Thi tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội: Thi 3 môn là phù hợp?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đến thời điểm này, phụ huynh và học sinh liên quan kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đang thấp thỏm ngóng phương án thi của Hà Nội.
Thi tuyển vào lớp 10 ở Hà Nội: Thi 3 môn là phù hợp? ảnh 1
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội năm nào cũng căng thẳng vì tỉ lệ đỗ trường công không cao.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2024 - 2025 dự kiến có gần 135.000 học sinh tốt nghiệp, tăng hơn 5.000 học sinh so với năm học 2023 - 2024. Có thể dự đoán, cuộc đua vào lớp 10 THPT công lập năm học tới sẽ cam go, khốc liệt hơn năm ngoái khi tỉ lệ tuyển sinh các trường không tăng.

Chị Đặng Thị Thương, có con năm nay học lớp 9 một trường tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ, dù thi phương án nào cũng mong Sở GD&ĐT sớm công bố để học sinh có kế hoạch ôn thi nhằm vơi bớt áp lực. Hiện nay, ngoài học chính và học thêm 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh học sinh rất lo lắng không biết sẽ thi môn thứ tư nào trong số các môn còn lại. Con chị Thương yêu thích các môn thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên nên đi học thêm ở ngoài môn Vật lý, Hóa học tuần 2 buổi. “Nhưng nếu cứ duy trì đà này và sát kỳ thi mới công bố bài thi thứ 4 rơi vào Lịch sử, Địa lý thì lại là môn con yếu, rất thiệt thòi”, chị Thương nói.

Cô Đặng Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Đằng, huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, song song với dạy học theo chương trình, nhà trường đã thông tin về điểm khác biệt ở bậc THPT trong năm học tới là các em sẽ học chương trình GDPT mới giúp học sinh chủ động trong học tập cũng như có định hướng dần cho tương lai. Về phương án thi, cô Hà cho biết, qua tham khảo ý kiến của 250 học sinh và phụ huynh có con thi lớp 9 năm nay cho thấy, đa số đều mong muốn chỉ thi 3 môn để giảm áp lực cho các em. “Thầy cô cũng rất mong muốn Sở GD&ĐT, thành phố sớm đưa ra quyết định về phương thức, số lượng môn thi vào lớp 10 năm 2024 để thầy trò chuẩn bị kỹ càng nhất”, cô Hà nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình (Hà Nội) nói rằng, từ khi Hà Nội chuyển sang thi 4 môn để tuyển sinh lớp 10 đến nay mới chỉ có 2 năm tổ chức được môn thi thứ tư, là năm 2018 và 2021, trong đó cả hai lần đều thi môn Lịch sử. Sau đó, vì nhiều lý do như dịch bệnh, giảm áp lực cho học sinh, đến phút cuối Hà Nội đều chốt phương án chỉ tổ chức thi 3 môn.

Bà Thủy cho rằng, các trường THCS vẫn tổ chức dạy học đều tất cả các môn và sẵn sàng cho cả phương án thi 4 môn nhưng với học sinh lớp 9 năm nay là lứa học sinh cuối cùng bậc THCS thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2006 đa số học sinh, phụ huynh và giáo viên mong muốn chỉ nên tổ chức 3 bài thi nhằm giảm áp lực cho học sinh.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm học 2024 - 2025 đơn vị sẽ tiếp tục tuyển sinh theo phương thức thi tuyển, thời điểm này chưa có phương án thi cụ thể. Ngoài ra, sở sẽ chuẩn bị phương án tuyển sinh vào lớp 10 từ năm 2025 - 2026 theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với chương trình GDPT 2018.

Nhiều người cho rằng, khi công bố sớm phương án thi 3 môn, các trường sẽ bỏ bê các môn còn lại nhưng trên thực tế, giáo viên vẫn phải dạy hết chương trình, tổ chức các chuyên đề có chất lượng. Nhà trường cũng quản chặt chất lượng để học sinh có kiến thức nền tảng các môn khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý để lên bậc THPT thuận lợi chọn lựa tổ hợp môn học, không có chuyện cắt xén chương trình. Phía học sinh, các em cũng có thể có tâm lý “buông” các môn không thi, tuy nhiên trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với nhiều yếu tố khác nhau, không ai chắc chắn sẽ đỗ vào trường công, do đó, các em vẫn cần phấn đấu học các môn để có bảng điểm đẹp nhằm chuẩn bị phương án hai cho xét tuyển vào các trường ngoài công lập.

Để thúc đẩy chất lượng dạy và học, sẵn sàng cho kỳ thi với bất kỳ phương án nào, bà Thủy nói, ngay từ đầu năm học, mỗi học sinh đặt mục tiêu là gì để phấn đấu. Hàng tháng, nhà trường tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra các môn để nắm chất lượng, qua đó học sinh tự biết mình đang ở đâu để nỗ lực, giáo viên cũng biết các em khuyết thiếu kiến thức phần nào có kế hoạch dạy học bù đắp. “Với kỳ thi lớp 10, áp lực không chỉ đổ lên học sinh mà chính giáo viên cũng căng thẳng. Suy cho cùng, học sinh chính là sản phẩm của nhà giáo sau 4 năm dạy học do đó ai cũng kỳ vọng tỉ lệ học sinh đỗ công lập cao. Phía phụ huynh cũng mong muốn con có suất học trường công nhằm giảm áp lực học phí”, bà Thủy nói.

MỚI - NÓNG