Vốn đầu tư vượt gấp đôi mục tiêu
Xác định công nghiệp là nền tảng của nền kinh tế và là động lực quan trọng để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từ đầu nhiệm kỳ HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút cả các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp và các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) vào sản xuất, kinh doanh.
Với nhiều cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ được mở ra, đến nay, trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 10 khu công nghiệp được thành lập, với tổng số vốn đăng ký 8,3 nghìn tỷ đồng và trên 95 triệu USD. Các khu công nghiệp đang là điểm dừng chân của 51 dự án DDI, tổng vốn đầu tư hơn 14 nghìn tỷ đồng; 221 dự án FDI, tổng vốn đầu tư gần 3.060 triệu USD.
Thống kê cho thấy, riêng trong quý III năm 2018, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước thực hiện 2.350 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 5.833 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, đến thời điểm 20/9/2018, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đã giải phóng mặt bằng đạt 72,1%, cao hơn bình quân chung cả nước. Trong đó, khu công nghiệp Bá Thiện và khu công nghiệp Bình Xuyên II đạt tỷ lệ lấp đầy 100%; khu công nghiệp Khai Quang có tỷ lệ lấp đầy 98%.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, với 11 dự án đầu tư, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những địa phương có hạ tầng công nghiệp tương đối đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu cơ bản phục vụ nhu cầu thu hút đầu tư. Đặc biệt, từ các cơ chế chính sách thông thoáng và việc thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên cho các dự án công nghiệp hỗ trợ, dự án công nghiệp công nghệ cao, các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc đã thu hút được nhiều dự án lớn, tạo ra những sản phẩm công nghiệp chủ lực như: linh kiện điện tử, dệt may, công nghiệp hỗ trợ ô tô, xe máy... có sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần tăng thu ngân sách, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Tiết lộ về lý do lựa chọn đầu tư tại Vĩnh Phúc, lãnh đạo Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc chia sẻ, ngoài những ưu điểm vượt trội như giá thuê đất thấp, chi phí đầu tư hạ tầng hợp lý, nhân công dồi dào, giá rẻ, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật có tính kết nối cao… Vĩnh Phúc còn có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. “Đặc biệt ở đây, lãnh đạo tỉnh luôn giữ mối quan hệ rất thân tình khiến chúng tôi cảm thấy mình đã trở thành những công dân của tỉnh”, vị đại diện chia sẻ.
Để đạt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, từ năm 2016 đến nay, Vĩnh Phúc đã hoàn thiện các nội dung trình Chính phủ phê duyệt và cho khởi công xây dựng khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc. Cùng với đó, chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Bình Xuyên II (giai đoạn II); triển khai các nội dung về đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp: Lập Thạch I, Thái Hòa, Liễn Sơn; điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp Đồng Sóc, Vĩnh Tường thành khu công nghiệp. Chỉ đạo các nhà đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp Bá Thiện II, Tam Dương II (khu A), khu công nghiệp Bình Xuyên, Bình Xuyên II.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp đã giúp Vĩnh Phúc sớm đạt và vượt chỉ tiêu về thu hút vốn đầu tư mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Cụ thể, theo dự kiến của UBND tỉnh, giai đoạn 2016- 2020, Vĩnh Phúc sẽ thu hút được 1,7 tỷ USD vốn đầu tư từ các dự án FDI và 33.300 tỷ đồng từ dự án DDI, cao gấp đôi so với mục tiêu đề ra.
Không phát triển bằng mọi giá
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài tại Vĩnh Phúc đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Sau một thời gian khảo sát, tìm hiểu tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, tháng 9/2017, Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản đã lựa chọn Vĩnh Phúc là điểm đến đầu tư, và đã khởi công xây dựng Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc với quy mô hơn 210 ha, tại xã Thiện Kế và Tam Hợp, huyện Bình Xuyên. Dự kiến khu công nghiệp này sẽ thu hút khoảng 80 dự án đầu tư, với số vốn trên 1,5 tỷ USD, tạo việc làm mới cho hơn 30.000 lao động.
Tiết lộ về lý do lựa chọn đầu tư tại Vĩnh Phúc, lãnh đạo Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc chia sẻ, ngoài những ưu điểm vượt trội như giá thuê đất thấp, chi phí đầu tư hạ tầng hợp lý, nhân công dồi dào, giá rẻ, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật có tính kết nối cao… Vĩnh Phúc còn có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. “Đặc biệt ở đây, lãnh đạo tỉnh luôn giữ mối quan hệ rất thân tình khiến chúng tôi cảm thấy mình đã trở thành những công dân của tỉnh”, vị đại diện chia sẻ.
Với quyết tâm xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã tập trung mọi nguồn lực, làm tốt công tác kêu gọi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, coi đó là động lực chính để phát triển kinh tế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, có tính hấp dẫn và cạnh tranh. Nếu như năm 1997, Vĩnh Phúc chỉ là tỉnh thuần nông, đóng góp vào GRDP của khu vực FDI chỉ chiếm 8%, thì đến năm 2017, cơ cấu kinh tế công nghiệp – xây dựng đã chiếm gần 60%, nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 8,52%, đóng góp vào GRDP của các doanh nghiệp nước ngoài chiếm trên 34%.
Không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI đã có tác dụng lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác trong tỉnh, kích thích lĩnh vực dịch vụ nâng cao chất lượng và phát triển nhanh hơn, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, kinh doanh bất động sản… Với những kết quả đạt được, có thể nói, Vĩnh Phúc đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc, khu vực kinh tế này vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đáng chú ý là việc chuyển giao công nghệ và liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI chưa thực sự phát huy hiệu quả; hầu hết các doanh nghiệp tuyển số lượng lớn lao động phổ thông, không qua đào tạo chuyên môn nghề nghiệp nên còn hạn chế năng lực nghề, thiếu tác phong công nghiệp; cùng đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư gặp nhiều khó khăn…
Để trở thành “thỏi nam châm” hút vốn FDI, trong giai đoạn 2018 – 2020, các sở, ngành đã tham mưu cho tỉnh, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI hoạt động. Theo đó, cùng với cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thủ tục hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, ưu tiên thu hút FDI từ các Tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, tỉnh sẽ hướng tới các đối tác có thế mạnh về phát triển công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng; đồng thời thực hiện tốt công tác quy hoạch và thu hút đầu tư các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp để nâng cao tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cũng đưa ra những chính sách, chiến lược thu hút đầu tư rõ ràng theo hướng không phát triển bằng mọi giá mà sẵn sàng từ chối các dự án không nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp và các dự án có nguy cơ rủi ro cao, dù triển vọng nguồn thu ngân sách từ các dự án đem lại không phải nhỏ. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý đối với những doanh nghiệp có biểu hiện chuyển giá để có biện pháp xử lý kịp thời; không xem xét, cho phép mở rộng quy mô đầu tư đối với những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhiều năm hoặc doanh nghiệp có doanh thu tăng nhưng vẫn báo thua lỗ.
Dự kiến giai đoạn 2016- 2020, Vĩnh Phúc sẽ thu hút được 1,7 tỷ USD vốn đầu tư từ các dự án FDI và 33.300 tỷ đồng từ dự án DDI, cao gấp đôi so với mục tiêu đề ra.