Thiên tài văn chương gốc Việt về 'nhà'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tiểu thuyết “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” mới đây được Nhã Nam xuất bản ở Việt Nam, và tái bản ngay sau một tháng phát hành.

Trước khi được giới thiệu ở quê nhà, Ocean Vương, đã gây sốc cả văn đàn Mỹ. Được coi như một “biến cố văn chương”, được tôn vinh là một trong 100 nhà tư tưởng hàng đầu của nhân loại ở tuổi dưới 30, nhà thơ sinh năm 1988, dựa vào chữ, đã tự viết nên lịch sử rực rỡ của riêng anh.

Tình yêu với tiếng mẹ

Ngày 16/1, nhân sự kiện ra mắt “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”, Ocean Vương có buổi giao lưu chính thức đầu tiên với độc giả Việt - những bạn đọc đã tiếp cận bản dịch cuốn sách bằng tiếng mẹ đẻ của anh, thứ ngôn ngữ mà Vương cho là “gần gũi nhất trong tôi với ý niệm về “nhà”, thứ ngôn ngữ luôn làm sống dậy trong tôi mạnh mẽ nhất tình cảm gắn bó máu thịt, nỗi xúc động và niềm vui”.

Thiên tài văn chương gốc Việt về 'nhà' ảnh 1

Buổi ra mắt diễn ra trên nền tảng trực tuyến và “suýt thì vỡ trận” vì số lượng người đăng ký quá đông. Đáng ngạc nhiên, trong số độc giả quan tâm Ocean Vương có những người còn rất trẻ, chỉ mới 14 - 15 tuổi.

Ocean Vương là người Mỹ gốc Việt (quê mẹ ở Gò Công Đông, Tiền Giang), theo gia đình sang Mỹ từ 2 tuổi. Lớn lên trong nghèo khó, được những người phụ nữ mù chữ nuôi nấng, bản thân mắc chứng khó đọc, như tờ The Washington Post đánh giá là “một xuất thân bên rìa hết sức xa lạ”, nhưng ngay từ tập thơ đầu tiên “Trời đêm những vết thương xuyên thấu” (Night sky with exit wounds - xuất bản năm 2016) anh đã được đánh giá là “một tài năng xuất chúng”.

Ocean Vương tốt nghiệp trường Cao đẳng cộng đồng ở địa phương, anh đi học đại học ngành marketing quốc tế nhưng bỏ dở sau hai tháng để chuyển sang ngành Văn học Mỹ thế kỷ 19 ở trường Brooklyn, New York. Anh học tiếp bằng Thạc sĩ sáng tác ở trường Đại học New York và giờ tham gia giảng dạy chương trình Thạc sĩ sáng tác văn chương, trường Đại học Massachusetts tại Amherst.

Năm 2019, cuốn tiểu thuyết đầu tay của Vương “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” (On earth we’re briefly gorgeous) tiếp tục bội thu giải thưởng, lọt vào danh sách bán chạy nhất của New York Times suốt sáu tuần liền và được dịch ra 30 thứ tiếng. Cùng năm này, Ocean Vương trở thành một trong 26 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ được Quỹ MacArthur vinh danh và trao giải MacArthur Fellowship (còn gọi là giải Nhân tài) trị giá 625.000 USD (tương đương 14,56 tỷ đồng).

Tự nhận mình sử dụng tiếng Anh tốt và sâu sắc hơn, nhưng Ocean Vương chưa bao giờ phủ định tình yêu tha thiết của mình với tiếng Việt - thứ tiếng anh học được từ bà, từ bác và mẹ mình - những người phụ nữ “chữ nghĩa sở hữu còn không nhiều bằng đống tiền boa ở tiệm làm móng để dành trong can sữa dưới chạn bếp”.

