Rồi thì phong trào sẽ xẹp
Dư luận cho rằng, ở Việt Nam bây giờ có quá nhiều cuộc thi nhan sắc. Thí dụ mới nhất, Hoa hậu Đại dương vừa qua, Hoa hậu Biển đã ập tới. Chính vì các cuộc thi nhan sắc nở rộ nên tên các cuộc thi cũng dẫm lên nhau để tồn tại. Những người làm công tác quản lí từng kêu: Phải dẹp các cuộc thi nhan sắc “vớ vẩn” để tránh tình trạng “vàng thau” lẫn lộn. Riêng với hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa, mỹ nhân đăng quang từ thời thi nhan sắc còn là sự mới lạ ở nước ta, lại cho rằng: “Ngày nay, người ta hay nói mọi việc thuận theo tự nhiên. Có những sự việc nở rộ theo phong trào, đến lúc nào người xem thấy chán thì phong trào xẹp”. Như vậy, theo Diệu Hoa, chính khán giả là người quyết định sự tồn tại của những cuộc thi nhan sắc. Khán giả còn háo hức với cuộc thi nào thì cuộc thi ấy sẽ còn tồn tại. Còn những gì theo phong trào tự khắc sẽ tiêu tan, khi “thượng đế” quay lưng. “Có lẽ chẳng cần đến những biện pháp hành chính”, chị nói.
Một trong những ồn ào lớn nhất trong các cuộc thi sắc đẹp vừa qua là việc Hoa hậu Đại Dương bị dư luận la ó về dung nhan, nghi ngờ tân hoa hậu sở hữu vẻ ngoài nhân tạo. Câu chuyện này khiến những người làm công tác quản lí phải vào cuộc. Thứ trưởng Vương Duy Biên có cách nhìn khá độ lượng với người đăng quang: “Lê Âu Ngân Anh mới hơn 20 tuổi, mọi người “ném đá” cô ấy như thế là quá sức chịu đựng của một cô gái trẻ, gây tổn thương lâu dài cho Ngân Anh. Chúng ta phải nhân ái hơn. Nếu con em mình cũng bị nói như Ngân Anh thì mọi người có chịu được không?”. Theo Thứ trưởng, phương án phạt nên nghĩ tới là “phạt người lớn, không phạt trẻ con”. Trước sự việc bê bối này, Hoa hậu Diệu Hoa nhìn nhận: “Không phải chỉ trong những ngày gần đây và không chỉ tại nước ta mới có tranh luận về cô A, cô B có xứng đáng là hoa hậu, hoa khôi hay không. Đây là một vấn đề đã từng nảy sinh ở Việt Nam và nhiều nước khác. Tùy từng thời kỳ và cũng tùy yêu cầu của người tổ chức thi sắc đẹp, lại tùy tâm thế của từng vị ngồi ghế nóng, mà đã không ít lần có “cãi vã” nảy lửa vào thời điểm quyết định chọn người xuất sắc nhất của cuộc thi, tiếp theo đó là những ý kiến trái chiều sau cuộc thi”. Theo Diệu Hoa để tránh những lình xình như đã thấy “tốt nhất là nội qui cuộc thi sắc đẹp phải minh bạch, dứt khoát về điều kiện dự thi, cụ thể là thí sinh có được trải qua phẫu thuật thẩm mỹ hay không? Nội qui đã có, ai vi phạm, dù là thí sinh hay người tổ chức, người chấm thi, người đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Còn nếu nội qui không cấm, thí sinh hoàn toàn có quyền đến thẩm mĩ viện để nâng cấp sắc đẹp, sửa chữa những khiếm khuyết về ngoại hình. Lúc này, nếu có tranh luận sẽ chỉ là để so sánh giá trị của vẻ đẹp tự nhiên và vẻ đẹp được tôn cao bằng công nghệ làm đẹp, đây cũng là một đề tài chưa có hồi kết”.
