâng cấp hạ tầng giao thông.

Nếu muốn hạn chế ôtô vào khu trung tâm, TP nên thu qua giá giữ xe thật cao đối với các bãi giữ xe có thu phí trên các tuyến đường. Đơn cử, TP đưa ra mức thu cao tùy vào từng chổ đậu và vị trí đậu và giá giữ xe nên tính theo giờ, càng nhiều giờ càng tính cao lên, TS – KTS Sơn trình bày quan điểm.

Tương tự, theo ông Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM, việc thu phí ôtô vào trung tâm thành phố để hạn chế xe cá nhân là đề xuất đáng ghi nhận. Tuy vậy, cần phải nâng cao chất lượng giao thông công cộng, đặc biệt trong khu vực trung tâm TP, vì nơi đây được xem là điển hình cho cả địa bàn và tập trung đông dân cư.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thanh, ngụ tại đường Lê Thánh Tôn, quận 1, ngán ngẩm nói, nếu việc thu phí trở thành hiện thực thì thiệt nhất vẫn là người dân. Hiện trên địa bàn TP đã có rất nhiều trạm thu phí rồi, cứ đi được vài km lại phải đóng phí, chưa kể các khoảng nộp tiền vào bãi giữ xe, phí xăng đầu,… Điều đáng nói, nhà tôi ở nội thành, chả lẽ ngày nào đi cũng phải đóng phí, sao chịu nổi. Mong rằng các cơ quan chức năng cân nhắc thật kỹ trước khi áp dụng, đặc biệt là người dân có xe ô tô ở trung tâm TP.

Danh sách 35 cổng thu phí ôtô dự kiến vào khu vực trung tâm TPHCM mà ITD đề xuất:
Cầu: Điện Biên Phủ, Bùi Hữu Nghĩa, Bông (Đinh Tiên Hoàng), Hoàng Hoa Thám, Khắc Chân, Kiệu (Hai Bà Trưng), Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Lê Văn Sỹ, Ông Lãnh (Nguyễn Thái Học), Calmette, Calmette rẽ phải, Khánh Hội, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Cừ và Thị Nghè.

Đường: Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Phúc Nguyên, Cách Mạng Tháng Tám, Cao Thắng, Lê Hồng Phong, Ba Tháng Hai, Lý Thái Tổ, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Hồ Thị Kỷ, Trần Phú, An Dương Vương, Nguyễn Trãi, Phan Văn Trị, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Cảnh Chân, Trần Đình Xu, Hồ Hảo Hớn, Yersin và Ký Con.

Theo Bee

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.