Tại hội thảo bàn về thực trạng các cuộc thi người đẹp, người mẫu do Bộ VH-TT & DL vừa qua, Thứ trưởng Bộ VH-TT &DL Vương Duy Biên ghi nhận: “Nhu cầu tổ chức, thưởng thức các cuộc thi sắc đẹp là tất yếu theo sự phát triển”. Nhưng theo ông Vương Duy Biên, nếu không rà soát và thắt chặt thì nhiều “cuộc thi vớ vẩn” diễn ra sẽ làm loạn danh hiệu lẫn thương hiệu…
Có lẽ, hai câu chuyện đang bung nở đáng báo động hiện nay ở lĩnh vực văn hóa chính là thi nhan sắc và viết tự truyện. Mới nhất, nữ ca sỹ Hoàng Thùy Linh tuyên bố tung tự truyện vào tháng 11, kể về sự nghiệp của Hoàng Thùy Linh sau những tháng ngày đen tối vì đời tư. Sách có tên kiêu hãnh: “Vàng Anh và Phượng Hoàng”. Cũng chẳng biết “Vàng Anh và Phượng Hòang” sẽ vút bay ra sao,vì khán giả trẻ hôm nay chắc gì còn quan tâm đến scandal của Hoàng Thùy Linh cách đây 10 năm?
Nếu có câu hỏi: Hãy tìm một thể loại tự sự được viết bằng văn xuôi gây chán ngán nhất trong những năm gần đây? Có lẽ, nhiều người đọc sẽ đưa ra đáp án: Tự truyện. Ngoài dòng tự truyện của các ngôi sao giãi bày khát vọng, tâm tư, thăng trầm sự nghiệp… thì dòng tự truyện của những người mắc bệnh hiểm nghèo đang tràn lan, không kiểm soát được. Nếu bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi gặp “họa trong đời” nghĩ ngay tới viết tự truyện thì người Việt chắc chắn giành vị trí số 1 thế giới về số lượng tự truyện được xuất bản. Nếu như ngày trước, cô gái có tên Hồng Công, mười năm đấu tranh với căn bệnh suy thận ra mắt cuốn tự truyện “Khát vọng sống để yêu” khiến dư luận xôn xao thì ngày nay hiếm có cuốn sách nào kể về quá trình đấu tranh với bệnh tật có khả năng tác động mạnh đến độc giả.
Gần đây, em gái ca sỹ Mỹ Linh ra mắt cuốn tự truyện “Không thể gục ngã” kể về hành trình cùng chồng chống lại căn bệnh ung thư. Mặc dù, tác giả tự truyện là em gái của người nổi tiếng và nội dung cũng rất bổ ích, số phận cuốn sách cũng không vì thế mà sáng sủa hơn. Nhìn ra bên ngoài cũng vậy, các tác giả dù nổi tiếng hay không, cũng khó thành công với thể loại tự truyện. Tháng 5 vừa qua, tự truyện của con gái tổng thống Trump vừa ra đời đã bị chê tơi tả. Có người đặt câu hỏi: Cuốn tự truyện ấy giúp ích gì cho phụ nữ Mỹ?
Phải chăng cũng đã đến lúc rà soát lại thể loại tự truyện ở ta, cũng giống như việc rà soát và loại bỏ những cuộc thi sắc đẹp “vớ vẩn”? Đừng để độc giả cứ nhìn thấy tự truyện lại quay lưng, đẩy một thể loại có lịch sử phát triển đàng hoàng đến nguy cơ “tự chết” ở nước ta.