Diệt chủng chỉ như công việc bàn giấy
Tại Auschwitz, Rudolf và người vợ Hedwig của hắn đã gầy dựng nên một thiên đường nghỉ dưỡng nhờ công lao diệt chủng người Do Thái. Thiên đường và địa ngục chỉ cách nhau một bức tường gạch. Ác mộng diệt chủng hiện diện trong từng khung hình, là khu trại tập trung với những cột khói thiêu xác bốc cao sừng sững ở phần hậu cảnh, hay những thanh âm gào thét kinh hoàng của tù nhân Do Thái hòa lẫn tiếng chim chóc, cười nói, chó sủa và trẻ em khóc tạo thành một hợp âm đầy ám ảnh.
Một bữa tiệc vui vẻ của gia đình Hoss, còn bên kia bức tường là trại tập trung Auschwitz (Nguồn: A24) |
Gia đình Hoss không chỉ chiếm dụng những món đồ của tù nhân bên kia bức tường, mà vườn hoa tuyệt đẹp của gia đình này được chăm bón bằng tro cốt của tù nhân Do Thái. Những cú quay tĩnh cận cảnh những bông hoa được lồng ghép với tiếng thét ai oán của tù nhân…
Bộ phim mang tình tiết của thể loại chính kịch gia đình, những buổi trò chuyện phiếm của những bà nội trợ, những bữa tiệc và cuộc cãi vợ chồng về công việc. Sự thản nhiên với tội ác được nhấn mạnh qua từng lời thoại tưởng như quá đỗi bình thường. Người vợ muốn tiếp tục sống tại ngôi nhà trong mơ được bao quanh bởi thiên nhiên trong lành, là một nơi lý tưởng để nuôi dạy con cái. Phải phi nhân tính tới mức nào mới cho rằng nơi nuôi dạy trẻ em tốt nhất là căn nhà nằm sát cạnh trại tập trung, nơi tiếng kêu gào thảm thiết vọng ra át cả tiếng chim hót?
Yếu tố kinh dị nhất của phim không đến từ những hình ảnh máu me, mà chính là thái độ thản nhiên với tội ác của gia đình Đức Quốc xã. Rudolf Hoss là con vít trong một thể chế khủng khiếp thời bấy giờ. Hắn đảm nhiệm công việc đó như một thứ công chức. Với uyển ngữ Sprachregelung của Đức Quốc xã, thì "Cưỡng ép di cư" trở thành "tái định cư"; "giết chóc" trở thành "điều phối đi nơi khác"; "diệt chủng người Do Thái" được gọi với cái tên "Giải pháp cuối cùng"… Khiến công cuộc giết chóc trở thành công việc bàn giấy mà thôi.
Đạo diễn Glazer đã tận dụng phong cách quay phim "phi tác giả" - bằng cách cài đặt 10 máy quay giấu kín, tạo cảm giác như những chiếc camera an ninh âm thầm ghi hình lại mọi sinh hoạt thường ngày của những nhân vật trong phim. Phim trường được thiết lập tối giản nhất có thể. Phong cách quay phim này nhằm thoát khỏi những mô-típ điện ảnh mô tả nạn diệt chủng dưới góc nhìn giật gân - một yếu tố dễ thấy trong các bộ phim Hollywood cùng đề tài. Không có người hùng nào xuất hiện để cứu rỗi những tù nhân như Schindler’s List, không có câu chuyện cảm động nào được kể để câu nước mắt như Life is Beautiful, và không có một cái kết có hậu nào ở cuối phim dành cho người Do Thái như The Pianist. Cái ác diệt chủng trong The Zone of Interest chỉ đơn thuần xuất hiện và ở lại tới cùng như một sự phi lý của cuộc đời.
Nhà thiết kế âm thanh Johnnie Burn đã đặc tả thực tại kinh hoàng trong phim qua những thanh âm. Phần hình ảnh và âm thanh của The Zone of Interest tách biệt nhau, khiến ta cảm thấy mình đang xem hai bộ phim khác nhau: một bộ phim kể bằng hình ảnh (thứ gia đình Đức Quốc xã thấy) và bộ còn lại kể bằng âm thanh (thứ tù nhân Do Thái tại trại Auschwitz trải qua). Sự pha trộn giữa tiếng súng, tiếng tù nhân la hét trong đau đớn và tiếng quát tháo của lính Đức sẽ khơi dậy trí tưởng tượng, gợi ta nhớ lại những hình ảnh đã từng nhìn thấy qua những bộ phim tài liệu, bảo tàng chiến tranh… Theo một cách nào đó, người xem sẽ nhìn thấy hai thứ hình ảnh cùng lúc: những cảnh phim cảm nhận qua thị giác và những thước phim chạy qua trong đầu thông qua âm thanh. Rất có thể giải Oscar 2024 hạng mục Âm thanh sẽ thuộc về The Zone of Interest.
Những bức tường trong ta
The Zone of Interest được kể dưới góc nhìn của kẻ phạm tội, để cho thấy rằng chính mỗi chúng ta cũng có những điểm tương đồng với chúng. Từng sự lựa chọn về ống kính máy quay, độ sắc nét của hình ảnh và tính chi tiết trong từng hành vi thường ngày của gia đình Hoss đều hướng đến mục đích phá bỏ khoảng cách vô hình giữa người xem và nhân vật, giữa hiện tại và quá khứ. Lối sống thản nhiên và ung dung của những kẻ như Rudolf và Hedwig là một trường hợp đáng nghiên cứu về tính bạo lực, suy đồi và thiếu thốn lòng cảm thông bất kể vị trí địa lý và thời điểm lịch sử.
Rudolf Hoss (giữa) và các sĩ quan Đức Quốc xã nghiên cứu bản thiết kế của trại tập trung (Nguồn: A24) |
Để thấy rằng chính chúng ta cũng đang là chủ thể của tội ác tầm thường ngay trong thời đại này. Đời sống vật chất xa hoa được gầy dựng nên từ mồ hôi nước mắt và cả máu của bao người khác. Những tập đoàn lớn làm giàu từ việc bòn rút tài nguyên của những quốc gia kém phát triển, mà chính nhiều người trong chúng ta đã tiếp tay với thú vui tiêu dùng không có điểm dừng…
Bức tường giữa cuộc sống đời thường và một cuộc diệt chủng giờ đây không còn mang nghĩa đen như trong The Zone of Interest nữa, mà đã hóa thân thành những chiếc điện thoại thông minh trong tay mỗi chúng ta. Lời kêu cứu của những nạn nhân Palestine tại dải Gaza vẫn đang phủ sóng rộng rãi trên mọi nền tảng mạng, và như gia đình Hoss, ta hoàn toàn có thể dựng lên một "bức tường" bằng cách tắt điện thoại hoặc nhấn lướt qua như không có gì đang xảy ra. Làm ngơ trước cái ác cũng là một loại tội lỗi.
Oppenheimer và The Zone of Interest đều tranh giải Oscar 2024 hạng mục Phim hay nhất, và cùng mang chủ đề về tội ác của con người trong Thế chiến 2. Một phim sử dụng lối làm phim tối đa và cầu kì để kể về sự ra đời của thứ vũ khí diệt chủng mang sức mạnh thần linh, phim còn lại đặc tả sự thản nhiên của những kẻ mang tội ác diệt chủng thông qua phong cách làm phim tối giản, nhưng cả hai đều nhắc nhở chúng ta rằng chiến tranh sẽ không bao giờ hoàn toàn kết thúc. Như minh chứng cho câu nói của Mark Twain: “Lịch sử không bao giờ lặp lại, nhưng khuôn mẫu của nó thì có”.