Trẻ em vùng lũ ở miền núi phơi vở, sách ướt sau những đợt lũ. Ảnh: T.L |
Đoàn đã đến bốn huyện, thành và chín trường học trong tỉnh đủ các vùng miền. Thăm các phòng kho, các phòng thí nghiệm, các phòng chức năng ở các trường nơi đến để hiểu sâu tình hình, nhằm bổ cứu, khắc phục, kiến nghị.
Đoàn tận mắt nhìn thấy những giờ dạy tiếng Anh lớp 6, giờ dạy toán lớp 1 ở các trường thuộc vùng sâu vùng xa. Những nơi ấy, thầy cô có những thiết bị hiện đại, từ máy chiếu đến những que tính đơn sơ, làm sinh động hơn giờ dạy, tăng sức tập trung, tự học của học sinh, nâng cao tỷ lệ thuộc bài tại lớp khá rõ nét.
Trường Tiểu học Diễn Hồng là một trường chuẩn quốc gia mức 2, tỷ lệ giờ dạy có thiết bị rất cao. Họ tự làm thiết bị dạy học và phong trào xã hội hóa đầu tư cho cơ sở vật chất thiết bị cũng rất lớn. Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh, Trường THPT Diễn Châu 4, là những đơn vị có cơ sở vật chất khá, dàn thiết bị phong phú và công tác quản lý, khai thác tốt.
Nước sôi nhiệt kế chỉ 800C
Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề tồn tại cần khắc phục triệt để. Đó là, thiết bị được cấp không đồng bộ, không đúng với bộ mẫu khi đấu thầu, chất lượng kém. Một số hạng mục rất cần như hóa chất thí quá ít, xin tự bỏ tiền mua lẻ cũng quá khó. Trong lúc đó, một số thiết bị cung ứng không đúng vùng miền, gây lãng phí, thậm chí xa xỉ đối với nhiều ngôi trường.
Có những thiết bị gây phản cảm trong giờ dạy như nhiệt kế bách phân đo nước đang sôi chỉ 80 độ; quả bóng đá nổ tan khi đang bơm; dạy bài đồ đá cũ, thầy thị phạm bằng chiếc rìu nhựa mỏng manh, băng lồng tiếng người lớn đàn ông để biểu thị hai học sinh nam nữ THCS đang đối thoại, v.v…
Rõ ràng công tác đấu thầu chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng thiết bị mà chỉ quan tâm đến giá cả, đơn vị sản xuất không làm đúng bộ mẫu khi đấu thầu.
Một số đơn vị có năng lực sản xuất TBDH có chất lượng như Cty Thiết bị Giáo dục Trung ương 1 thì không trúng thầu, hoặc trúng thầu với số lượng ít, trong khi một số đơn vị còn yếu về năng lực sản xuất thiết bị lại trúng thầu với số lượng lớn mà chất lượng yếu.
Sau khi trúng thầu, họ mới sản xuất hoặc thu gom hàng trôi nổi trên thị trường nên cung ứng chậm. Có năm chỉ còn hai tháng nữa là kết thúc năm học, thiết bị mới về đến trường.
Vẫn nặng tâm lý “Có còn hơn không”
Cũng có những đơn vị cơ sở từ chối nhận thiết bị khi phát hiện chất lượng kém nhưng, nói chung, không được đổi, bảo hành.
Nhìn chung khuyết điểm ở cơ sở là nặng tâm lý của cho được sao nhận vậy, có hơn không mà chưa nhận thức đúng rằng tiền của nhà nước cấp cho mình bằng hàng hóa đặc biệt, giao cho mình kiểm định chất lượng như một khách hàng đi mua sắm.
Nếu ở đâu cũng nhận thức sai như thế thì hàng nghìn tỷ đầu tư cho biết bị cả nước là một thất thoát, lãng phí lớn. Sự không đồng bộ biểu hiện giữa thiết bị với thiết bị, giữa thiết bị với cơ sở vật chất nhà trường, giữa thiết bị với con người, tức cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phụ trách thiết bị.
Phần lớn phòng chức năng không đúng chuẩn, nhất là diện tích phòng học bộ môn không đủ từ 1,85m2/học sinh THCS, nên học sinh có thể va chạm nhau khi thí nghiệm hóa học. Thiết nghĩ đó là những vấn đề không nhỏ rất cần quan tâm ngay.
Nhiều đơn vị đề nghị, cấp tiền mua sắm cho cơ sở, còn cấp trên giám sát, thanh tra, kiểm toán việc mua sắm. Có như thế, hàng sẽ có chất lượng, đồng bộ. Nhất là những mặt hàng thông dụng của bộ môn thể dục, thể thao, một số dụng cụ đo điện, thậm chí que tính lớp 1, chẳng phải cung ứng từ nước ngoài về mới có. Có những thiết bị chỉ cần phát động tự làm, không cần mua.
Cơ sở vật chất phục vụ thiết bị cần kiên cố hóa, chuẩn hóa, tránh tình trạng có trường thiết bị tương đối nhiều nhưng phòng chức năng còn là nhà tạm, hễ báo thời tiết xấu là thầy trò giăng bạt cấp cứu.