Thị trường vàng miếng SJC: Khó mua đến bao giờ?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gần 1 tháng nay, giá vàng miếng SJC đứng im ở mốc 76,9 triệu đồng/lượng. Cùng thời gian, các cửa hàng kinh doanh vàng lớn ngừng bán vàng ra. Trong khi đó, việc đặt mua trực tuyến tại 4 ngân hàng quốc doanh và Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) gặp khó khăn khiến nhu cầu mua vàng của người dân không được đáp ứng. Nhiều người dân phải mua vàng từ “chợ đen” với giá cao hơn 3 - 4 triệu đồng/lượng so với giá niêm yết.

Anh Minh Khang (Hoàng Mai, Hà Nội) có nhu cầu mua 2 lượng vàng miếng SJC để trả nợ. Thế nhưng, nhiều ngày nay anh không thể đặt mua vàng trực tuyến từ 4 ngân hàng quốc doanh cũng như từ Cty SJC. Thậm chí, anh đi nhiều cửa hàng vàng kinh doanh vàng lớn như Bảo Tín Minh Châu, Doji, Phú Quý cũng không mua được vàng miếng. Theo lời mách của đồng nghiệp, anh lên cửa hàng vàng trên phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) và dễ dàng mua được 2 lượng vàng miếng SJC với giá 80 triệu đồng/lượng. “Tôi mua không có giấy tờ gì chứng minh đây là vàng SJC, chủ cửa hàng dặn khi nào cần bán ra đây họ mua lại theo giá niêm yết”, anh Khang nói.

Thị trường vàng miếng SJC: Khó mua đến bao giờ? ảnh 1

Người dân khó đặt mua vàng trực tiếp từ 4 ngân hàng và Cty SJC. Ảnh: Như Ý,

Thị trường xuất hiện giao dịch với giá bán vàng miếng SJC cao hơn giá mà 5 đơn vị bán theo giá ấn định của Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện cho việc nhiều người xếp hàng mua vàng để bán kiếm tiền chênh. Mới đây, Công an Hà Nội xác định có 4-5 nhóm riêng biệt thuê người xếp hàng mua vàng “bình ổn” tại một số chi nhánh ngân hàng Vietcombank, Agribank và BIDV tại Hà Nội. Sau khi lấy được số xếp hàng, mua được vàng, người xếp hàng sẽ tập trung lại giao cho người đứng ra thu gom. Một số người tiếp tục đến chi nhánh ngân hàng khác để xếp hàng mua vàng rồi bán cho các cửa hàng nhỏ lẻ để ăn chênh lệch. Một cửa hàng đã mua được 14 lượng vàng SJC từ người xếp hàng thuê, giá từ 80 - 82 triệu đồng/lượng tuỳ từng thời điểm.

Hiện tại, nhiều người dân vẫn có nhu cầu mua vàng nhưng không thể mua được vàng bằng hình thức trực tuyến. Theo đó, mặc dù các cửa hàng vàng nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh vàng miếng nhưng nếu có nhu cầu, khách có thể mua bất kỳ lúc nào với giá do các cửa hàng tự đưa ra. Khi “chợ đen” bán vàng không khác gì đồng USD trên thị trường tự do trong suốt nhiều năm vừa qua cũng tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp tục xếp hàng thuê với hình thức trực tuyến mua để bán lại hưởng chênh lệch.

Giảm thiểu can thiệp thị trường

Mới đây, nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, mặc dù không còn được biết đến với vai trò là một loại tiền tệ, nhưng vàng vẫn giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Việt Nam là đất nước mà người dân có thói quen và nhu cầu cao về cất trữ, tiêu dùng, đầu tư, đầu cơ vàng. Do đó, trong khoảng 20 năm trở lại đây, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã liên tục thay đổi các chính sách quản lý liên quan đến thị trường vàng để vận hành và điều tiết thị trường một cách hiệu quả, đảm bảo biến động của giá vàng không ảnh hưởng đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhóm nghiên cứu này kiến nghị cần giảm thiểu can thiệp hành chính trực tiếp vào thị trường vàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần sớm sửa đổi Nghị định 24 theo hướng không can thiệp trực tiếp vào thị trường vàng bằng các biện pháp hành chính, chỉ quản lý và hoạch định chính sách, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể: Không nên một mình giữ quyền sản xuất vàng miếng mà nên cân nhắc nghiên cứu việc cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện nhập khẩu và sản xuất vàng miếng để cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu đầu tư, tích trữ của người dân.

Cơ quan quản lý cần có các biện pháp nhằm loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là giá vàng SJC, tiến tới tự do hóa xuất, nhập khẩu vàng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước xem xét cho một số doanh nghiệp được sản xuất vàng miếng để cung ứng cho thị trường. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và sẽ giúp giảm chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, không thể duy trì giải pháp hành chính như hiện nay mãi. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nên bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC để tạo điều kiện cho các thương hiệu vàng uy tín, chất lượng khác tham gia sản xuất vàng miếng, tăng nguồn cung cho thị trường.

Nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì giải pháp bán vàng như hiện nay thì theo ông Phương phải nắm được nhu cầu vàng trong dân bao nhiêu để tiếp tục chuẩn bị nguồn cung và có phương án đáp ứng phù hợp, sát với thực tế.

Theo đó, người dân có thể đăng ký số lượng vàng muốn mua, không hạn chế số lượng và cho đặt cọc sau 6-7 ngày thì giao hàng. Qua đó ngân hàng có thể nắm được nhu cầu thực của người dân để có phương án cung ứng tốt và cách này sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ.

Theo Ngân hàng Nhà nước, sau khi thực hiện giải pháp bán vàng trực tiếp cho dân thông qua 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC, đến nay, các đơn vị này đã bán hàng trăm ngàn lượng vàng.

MỚI - NÓNG