'Thứ Hai đen tối' lặp lại khi Phố Wall đảo lộn vì Covid-19

Bảng hiển thị chỉ số chứng khoán trên sàn chứng khoán New York ngày 16/3. (Ảnh: Reuters)
Bảng hiển thị chỉ số chứng khoán trên sàn chứng khoán New York ngày 16/3. (Ảnh: Reuters)
TPO - Ngày 16/3, Phố Wall trải qua mức suy giảm lớn nhất kể từ đợt sụp đổ năm 1987 sau khi Cục Dự trữ liên bang (Fed), các nhà làm luật và Nhà Trắng có những bước đi chưa từng có nhằm làm chậm sự lây lan và tác động của dịch Covid-19 nhưng vẫn không thể vực dậy thị trường.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2.997,1 điểm, tương đương 12,93%. Chỉ số Nasdaq Composite mất 970,28 điểm, tương đương 12,32%. Chỉ số S&P 500 rơi 12%, kết thúc với mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018, bất chấp bước đi của Fed trước đó khi giảm lãi suất cơ bản về gần bằng 0. Đây là lần thứ hai Fed giảm lãi suất khẩn cấp chỉ trong vòng 2 tuần và trước thềm một cuộc họp về chính sách diễn ra trong hôm nay và ngày mai.

Đây là mức giảm kỷ lục lần thứ ba, được so sánh với sự cố “Thứ Hai đen tối” năm 1987 và vụ lao dốc vào tháng 10/1929. 

Tình trạng đó càng báo động về nguy cơ đại dịch lây lan và cách nó gây tê liệt nhiều phần của kinh tế toàn cầu và bóp nghẹt doanh thu của các doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về những gì giới hoạch định chính sách có thể làm để giảm nhẹ tổn thất kinh tế mà dịch bệnh gây ra.

Chứng khoán càng tụt giảm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc giục người dân của mình dừng hầu hết hoạt động xã hội trong 15 ngày và không tụ tập theo nhóm đông hơn 10 người.

“Không có gì có thể thực sự khiến chúng ta có cảm giác khi nào sẽ biết đầy đủ tác động của dịch bệnh”, Reuters dẫn lời ông  Jeffrey Kleintop, chiến lược gia trưởng về đầu tư toàn cầu tại quỹ đầu tư Charles Schwab.

Ông Trump nói rằng Mỹ có thể đang tiến đến suy thoái.

Hầu hết các nhà quan sát thị trường ở thời điểm này đang nghĩ đến khả năng kinh tế sẽ tiến đến suy thoái, nhưng cũng cho rằng vẫn còn quá sớm để biết hết quy mô của suy giảm kinh tế.

Các nhà đầu tư vẫn chưa thấy thuyết phục rằng những phản ứng hoảng hốt sẽ tiếp tục đà này.
Các quán bar, nhà hàng, rạp phim ở New York và Los Angeles đều nhận được yêu cầu phải đóng cửa. Các bang của Mỹ cam kết với chính quyền trung ương sẽ phối hợp để có phản ứng quốc gia đối với dịch bệnh.

Nike, Under Armour và các hãng khác cho biết họ sẽ đóng cửa hàng ở Mỹ và các thị trường khác.

Hầu hết chứng khoán châu Á cũng sụt giảm trong phiên giao dịch sáng nay sau ngày sụt giảm lịch sử ở Phố Wall, khiến những hồi phục ban đầu bốc hơi khi Covid-19 trở thành rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế.

Theo theo Reuters
MỚI - NÓNG