Thơ dở thơ hay

0:00 / 0:00
0:00
TP - Có một nhà thơ mới đây đã đưa ra nhận định gây chú ý tại một cuộc hội thảo. Ông cho rằng, ngày nay thơ dở tràn ngập và xã hội đang “bội thực” các nhà thơ. Một nhà thơ có tiếng ủng hộ nhận định trên: “Quá đúng”.

Theo nhà thơ này nguyên nhân khiến thơ dở tràn ngập và xã hội “bội thực” các nhà thơ vì “xuất bản bây giờ dễ dàng quá”. Một số độc giả còn chỉ ra rằng, chính các câu lạc bộ thơ mọc lên như nấm hiện nay là nguồn cung cấp dồi dào thơ dở. Có nhà thơ chuyên nghiệp còn bổ sung: Không phải cứ Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì thơ kém dở!

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lại tỏ ra bình tĩnh: “Thời nào chẳng có thơ dở”, ông nói. Tác giả “Thơ tình người lính biển” vẫn lạc quan: “Ngày nay vẫn có thơ hay”. Ông tiết lộ sắp tới sẽ giới thiệu một người làm thơ chưa từng in thơ ở đâu, không hoạt động văn chương chuyên nghiệp mà “viết hay lắm!”. Cứ chờ xem!

Trần Đăng Khoa đi ngược những ý kiến đổ lỗi cho việc dễ dàng xuất bản khiến thơ dở ngập tràn: “Bây giờ hay ở chỗ này: Ai cũng có thể công bố được tác phẩm của mình, ngày xưa in khó lắm ấy chứ! Phải xếp hàng bao nhiêu năm mới ra được tập thơ. Ai cũng đau khổ, cảm giác mình giống như thiên tài bị bỏ quên. Bây giờ tung xoè mới vui. Xuất bản dễ dàng là hay chứ không dở. Vì cái dở sẽ tự mất đi, cái hay sẽ còn lại. Chẳng có gì phải cuống lên hay báo động cả”.

Nhưng thế nào là thơ hay? Trần Đăng Khoa diễn giải: “Giản dị, xúc động và ám ảnh. Ai đọc cũng hiểu được. Nó đập vào trái tim người ta và khiến người ta không quên được. Thế là thơ hay chứ có gì đâu? Bây giờ đừng loè bịp người ta rằng: Cái này anh không hiểu được. Người đời nay không hiểu được thì làm sao hy vọng người đời sau hiểu đây?”.

Song mỗi nhà thơ lại có một quan niệm về thơ hay, thơ dở. Và quan niệm ấy cũng chưa chắc đã thuyết phục được độc giả hay chính người cầm bút. Ngay những giải thơ ca được những đơn vị có uy tín trao vẫn còn gây tranh cãi dữ dội. Chuyện chưa xa, cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ 2019-2020, đã trao giải B (không có giải A) cho tác giả Tòng Văn Hân với những bài như “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”, “Làm rể”, “Nhà trên nhà dưới”. Bài thơ gây tranh cãi kịch liệt là “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”.

Trong khi nhà thơ Hữu Thỉnh khen rất nhân văn, độ lượng thì một số nhà thơ nổi tiếng lại chê không tiếc lời, nhiều độc giả cũng cảm thấy… hơi bị ngô nghê. Mới hơn một năm trôi qua, cũng chẳng ai nhớ đến “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” nữa. Nếu theo quan niệm của Trần Đăng Khoa cái hay sẽ tồn tại thì biết đánh giá giải thưởng ấy thế nào?

MỚI - NÓNG