Thiên tài văn chương gốc Việt về 'nhà' ảnh 2

Tác giả Ocean Vương

Trong một buổi ra mắt sách ở Montréal, Canada, Vương nói rằng “mọi người trong gia đình mặc dù ít học nhưng tôi không phải nhà thơ đầu tiên”. Dễ thấy điều này trong cuốn tiểu thuyết giàu tính tự truyện của anh. Người mẹ không biết đọc nhưng biết nhận xét: “Mắt người là tạo vật cô đơn nhất của Chúa. Vì quá nhiều thứ đi qua con ngươi mà nó vẫn không giữ lại điều gì. Con mắt trong hốc, một mình một cõi, còn không biết rằng có một vật khác, giống nó y hệt, cách chỉ vài phân, cũng đói khát và trống rỗng như nó”. Và người bà bị tâm thần phân liệt lại bảo người cháu “tuyết dính trong tóc ngoại” thay vì “tóc bạc lẫn trong tóc ngoại”. Chính từ những bài học ngôn ngữ sơ khai và tình yêu của những người phụ nữ ấy, Ocean Vương lớn lên, tự chiến đấu với nỗi cô đơn bằng cách làm quen với chữ.

Rồi Vương bắt đầu làm thơ. Thầy giáo nghĩ là cậu đạo văn, ông không thể tưởng tượng một đứa học trò nghèo, xuất thân từ gia đình mù chữ, phát âm chữ “the” cũng ngọng thì làm sao có thể làm thơ hay như vậy, nên phạt cậu về tội ăn cắp thơ! Thầy giáo chỉ không ngờ, vài năm sau, vẫn cậu bé ấy được tờ The New Yorker đánh giá là người “khám phá lại ngôn ngữ Anh”.

Từ chối việc phục vụ

Trong buổi giao lưu, Ocean Vương có nói một ý rằng lịch sử người Việt ở Mỹ trước đây thường gắn liền với việc phục vụ ở tiệm nail, nhà hàng..., nhưng trong “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”, anh từ chối việc đó, anh muốn làm khác đi.

“Cuốn sách là lá thư của một người Việt Nam nói với một người Việt Nam khác, người Mỹ da trắng muốn đọc thì phải bước vào thế giới của chúng ta, đọc về Việt Nam, về văn hóa, tính cách và con người nước Việt”.

Đây không phải lần đầu tiên Vương nhấn mạnh tình yêu với văn hóa Việt và tham vọng khiến những người “ở bên ngoài” phải tò mò, quan tâm nền văn hóa này. Cũng trong buổi ra mắt sách ở Canada, Vương nói, mỗi cuốn sách của anh như một cây cầu, anh muốn bằng ngôn ngữ xây một cây cầu cho người ta đi tới đi lui, để học hỏi, tham quan và tìm hiểu về lịch sử người Việt.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để sáng tạo trong khuôn khổ được dạy về cấu trúc, số chữ... của độc giả 14 tuổi, Ocean Vương dùng thuật ngữ “unlearn” có nghĩa là xóa hết, quên hết những thứ đã học ở trường và học lại từ đầu bằng trải nghiệm cá nhân: “Tôi nghĩ việc học trong trường bị giới hạn, đóng khung, tôi nghĩ sáng tạo phải phóng khoáng tự do, nhìn xa khỏi khuôn viên trường học”.

Anh cũng nhắc những người đang tìm đường: “Hãy hoài nghi về mô hình văn hóa và tư tưởng thượng đẳng của phương Tây. Nhiều lý tưởng, tư tưởng, quan điểm của phương Tây hẹp và thiển cận. Họ lờ đi nhiều thứ khác. Cho nên, không phải cứ cái gì nổi tiếng ở Mỹ thì cũng đều là đồ tốt. Không phải vì nó phổ biến mà mình nên hướng theo, mình cần khám phá nhiều hơn những giá trị văn minh khác gần mình, quanh mình, trong mình”, Ocean nói.

Mặc dù không phủ nhận yếu tố tự truyện trong “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”, tác giả lại nhấn mạnh, mình không muốn viết tự truyện, không muốn thương mại hóa câu chuyện gia đình. “Tôi viết xuất phát từ sự tò mò. Nghệ sĩ không thể khước từ đối diện nỗi đau của chính mình, bởi vì không có bóng tối thì không có ánh sáng. Tôi đã lớn lên trong một gia đình nghèo, chứng kiến nỗi cực khổ của mọi người, tôi không muốn lãng phí nỗi buồn, mà tận dụng nó, để viết. Buồn và khó chịu là giá rẻ, dễ trả, cũng là cơ hội rất quý với người sáng tạo”.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.