Vẻ đẹp Bến Tre
“Là người Bến Tre, quê hương đồng khởi, em tự hào với phẩm chất người phụ nữ xứ dừa. Một cô gái Bến Tre hiện đại thừa hưởng truyền thống cách mạng của cha ông cần tri thức, nhạy bén nhưng vẫn đậm dịu dàng và e ấp”, Huỳnh Thị Hoàng Thúy Linh nói. Cô gái sinh 1996 học khoa Y sĩ, Cao đẳng Y tế Bến Tre.
Thí sinh Thúy Linh.
Thiếu nữ quê hương Mỏ Cày quyết theo ngành y vì ấp ủ giấc mơ chữa bệnh cho người nghèo ở vùng sâu vùng xa. Tốt nghiệp cao đẳng, Linh dự định học thêm để lấy bằng bác sỹ. Không ít sinh viên ngành y ra trường muốn làm việc ở các bệnh viện lớn hiện đại, nhưng Linh có vẻ là người yêu quê hương xứ dừa. “Làm ở thành phố lớn cũng tốt, nhưng quê hương em trải qua bom đạn, không ít vùng sâu vùng xa có nhiều gia đình neo đơn, các cụ già khó khăn. Em hy vọng có thể góp phần nhỏ đóng góp quê hương”, Linh nói. Mới học năm thứ hai, Linh tham gia mùa hè xanh, dạy học cho trẻ em vùng xa, sẵn sàng đi theo các đoàn khám chữa bệnh miễn phí cho người dân các huyện trong tỉnh Bến Tre.
Cơ hội giao lưu, hoàn thiện bản thân đối với các cô gái trước ngưỡng cửa cuộc đời là điều ai cũng muốn nắm bắt. Đối với cô gái này, đây còn là dịp để thể hiện ước mơ “kêu gọi các người đẹp, mọi người hướng về biển đảo”. Linh tự tin về hình thể, sức khỏe khó ai bằng bởi học ngành y nên có chế độ ăn uống và tập luyện khoa học. “Trong cuộc thi, thắng thua là điều bình thường, em vẫn nghĩ đây là cơ hội rèn luyện, quảng bá hình ảnh con người xứ dừa Bến Tre”, Linh nói.
Diệu Hiền.
Hai cô gái Đồng Nai
Thật tình cờ khi hai cô gái quê Đồng Nai đến nộp hồ sơ, cùng làm công việc có tính chất “kiểm định”. Trần Diệu Hiền sinh 1995, hiện làm tại Cty Olympus, KCN Long Thành. Công việc chính là kiểm định về mặt y tế của sản phẩm máy ảnh, đảm bảo tiêu chuẩn tốt nhất cho mắt của người sử dụng. Kinh nghiệm làm việc hơn hai năm, Hiền kỳ vọng tiến xa hơn trong công việc. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, Diệu Hiền bảo đi làm để có tích lũy theo đuổi sự nghiệp học hành sau này.
“Em muốn tìm hướng đi mới trong cuộc đời. Con gái ai không thích được danh hiệu nào đó trong cuộc thi nhan sắc số một của Việt Nam”, Hiền nói. Tự biết thế mạnh của nhiều thí sinh khác là sinh viên, hoặc cử nhân có công việc ổn định hơn, Hiền trông đợi vào thế mạnh “nhất dáng nhì da” trời phú cho mình. Chưa hết, kinh nghiệm đi làm giúp cô có kỹ năng xử lý sự cố tốt hơn. Hiền khoe khả năng nhảy dancesport và kỹ năng chụp ảnh, làm người mẫu ảnh.
Minh Hồng.
Đồng hương của Hiền là Hà Thị Minh Hồng, sinh 1989, phụ trách kiểm hàng của một công ty giày dép tại TPHCM. Là một trong những thí sinh già dặn nhất, Hồng bảo đến bây giờ mới cảm thấy đủ tự tin để tham gia cuộc thi lớn như Hoa hậu Việt Nam. Sở thích đặc biệt của cô là theo dõi thời sự, nhất là an ninh quốc phòng, biển đảo.
Cô giáo dạy nhạc tương lai
Sinh viên năm 2, ĐH Đồng Tháp, ngành sư phạm âm nhạc, Lê Dương Trà My tình cờ biết đến cuộc thi trên mạng và đăng ký tham gia. Đây là cuộc thi sắc đẹp đầu tiên của cô, My thật thà nói chưa thực sự quan tâm đến hình thể bản thân, thậm chí “lười vận động”. “Em muốn mình mạnh dạn hơn, dù có áp lực nhưng em nghĩ khi tham gia sẽ quyết tâm cao nhất. Chắc chắn có nhiều người hơn, nhưng chiều cao 1m72 của em cũng ổn, tự chấm chắc cũng được 7/10 điểm”, My nói.
Trà My.
Người đẹp đến từ miền chợ nổi Tiền Giang xem Hoa hậu Việt Nam là cơ hội được đến nhiều vùng miền đất nước, tham gia nhiều hoạt động tình nguyện hơn. Bên cạnh các giải thưởng và mục tiêu cao cho sự nghiệp, các thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2016 đều háo hức với giải Người đẹp nhân ái. Hầu hết các nữ sinh cũng chỉ có điều kiện tham gia các hoạt động mùa hè xanh tại địa phương.
Vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 diễn ra cuối tháng 8 tại TPHCM, BTC nhận đơn đăng ký phía Nam hết 31/5, phía Bắc hết 30/6/2016. Thí sinh nộp đơn đăng ký dự thi theo mẫu tại báo Tiền Phong hoặc các văn phòng đại diện của báo. Mẫu đơn nhận tại báo hoặc qua trang web www.tienphong.vn hay www.hoahau.tienphong.vn