Hơn 67 nghìn thí sinh được hỗ trợ
Năm 2017 là năm thứ hai chương trình “Tiếp sức mùa thi” được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Năm nay, cả nước đã thành lập được 3.385 đội hình “Tiếp sức mùa thi” với sự góp sức của gần 65.500 tình nguyện viên, trong đó có hơn 38.800 sinh viên, hơn 26.600 đoàn viên, thanh niên, người dân địa phương tham gia hỗ trợ 866.000 thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia.
60/63 tỉnh, thành, Hội SVVN cấp tỉnh, thành phố đã rà soát, lên phương án hỗ trợ các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn với nhiều hình thức đa dạng, như: thăm hỏi, tặng quà động viên thí sinh và gia đình; chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm ôn tập và làm bài thi; hướng dẫn nộp hồ sơ đăng ký, giới thiệu chỗ ăn, nghỉ miễn phí; hỗ trợ di chuyển... Đã có hơn 67 nghìn thí sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ.
Ngoài ra, cả nước triển khai 1.751 đội hình với hơn 17.000 tình nguyện viên tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Một số đơn vị phối hợp cùng chính quyền địa phương, các bệnh viện, trạm y tế nhằm chủ động xử lý trong các trường hợp sự cố xảy ra...
Phát biểu tại hội nghị, anh Lê Quốc Phong cho biết, chương trình đã nhận được nguồn lực tham gia, hỗ trợ rất lớn của các đơn vị, lực lượng xã hội, phát huy tính nhân văn của cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp chủ động tìm đến để hỗ trợ thí sinh, đồng thời sức hút của tiếp sức mùa thi đối với sinh viên, thanh niên tình nguyện vẫn rất lớn.
“Một khi thí sinh còn có nhu cầu thì chúng ta còn tiếp sức mùa thi. Tuy nhiên, phương thức, nội dung, cách vận hành tiếp sức mùa thi chắc chắn sẽ phải có điều chỉnh trong thời gian tới. Chẳng hạn nhiều đơn vị đã nghĩ tới chương trình “Tiếp sức đến trường”, đây là cách giúp sức, tiếp bước các em tự tin đến trường sau khi đã bước qua ngưỡng cửa cuộc thi”, anh Lê Quốc Phong nói và cho biết, điều này càng khẳng định vai trò của các tỉnh, thành Đoàn trong thiết kế đội hình, cách vận hành chương trình. Khi đó, đòi hỏi các đội hình tình nguyện phải chuyên nghiệp, đảm bảo tốt công tác chuẩn bị, nắm chắc thông tin, lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ...
tiếp sức mùa thi bám sát tình hình
Tại hội nghị, nhiều giải pháp, cách làm hay được các đại biểu chia sẻ, đề xuất để nâng cao chất lượng chương trình trong những năm tới. Chị Đỗ Thị Thanh Trang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn Đồng Tháp, cho biết năm nay tỉnh Đoàn đã triển khai chương trình tiếp sức mùa thi đến các huyện để phát huy lực lượng tại địa phương nhằm đảm bảo tất cả các em học sinh đã đăng ký đều được tham gia kỳ thi. Đoàn - Hội phối hợp các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh để nối dài cách thức kêu gọi nguồn lực hỗ trợ của các “mạnh thường quân”, giúp sức các em. Chị Trang đề xuất những năm tới, T.Ư Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp cùng nhà mạng gửi tin nhắn đồng loạt để nhắc nhở, động viên thí sinh trước khi bước vào kỳ thi.
Chị Nguyễn Thị Hằng, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tỉnh đã cử các đội hình xe ôm chở các thí sinh đến điểm thi và đến nơi nghỉ ngơi; tạo điều kiện để các em tiếp nhận đăng ký suất ăn. Anh Ngô Văn Thiện, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP Hà Nội, đề nghị Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam có phương án hỗ trợ thêm nguồn lực cho thí sinh và người nhà; thiết kế áo cho tình nguyện viên tham gia chương trình tiếp sức mùa thi phù hợp điều kiện thời tiết của từng địa phương...
Anh Lê Xuân Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Học sinh sinh viên TPHCM, nói thời gian tới các đơn vị Đoàn - Hội thành phố sẽ tiếp tục triển khai chương trình tiếp sức mùa thi, tuy nhiên sẽ bám sát tình hình, hướng dẫn tổ chức thi cử, xét tuyển do Bộ GD&ĐT đề ra để vận hành một cách hợp thời, hiệu quả nhất.
“Một khi thí sinh còn có nhu cầu thì chúng ta còn tiếp sức mùa thi. Tuy nhiên, phương thức, nội dung, cách vận hành tiếp sức mùa thi chắc chắn sẽ phải có điều chỉnh trong thời gian tới. Chẳng hạn nhiều đơn vị đã nghĩ tới chương trình “Tiếp sức đến trường”, đây là cách giúp sức, tiếp bước các em tự tin đến trường sau khi đã bước qua ngưỡng cửa cuộc thi”.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong