Nhà văn, nhà nghiên cứu Toan Ánh trong cuốn Nếp cũ: Hội hè đình đám nêu rõ theo sách Phong thổ ký, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Đoan nghĩa là mở đầu. Ngọ là giữa trưa. Đoan Ngọ là bắt đầu lúc giữa trưa, Dương là mặt trời là khí dương. Đoan Dương nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Tết Đoan Ngọ ăn vào ngày mồng năm tháng Năm âm lịch.
Sở dĩ tết này được gọi là Tết Đoan Ngọ chính vì tháng Năm là lúc bắt đầu trời nắng to, khí dương đang thịnh như mặt trời vào lúc giữa trưa. Theo quan niệm Đông phương, phương Nam là chính Ngọ là ngôi dương cho nên tết này là Tết Đoan Dương.
Hình ảnh một mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ ngày nay. |
“Có tiết lễ, phải có cúng bái. Cũng như các Tết khác, người Việt cũng ăn tết Đoan Ngọ bằng sự cúng lễ. Xưa tại các làng xã có tế thần tại đình, đền. Ở các thôn xóm có cúng tại miếu. Ở nhà, các tư nhân sửa lễ cúng tại miền Bắc về dịp này thế nào cũng có trái dưa hấu vì lúc này đang mùa. Cỗ cúng xong thì ta ăn, không ai mang đổ xuống sông như tục bên Trung Quốc vì ta không cúng Khuất Nguyên”, nhà nghiên cứu Toan Ánh viết.
Trong cuốn Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính cũng viết về Tết Đoan Ngọ: Sáng sớm hôm ấy ăn rượu nếp, trứng luộc, kê, bánh đa, đào mận, muỗm, dưa hấu, uống nước dừa... Nhiều người mua bùa chỉ đeo cho con trẻ... Giữa trưa làm cỗ cúng gia tiên, rồi đi hái lá bấy cứ lá già gặp là hái...
Bên cạnh việc cúng lễ, người Việt còn coi Tết Đoan Ngọ là lễ giết sâu bọ vì trong ngày có tục giết sâu bọ. Theo quan niệm của người Việt xưa, trong người, nhất là bộ phận tiêu hóa, thường có sâu bọ. Sâu bọ này nếu không trừ đi sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây tai hại cho người, nhưng giết sâu bọ không phải là một chuyện dễ dàng và không phải là bất cứ lúc nào giết chúng cũng được. Theo quan niệm cũ quanh năm chúng ăn sâu bên trong, duy chỉ có ngày mồng năm tháng Năm là chúng “ngoi lên”. Nhân dịp chúng ngoi lên, người ta cần giết chúng.
Người Việt quan niệm giết sâu bọ bằng chính thức ăn, nhất là bằng rượu nếp và hoa quả. Đó là lý do Tết Đoan Ngọ không thể thiếu cơm rượu nếp. Theo tục lệ, sáng sớm mùng năm tháng Năm, ngay sau khi thức dậy, súc miệng xong là phải giết sâu bọ ngay.
Dù có nhiều đổi thay nhưng cơm rượu nếp là thứ không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ. |
Người Việt còn sửa soạn mâm cúng. Mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở mỗi vùng miền đều có những sự khác biệt, tuy nhiên rượu nếp và hoa quả là thứ không thể thiếu.
Tùy vào vùng miền, điều kiện gia đình mà người ta soạn mâm cúng khác nhau như: hương, hoa, rượu nếp, cơm rượu (nếp cẩm, nếp cái hoa vàng), trái cây (mận, vải…), bánh tro, bánh ú, chè trôi nước… Ngày nay người dân có thể biến tấu bằng cách thêm vào mâm cúng đặc sản vùng miền như cốm, bánh cốm, xôi…
Ở miền Bắc xưa, trong dịp này mỗi người đều ăn ít nhất một bát rượu nếp (cơm rượu) sau đó ăn một bát thạch, rồi đến ăn các trái cây như mận, muỗm, sấu, đào, roi, vải... Đối với trẻ con, người ta bôi cho chúng một ít thần sa, chu sa vào hai bên thái dương và vào bụng. Có khi người ta hòa một chút với nước cho chúng uống.
Trong cuốn Nếp cũ, soạn giả Toan Ánh còn kể ra nhiều tục của người Việt xưa dịp Tết Đoan Ngọ, có tục không còn, có tục vẫn được lưu truyền: Tục nhuộm móng chân móng tay, tục đeo bùa, tục tắm nước lá mùi, tục khảo cây lấy quả, tục hái thuốc vào giờ Ngọ, tục treo ngải cứu để trừ tà, tục đi sêu (tạ ơn nhà vợ)...