Từng ngồi ở ghế nóng nhiều cuộc thi nhan sắc, Diệu Hoa luôn tôn trọng và tuân theo các qui định của ban tổ chức cuộc thi, căn cứ các tiêu chí trong điều lệ để theo dõi thí sinh trong suốt quá trình thi. “Còn cá nhân Diệu Hoa thường đánh giá cao vẻ đẹp tự nhiên, nét duyên dáng và trí thông minh của thí sinh”, chị chia sẻ.
Chẳng ai chọn được thời của mình
Nguyễn Diệu Hoa đăng quang cuộc thi Hoa hậu toàn quốc báo Tiền Phongg lần thứ 2 năm 1990 (tiền thân của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam hiện nay), khi chị 21 tuổi: “Tôi dự thi hoa hậu một phần quan trọng là do sự gợi ý, khuyến khích của các bạn đồng học tại trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Và tôi rất vui khi được trao vương miện”. Chị là một trong những hoa hậu giữ được hình ảnh sạch trong suốt gần 30 năm kể từ ngày đăng quang. Diệu Hoa cũng là hoa hậu biết nhiều ngoại ngữ, thành đạt trong công việc, có mái ấm gia đình hạnh phúc và có nhan sắc bền với thời gian: “Tôi luôn nghĩ mình phải cố gắng để xứng đáng với tình cảm của dư luận, không ngừng hoàn thiện về tri thức, tâm hồn và lẽ tất nhiên cả về sắc đẹp”. Mặc dù trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ đang cao song hoa hậu lại lựa chọn cách làm đẹp an toàn, mất nhiều công sức hơn: “Chịu khó tập luyện, có chế độ ăn uống phù hợp, chú ý chăm sóc làn da, vóc dáng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia có uy tín về các lĩnh vực này”, Diệu Hoa bật mí bí quyết giữ vẻ thanh xuân. Đặc biệt, hoa hậu luôn cố gắng kết hợp công việc hằng ngày (kể cả các hoạt động xã hội) với việc chăm sóc gia đình: “Nếu công việc tiến triển tốt sẽ góp phần tăng thu nhập, tạo điều kiện cho cuộc sống gia đình luôn tốt đẹp. Ngược lại, mái ấm gia đình là chỗ dựa vững chắc để phát triển công việc”, chị tâm niệm. Hiện tại, hoa hậu đang có mái ấm bình yên bên người chồng Ấn Độ và ba con. Năm 2008, Diệu Hoa tham dự Hoa hậu Quí bà Thế giới (Mrs World) và lọt vào top 5 người đẹp nhất.
Hỏi hoa hậu: Ngày trước người đăng quang hoa hậu có hay bị “soi”, bị phán xét về nhan sắc không? Diệu Hoa cười: “Thời nào thì những người tạm được coi là người nổi tiếng, là người của công chúng, cũng được dư luận chăm chú theo dõi”. Tuy nhiên, theo Diệu Hoa, việc bị theo dõi tuy là một áp lực không nhỏ nhưng cũng mang ý nghĩa tích cực: “Giúp cho những người đẹp chú ý từng hành động, cử chỉ, phát ngôn để có thể giữ hình ảnh đẹp trong lòng người hâm mộ”. Nhiều người nói rằng: Làm hoa hậu ở thời nhiễu loạn các cuộc thi nhan sắc cùng sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội khó hơn làm hoa hậu ở thời chỉ tôn vinh một người, như thời của hoa hậu Bùi Bích Phương, Nguyễn Diệu Hoa… Hoa hậu biết nhiều ngoại ngữ nhất đáp: “Mỗi thời đều có những thuận lợi, những khó khăn riêng. Hơn nữa, không ai có thể chọn thời của mình. Như vậy, tốt nhất là biết thích nghi với hoàn cảnh và luôn tâm niện chỉ làm những điều hay, điều tốt”.